23/02/2022 10:50 GMT+7 | Tin tức 24h
(giaidauscholar.com) - Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, một nhóm các nhà khoa học thuộc Cơ quan nghiên cứu khoa học CSIRO của Australia thông báo đã tìm ra cách thức bảo quản mới đối với các loại vaccine chứa virus sống, mà không cần phải giữ chúng ở nhiệt độ dưới 0 độ C.
Tiến sĩ Daniel Layton, nhà khoa học và chuyên gia miễn dịch học của CSIRO, người đứng đầu nhóm nghiên cứu nói trên, cho biết tiến trình thử nghiệm đã đạt được các bước đột phá mới, sau hàng chục nỗ lực kéo dài trong vòng 3 năm qua, để giữ cho vaccine tồn tại được ở môi trường nhiệt độ bình thường trong vài tuần.
Theo Tiến sĩ Layton, các nhà nghiên cứu đã bao bọc vaccine chứa virus sống bằng một vật liệu tinh thể có thể hòa tan, được gọi là MOFs (vật liệu khung cơ kim - nhóm vật liệu lai mới được sản xuất từ kim loại và các hợp chất hữu cơ có khả năng lưu trữ an toàn hydro và metan), nhằm bảo vệ vaccine khỏi hiện tượng “căng thẳng nhiệt”.
Tiến sĩ Layton nhấn mạnh khi vaccine có thể vận chuyển ở mức nhiệt độ bình thường, chúng sẽ có thể được lưu trữ tại các kho dự trữ bên ngoài, thay vì phải cất trong tủ đông lạnh. Nhờ đó công tác vận chuyển và bảo quản vaccine sẽ trở nên dễ dàng hơn, giúp giảm thiểu lãng phí vaccine hỏng do điều kiện môi trường.
Tiến sĩ Layton giải thích thêm một số loại vaccine ngừa COVID-19 như vaccine của hãng AstraZeneca sử dụng công nghệ vector virus, do đó hoàn toàn có thể được nghiên cứu để tiến tới áp dụng phương thức mới của CSIRO.
Một trong hai loại vaccine mà các nhà khoa học sử dụng để thử nghiệm kỹ thuật là vaccine điều trị bệnh Newcastle ở gia cầm. Đây là loại bệnh có thể giết chết hàng trăm nghìn con gia cầm cùng một lúc. Nhóm nghiên cứu đã có thể bảo quản thành công vaccine ở nhiệt độ 37 độ C trong vài tuần, trong khi thông thường chúng chỉ tồn tại được vài ngày mà không cần làm lạnh.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã thử nghiệm thành công kỹ thuật của họ trên loại vaccine ngừa bệnh cúm A.
Nhà khoa học cấp cao của CSIRO, Tiến sĩ Cara Doherty, cho biết MOFs là vật liệu hoàn hảo để bảo vệ vaccine khỏi sự biến đổi của nhiệt độ. Bà giải thích MOFs hoạt động tương tự như một giàn che bao phủ xung quanh ngôi nhà chống lại các tác động của môi trường. Đến khi dỡ bỏ giàn che, ngôi nhà vẫn sẽ được bảo tồn nguyên trạng thái. Đó là những gì sẽ xảy ra khi hòa tan MOFs trong vaccine.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có tới một nửa số vaccine trên thế giới đã bị lãng phí mỗi năm, vì bị hỏng do nhạy cảm với nhiệt độ.
Theo Tiến sĩ Ruhani Singh, nhà nghiên cứu CSIRO và là tác giả của bài nghiên cứu phát hành trên tạp chí khoa học Acta Biomaterialia, kỹ thuật bảo quản vaccine mới đạt hiệu quả về chi phí và có thể được mở rộng sang nhiều loại vaccine khác nhau, bao gồm cả vaccine ngừa COVID-19.
Các nhà khoa học của CSIRO cũng đã có kế hoạch tìm hiểu xem với những loại vaccine công nghệ mới mRNA, đòi hỏi điều kiện bảo quản ở mức nhiệt độ âm 70 độ C, như vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer và Moderna, liệu có thể được đóng gói bằng MOFs để đảm bảo chất lượng trong một môi trường nhiệt độ cao hơn được không.
Hiện các nhà khoa học của CSIRO đang tìm cách hợp tác với các công ty dược và sản xuất y tế toàn cầu để đưa các kết quả nghiên cứu vừa được chứng minh trở thành một giải pháp trong thế giới thực. Tiến sĩ Layton hy vọng phương pháp bảo quản vaccine tiên tiến sẽ sẵn sàng để dùng cho các loại vaccine thú y và nông nghiệp trong vòng 3 đến 5 năm tới và trong vòng một thập kỷ nữa đối với vaccine dành cho con người.
Diệu Linh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất