(giaidauscholar.com) -
Ngày 13/4, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học thuộc Liên hợp quốc (OPCW) cho biết những cáo buộc về vụ tấn công bị nghi sử dụng vũ khí hóa học ở một thị trấn của Syria do phiến quân kiểm soát là "có thể tin được".Theo đó, OPCW cho biết các chuyên gia hóa học đã phân tích các thông tin về vụ việc và "những bước phân tích đầu tiên cho thấy cáo buộc trên là có căn cứ". Ông Ahamet Uzumcu, giám đốc điều hành của OPCW, cho biết các mẫu phẩm tại hiện trường đã được thu thập và đưa về các phòng nghiên cứu chuyên biệt của cơ quan này để phục vụ công tác điều tra phân tích. Hiện các chuyên gia đang phân tích tất cả các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và dự kiến việc làm này sẽ kéo dài khoảng 2 tới 3 tuần trước khi có thể kết luận chính thức.
Ông Uzumcu cũng khẳng định các chuyên gia của OPCW nhận thức rất rõ trọng trách mà họ đang thực hiện cũng như tin tưởng họ sẽ thực hiện nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp, đồng thời ông này kêu gọi chia sẻ thông tin liên quan tới vụ việc để cuộc điều tra khách quan và hiệu quả hơn. OPCW sẽ họp vào tuần tới để tiếp tục thảo luận về vụ tấn công được cho là có sử dụng vụ khí hóa học tại Khan Sheikun do quân nổi dậy chiếm đóng ở Syria hôm 4/4 vừa rồi.
OPCW là cơ quan giám sát vũ khí hóa học có thẩm quyền điều tra vụ việc này. Chính phủ Syria trước đó cũng đã gửi yêu cầu điều tra vụ việc lên OPCW. Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng lên tiếng ủng hộ cuộc điều tra của cơ quan này đối với vụ việc. Các nguồn tin từ Phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Tổng thống nước này Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã nhất trí ủng hộ một cuộc điều tra do OPCW tiến hành về vụ tấn công hóa học tại Syria hồi tuần trước trong cuộc điện đàm diễn ra ngày 13/4. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho biết Nga sẽ không ủng hộ nỗ lực thông qua nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) lên án một cách vô căn cứ Chính phủ Syria mà không điều tra vụ việc nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Sheikhun. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố cuộc điều tra cần được tiến hành tại nơi xảy ra vụ việc và phải có sự tham gia của các chuyên gia ngoài các nước phương Tây.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13/4 tuyên bố vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria hồi tuần trước tương đương với một "tội ác chiến tranh". Người phát ngôn của bộ trên, ông Mark Toner nêu rõ: "Đó không chỉ là một sự vi phạm các điều luật về chiến tranh, mà chúng tôi tin rằng đó chính là một tội ác chiến tranh". Vụ tấn công hôm 4/4 tại thị trấn Khan Sheikhoun của Syria, mà nhiều chính phủ cáo buộc do lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiến hành, làm hàng chục người thiệt mạng.
Sau vụ việc trên, Mỹ đã tấn công tên lửa nhằm vào một căn cứ không quân của Chính phủ Syria với lý do nhằm đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học. Syria, Nga và Iran đã lên tiếng phản đối, coi đây là hành động thể hiện sự không sẵn sàng hợp tác của Mỹ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này. Ngày 12/4, trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên sau khi Mỹ phóng tên lửa hành trình vào một căn cứ không quân của quốc gia Trung Đông này, Tổng thống Syria Bashar al-Assad khẳng định cáo buộc vụ tấn công bị nghi sử dụng vũ khí hóa học ở một thị trấn của Syria do phiến quân kiểm soát là "sự bịa đặt" để biện minh cho cuộc không kích của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân của Syria.
Theo báo Tin tức/ TTXVN