14/11/2017 19:41 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, cần có nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh tình trạng “đầu chuột, đuôi voi”, dự án liên tục xin thêm kinh phí để đầu tư.
Tính toán chặt chẽ nguồn vốn
Chiều 14/11, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu.
Giai đoạn từ năm 2017 – 2020 sẽ đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2, có tổng chiều dài 654km. Tổng mức đầu tư trên 118.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước 55.000 tỷ đồng.
Đa số đại biểu thống nhất cao với chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Vì đây là dự án trọng điểm, giải quyết kịp thời nhu cầu giao thông trên các khu vực, giải tỏa kịp thời ách tắc giao thông. Giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn về nguồn vốn đầu tư cho dự án. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, dự án có tổng mức đầu tư trên 118.700 tỷ đồng. Nhiều ý kiến rằng, mức đầu tư này là chưa đủ, cần nghiên cứu kỹ để tránh tình trạng “đầu chuột, đuôi voi”, phải xin thêm kinh phí về sau.
Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), công việc giải phóng mặt bằng phải đảm bảo tiến độ, để sớm đưa công trình vào khai thác. Nếu không sẽ làm chi phí về nhân công, lãi suất… tăng lên, làm thời gian thu phí dài ra. Ví dụ thống nhất mức giá, đến khi người dân phản ứng lại thay đổi cách tính, gây khó khăn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp không dám tham gia. Bên cạnh đó, cần sớm có phương án huy động các nguồn lực.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, cần xem xét tính cấp thiết của những đoạn đường, so sánh để đầu tư thực hiện trước. Không nên làm đường cao tốc chỉ có 2 làn đường, ít nhất là phải có 4 làn đường.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết thêm, đây là dự án lớn, cần xây dựng ban quản lý lớn, chuyên nghiệp và không để chậm tiến độ. Vì chậm tiến độ sẽ phát sinh thêm rất nhiều chi phí. Hơn nữa, việc đầu tư theo hợp đồng BOT trong thời vừa qua có nhiều điều chưa ổn, gây bức xúc cho xã hội. Do vậy, cần rút kinh nghiệm để thực hiện dự án này.
Cùng quan điểm này, đại biểu Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hóa) cho biết, tuyến Quốc lộ 1A thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm thường xuyên ùn ắc cục bộ, như tại Thanh Hóa ún tắc ở khu vực qua nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Do vậy, đại biểu Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hóa) cho rằng, cần phân kỳ đầu tư ít nhất 4 làn xe, những đoạn lưu lượng lớn cần điều chỉnh rộng hơn và cắm mốc sớm.
Công khai minh bạch trong việc chọn nhà đầu tư
Theo các đại biểu Quốc hội, vì ngân sách còn khó khăn, nên phương thức đầu tư BOT là phù hợp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số dự án BOT gây bất cập, bức xúc cho xã hội.
Do vậy, theo đại biểu Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hóa), cần đấu thầu rộng rãi, cạnh tranh minh bạch, quản lý chặt chẽ giá thành ngay từ đầu. Khắc phục bất cập về tình trạng đặt trạm thu phí như vừa qua, giảm phí cho người dân sống gần các trạm thu phí. Không để tình trạng đường cũ vẫn tắc, đường mới không ai đi.
Cùng quan điểm này, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cũng cho rằng, cần có cơ chế minh bạch để hấp dẫn các nhà đầu tư có năng lực. Đây là dự án cấp thiết, lan tỏa tới 45% dân số, ảnh hưởng tới nhiều cảng biển, các thành phố lớn. Do vậy, cần cắm mốc toàn bộ dự án. Có mặt bằng sạch là khâu then chốt đối với các nhà đầu tư. Nếu không có mặt bằng sạch sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, gây lãng phí nguồn lực nhà nước.
Còn theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), cần chọn nhà đầu tư công khai, minh bạch. Không để xảy ra tình trạng nhà đầu tư chỉ có tiền vay ngân hàng để đầu tư toàn bộ dự án, gây bức xúc cho dư luận.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cũng đề nghị nghiên cứu, chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để đảm bảo tiến độ dự án. Các đoạn qua các trung tâm kinh tế lớn cần tăng lên 8 đến 10 làn xe để không xảy ra ách tắc.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình trước Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, do kinh phí có hạn nên các đoạn đường được chọn đầu tư trước đã được nghiên cứu kỹ căn cứ theo lưu lượng xe. Về giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Sau đó, tiếp tục thực hiện điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Có 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức BOT. Rút kinh nghiệm từ những dự án BOT trước, các dự án này sẽ được đấu thầu toàn bộ. Nếu đấu thầu lần 1 không xong sẽ đấu thầu lần 2. Không chỉ định thầu như trước đây. Thực hiện công khai minh bạch.
Về vấn đề thu phí sẽ thực hiện theo số km đi thực tế trên cao tốc, thu phí tự động, công khai, minh bạch. Quyết toán đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư và người dân. Hiện mức giá bình quân được tính là 2.500 đồng/km, đây là mức khá cao so với khả năng của người dân. Do vậy, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị, năm đầu tiên thu phí 1.500 đồng/km, sau đó tăng dần đến năm cuối cùng là 3.400 đồng/km.
Bên cạnh đó, phân chia ra nhiều dự án thành phần để thu hút được cả nhà đầu tư lớn và nhỏ, kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải tối thiểu từ 15 -20%. Để chọn được các nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính.
H.V/Báo Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất