20/04/2020 07:45 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Theo phóng viên TTXVN tại Paris, chiều 19/4 (giờ địa phương), Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nhấn mạnh rằng nước này vẫn đang đương đầu với cuộc khủng hoảng y tế tàn khốc. Đây không phải là đại dịch đầu tiên mà Pháp đã trải qua, song dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có quy mô chưa từng được biết đến trong lịch sử hiện đại.
Trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Y tế Olivier Véran, Thủ tướng Edouard Philippe khẳng định cuộc khủng hoảng y tế này "chưa kết thúc". Tuy vậy, tình hình đang cải thiện dần, chậm mà chắc. Bên cạnh đó, ông Philippe cũng cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng kinh tế "chỉ mới bắt đầu" và "sẽ rất tàn khốc".
Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới lại có một sự ngưng trệ kinh tế lớn như vậy, rộng như vậy và tàn khốc như vậy.Không đề cập đến các chi tiết về kế hoạch dỡ bỏ lệnh phong tỏa, Thủ tướng Philippe nhấn mạnh với người dân Pháp rằng cuộc sống sau ngày 11/5 sẽ chưa thể ngay lập tức trở về nhịp điệu bình thường như trước.
Theo Bộ trưởng Y tế Olivier Véran, tính đến 19/4, Pháp ghi nhận 19.718 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19, bao gồm 12.069 ca tại bệnh viện (+227 trong 24 giờ) và 7.649 tại các và cơ sở y tế xã hội khác. Hiện 30.610 người đang nằm viện (-29), trong đó 5.744 trường hợp nghiêm trọng được chăm sóc đặc biệt, giảm 89 bệnh nhân so với hôm trước và tiếp tục đà giảm từ 11 ngày nay.
Trong nỗ lực bảo vệ những người có nguy cơ nhất, Pháp tăng cường thực hiện xét nghiệm tại các nhà dưỡng lão, với 50.000 lượt trong tuần qua. Từ nay đến cuối tháng 6, các bệnh viện tại Pháp không chỉ được trang bị 15.000 máy thở hồi sức tích cực, mà còn có 15.000 máy hỗ trợ thở khác.
Trong một diễn biến khác, tòa thị chính Paris thông báo đã phát hiện những "dấu vết" của virus SARS-CoV-2 trong hệ thống nước rửa đường phố thủ đô. Phòng thí nghiệm của Cơ quan quản lý nước Paris đã tìm thấy sự hiện diện của virus corona mới ở 4 trong số 27 điểm lấy mẫu thử nghiệm. Tòa thị chính ngay lập tức việc đình chỉ sử dụng hệ thống nước không uống được này, như một phần của "nguyên tắc phòng ngừa". Chính quyền thành phố cũng khẳng định nước sạch cung cấp cho người dân được xử lý bằng một hệ thống "hoàn toàn độc lập", "không có bất cứ dấu vết nào của virus corona" và hoàn toàn "được tiêu thụ mà không có bất kỳ rủi ro nào".
Cùng ngày, Phó Giám đốc Cơ quan Y tế của Anh Jenny Harries cho rằng còn quá sớm để nói rằng Anh đã qua đỉnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song đã có những dấu hiệu cải thiện.
Phát biểu với báo giới, bà Harries nói: "Không khách quan khi nói rằng chúng ta đã qua đỉnh dịch, song tôi nghĩ nhiều điều có vẻ đang đi đúng hướng". Bà Harries lưu ý người dân không nên vội vàng có những kết luận tích cực dựa vào số người tử vong trong ngày 19/4, khi đây là ngày có số ca tử vong mới do COVID-19 thấp nhất trong gần 2 tuần qua, trong bối cảnh những con số cập nhật vào cuối tuần thường cho thấy số người chết giảm.
Trước đó cùng ngày, Bộ Y tế Anh thông báo, tính đến hết ngày 18/4 (theo giờ địa phương), nước này ghi nhận thêm 596 ca tử vong, mức gia tăng thấp nhất trong gần 2 tuần qua và nâng tổng số bệnh nhân tử vong do mắc COVID-19 lên 16.060 người. Anh đã ghi nhận tổng cộng 120.067 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 5.850 ca trong vòng 24 giờ qua.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Rome, số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố trong ngày 19/4, nước này ghi nhận thêm 3.047 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên thành 178.972 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong là 23.660 trường hợp (tăng 433 ca). Số ca hồi phục là 47.055 ca (tăng 2.128 ca).
Tổng số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực là 2.635 trường hợp (giảm 98). Ngoài ra, Italy hiện có 25.033 ca nhập viện và 80.589 ca cách ly tại nơi ở.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 2h10' ngày 20/4 (theo giờ Việt Nam), số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ đã vượt 40.000 ca.
Cụ thể, số người tử vong do COVID-19 tại Mỹ hiện là 40.131 người, đứng đầu thế giới. Số ca mắc COVID-19 trên toàn nước Mỹ hiện là 756.856 ca, chiếm hơn 31% trong tổng số gần 2,4 triệu ca nhiễm trên toàn cầu tính đến thời điểm này.
Ngoài ra, tại Mỹ cũng đã có 69.064 bệnh nhân COVID-19 đã bình phục, trong khi 13.556 bệnh nhân khác đang trong tình trạng nặng và nguy kịch.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại New York, giới chức New York ngày 19/4 tiếp tục kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ để tiểu bang này tiến hành xét nghiệm trên diện rộng virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và mở cửa hoạt động kinh tế, mặc dù số ca tử vong tại đây trong 24h qua tiếp tục giảm và tỷ lệ lây lan cũng giảm.
Số ca tử vong tại New York ngày 19/4 được ghi nhận là 504 ca, ít hơn 33 ca so với ngày hôm trước. Tại buổi họp báo cập nhật tình hình ngày 19/4, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nhận định số liệu cập nhật cho thấy New York đã qua đỉnh dịch nhưng cảnh báo người dân New York vẫn phải hết sức cẩn thận khi mà vẫn có tới 1.300 người nhập viện vì nhiễm SARS-CoV-2 ngày hôm trước.
Trước đó cùng ngày, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết khoảng 1.400 tình nguyện viên y tế từ New York và các bang đã được điều tới hỗ trợ các bệnh viện và nhà dưỡng lão tại thành phố này. Ông cho biết số người nhập viện lại tăng nhưng số ca bệnh phải điều trị tích cực có giảm và số người được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 cũng giảm.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất