Cuộc 'đấu súng' trong bếp 'giữa máy giặt và bom nguyên tử' của Khrushchev và Nixon

24/03/2018 12:56 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Giữa máy giặt và bom nguyên tử chỉ còn cách nhau một câu nói - khi Phó tổng thống Mỹ Nixon và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Khrushchev đứng đối diện nhau trước đây ngót sáu chục năm, ở thời điểm Chiến tranh Lạnh đạt cực điểm, nguy cơ đó hoàn toàn có thật và đồ gia dụng chợt có mùi thuốc nổ chính trị…

May mắn thay, lịch sử đã chọn ngả rẽ khác và chỉ để lại một bài học lý thú về những quy tắc ngoại giao không nên gạt bỏ.

Trao đổi văn hoá hay đấu trí?   

Như người phiên dịch bên phía Liên Xô hồi tưởng, lúc đó mạch gân xanh nổi hằn lên trên cái đầu ít tóc của Nikita Khrushchev và ông gằn giọng: “Chúng tôi sẽ trả lời mọi đe doạ bằng đe doạ”. Nhưng người khách đứng trước mặt ông cũng quên mọi quy tắc ngoại giao và đáp trả một cách thô bạo - bằng ngón tay trỏ gí lên ngực chủ nhà như nòng súng Colt: “Không bên nào được đặt tối hậu thư cho bên kia, thưa Ngài!”.

Hàng trăm ánh chớp máy ảnh loé lên, ghi lại một cử chỉ lịch sử không lấy gì làm nho nhã, thậm chí rất nguy hiểm vì diễn ra giữa hai nguyên thủ quốc gia mạnh nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Cử chỉ không thể gọi là ngoại giao của Nixon...

Hôm nay nhìn lại thì có lẽ người ta chỉ mỉm cười lắc đầu, nhưng đó là những ai chưa hề ý thức được tầm thảm hoạ của cuộc Chiến tranh Lạnh từng giờ từng phút có thể bùng nổ như núi lửa. Cả Liên Xô lẫn Mỹ ngày ấy đều nắm trong tay một lượng vũ khí hạt nhân khả dĩ xoá sạch mọi mầm sống trên địa cầu này.

Nixon sang Moscow 11 ngày, nhân dịp khai trương triển lãm quốc gia của Hoa Kỳ, một phần của Chương trình trao đổi văn hoá giữa hai quốc gia. Danh chính ngôn thuận thì đó là một nỗ lực làm giảm căng thẳng tình hình mà cả thế giới mong đợi, nhưng dĩ nhiên cả chủ lẫn khách đều tận dụng cơ hội này để khởi động bộ máy tuyên truyền.

Mỹ xây một căn hộ mẫu ở triển lãm để khoe các đồ gia dụng tối tân cũng như hàng hoá tiêu dùng của mình, còn Liên Xô cũng muốn chỉ ra những bong bóng xà phòng đó không che giấu nổi mâu thuẫn xã hội của đối thủ.

Và ở buổi lễ khai trương, theo đúng chương trình lễ tân họ gặp nhau để hân hoan cụng ly champagne, hay vodka, như khởi đầu mọi cuộc thăm viếng cấp cao trên đời này.

Chú thích ảnh
… và sự đáp lại của đối thủ. Tuy nhiên họ nhất trí truyền lại cuộc tranh luận trên vô tuyến ở nước mình được dịch rõ từng chữ! 72 triệu người Mỹ được xem chương trình đó hôm 25/7, hai ngày sau Moscow cũng phát lại phần lớn cuộc đối thoại

Căn bếp nóng

Bây giờ họ đứng mặt đối mặt, ngoài mặt nở nụ cười ngoại giao nhưng trong lòng là kẻ thù không đội trời chung - chả thế mà ai đó đã nghĩ ra thuật ngữ tuyệt diệu “Chiến tranh Lạnh”.

Khrushchev bắt tay Nixon và để khách đưa qua các phòng triển lãm, họ xem một mô hình căn hộ Mỹ với những trang bị hào nhoáng. Nixon kiêu hãnh khoe nhà bếp với những đồ điện tân tiến, máy giặt, máy sấy v.v…

Nên biết đây không chỉ là trận đụng độ giữa hai nền văn hoá từ các chính thể đối lập nhau, mà còn là dịp đầu tiên để người Mỹ có điều kiện giao lưu trực tiếp với người dân Moscow, và dĩ nhiên họ cố tung ra những quân chủ bài mạnh nhất.

Trong khuôn viên triển lãm liên tục chiếu những bộ phim hoành tráng về đường cao tốc Mỹ, ô tô Mỹ, các trường đại học Mỹ. Đại diện phái đẹp còn được chăm sóc da và trang điểm miễn phí trong một salon của hãng mỹ phẩm Helena Rubenstein. Sau 6 tuần, triển lãm đếm được 2,7 triệu khách đến thăm.

Ngày đầu tiên hội chợ, 24/7/1959, mở màn cho “những giờ phút không thể tin nổi của quan hệ ngoại giao thời bình”, theo cách gọi của tờ Time Magazine hôm 3/8/1959. Nixon hoan hỉ bật một robot tự động hút bụi và lau nhà: “Người Mỹ không cần bà nội trợ nào nữa!”, và Khrushchev móc lại: “Các Ngài có người máy nào đút thức ăn vào mồm không?”.

Đối với ông, những kĩ thuật tiên tiến của Mỹ là thực tế, song cũng chỉ ai rủng rỉnh tiền bạc mới có thể có được. “Ở Liên Xô chúng tôi, ai sinh ra ở đây cũng có mái nhà trên đầu, không ai phải ngủ ngoài vỉa hè vì nghèo đói cả”. Không khí đã nóng lên, mấy lời xã giao mào đầu nhường chỗ cho cuộc tranh luận về mặt mạnh và mặt yếu của hai hệ thống kinh tế - sau này đi vào lịch sử với tên gọi “Cuộc tranh luận trong bếp”.  

Chú thích ảnh
Chủ tịch hội đồng bộ trưởng Liên Xô Khrushchev và Phó tổng thống Mỹ Nixon tranh luận trong bếp căn hộ mẫu, không ai chịu ai

“Ta hãy đem tên lửa ra so sánh!”

Sự căng thẳng cũng đến từ bản tính “trời phú” của hai chính khách không thể nào đối nghịch hơn. Khrushchev vốn là người trực tính và nóng nảy. Chắc nhiều người còn nhớ sự kiện vang dội tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, khi ông bất bình vì bài phát biểu của đại biểu Philippines là Loeno Sumulong tháo giày đập rầm rầm lên bàn! Nixon thì lại là người mưu mẹo vòng vèo, cách xử sự đó cũng thể hiện rõ trong vụ bê bối Watergate sau này khiến ông ta phải rời Nhà Trắng.

Ở thời điểm 1959, Nixon càng phải chú ý ghi điểm để chuẩn bị tranh cử tổng thổng sắp tới cho đảng Cộng hoà. Song chả hiểu ma đưa lối, quỷ dẫn đường ra sao mà khi đi đến căn bếp, giữa đống máy vắt cam và quấy bột ông ta lại buột mồm thốt ra một câu cực khiêu khích: “Chẳng phải là hay hơn, khi chúng ta cạnh tranh bằng công suất máy giặt, thay vì khoe ra sức mạnh của tên lửa?”.

Sau này Nixon kể lại trong hồi ký, ông nói câu đó mang ý hoà giải, song thực tế nó đã châm ngòi cho cuộc tranh luận về vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Và câu đáp của chủ nhà là: “Tướng lĩnh của Ngài vẫn hô hào đem tên lửa ra so sánh cơ mà!” - Khrushchev mặt đỏ phừng phừng: “Về mặt này chúng tôi cũng có cái để khoe với Ngài đấy!”.

Từ phút đó trở đi hai nguyên thủ quốc gia hành xử như “hai gã đầu gấu trong giờ ra chơi ở sân trường”, theo nhà báo Robert J. Korengold của hãng thông tấn UPI thuật lại. Cũng có thể Nixon hơi quá tay, khi đang mong được đảng mình đề cử vào Nhà Trắng và không thể tỏ ra yếm thế. Cuối cùng ông trỏ ngón tay vào Khrushchev như súng lục!

Chú thích ảnh
Pepsi thay cho vodka: Công ty Pepsi rót mỗi giờ 10.000 cốc cho khách xem triển lãm, và trở thành doanh nghiệp đa quốc gia đầu tiên được sản xuất và bán sản phẩm ở Liên Xô từ 1972 

Dập lửa bằng… Pepsi

Quả thực dư luận Mỹ sau đó rất khoái động tác cao bồi đó của Nixon và đền đáp bằng đề cử cho cuộc chạy đua, tuy rằng kẻ chiến thắng lại tên là John F. Kennedy từ đảng Dân chủ - oái oăm thay, rất có thể nhờ ơn Khrushchev đã trì hoãn vụ trao đổi tù binh và chỉ trao trả phi công gián điệp Gary Power khi đã bầu cử ở Mỹ đã xong xuôi, nhằm gây ảnh hưởng xấu cho đảng Cộng hoà đang cầm quyền cùng ứng viên Nixon.  

Quay lại Moscow. Cho dù cuộc tranh luận trong bếp không phải là bài học mẫu cho nghệ thuật ngoại giao, song kết quả không tệ. Hai đối thủ dù sao cũng thể hiện thiện ý hoà giải, và phần lớn cuộc gặp gỡ được truyền trên vô tuyến sau đó. Trừ đoạn cuối: họ nâng ly và không biết nên… chúc gì!? Hoà bình? Rút quân về nước? Chúc gì cũng khó. May mà một người bồi bàn nhanh miệng hô to: “Chúc đồng chí Khrushchev vạn tuế!”. Nixon thở phào: “Có thể chúng ta thiếu đồng thuận, nhưng chúng ta cùng muốn Ngài khoẻ mạnh!”. Khrushchev hài lòng, và khi được thuyết phục nên nếm một ngụm Pepsi nhỏ, ông uống hết 8 cốc!

 Nixon đã ngấm ngầm phá hoại hòa đàm Paris

Nixon đã ngấm ngầm phá hoại hòa đàm Paris

Hàng loạt đoạn băng ghi âm các cuộc điện thoại của Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson vừa được giải mật và công bố. Theo đó, phát hiện Richard Nixon, đã phá hoại đàm phán hòa bình trong chiến tranh Việt Nam.

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm