21/03/2020 22:35 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Ngày 21/3, Trung Quốc đại lục thông báo ngày thứ 3 liên tiếp không ghi nhận thêm ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới do lây lan trong nước nhưng đây lại là ngày ghi nhận nhiều ca nhiễm virus từ nước ngoài nhất. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại châu Âu và có dấu hiệu nóng dần lên tại nhiều khu vực ở châu Á và châu Phi.
Tới nay, toàn thế giới đã ghi nhận ít nhất 11.373 ca tử vong vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Hơn 277.106 ca dương tính khi virus lây lan trên 164 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Italy là quốc gia có số ca tử vong vì dịch bệnh cao nhất, 4.032 ca trên tổng số 47.021 ca được xác nhận nhiễm bệnh. Tiếp theo là Trung Quốc, nơi dịch bệnh khởi phát, với 3.255 ca tử vong trên tổng số 81.008 ca nhiễm. Đứng sau hai quốc gia này là Iran (1.556 ca tử vong), Tây Ban Nha (1.326 ca tử vong) và Pháp (450 ca tử vong). Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 21/3, có 35 quốc gia trên thế giới đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, phong tỏa hoặc giới nghiêm, tác động tới sinh hoạt của khoảng 900 triệu dân trên toàn cầu.
Nhiều nước trên thế giới đã siết chặt các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Thái Lan đóng cửa tất cả các trung tâm thương mại ở thủ đô Bangkok, các nước châu Phi đồng loạt cấm các tổ chức các sự kiện tôn giáo tập trung đông người.
Trước đà lây lan dịch bệnh ngày càng nhanh tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã buộc phải đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn để đảm bảo sức khỏe cho người dân, ra lệnh tất cả các địa điểm giải trí công cộng như nhà hát, rạp chiếu phim, các nhà hàng, quán bar hay phòng tập gym ở nước này phải đóng cửa để phòng tránh sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp.Trước đó, Chính phủ Anh cũng đã thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ các trường học trên cả nước từ ngày 20/3 và xem xét phong tỏa một phần thủ đô London để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong khi Thị trưởng London cho biết hàng trăm người vô gia cư trong thành phố đã được đưa vào một số khách sạn để tự cách ly.
Colombia, Tunisia tuyên bố bắt đầu áp đặt biện pháp hạn chế ra ngoài bắt buộc với các công dân từ tuần tới. Bảy bang của Mỹ cũng đã yêu cầu các cư dân ở nhà, hạn chế ra ngoài. Thụy Sĩ cấm tụ tập nhóm trên 5 người trong khi Haiti, CH Dominica, Jordan và Burkina Faso đã áp đặt các lệnh giới nghiêm. Cuba tuyên bố đóng cửa biên giới với người nước ngoài trong vòng 30 ngày từ ngày 24/3. Brazil cũng tuyên bố đóng cửa biên giới từ ngày 23/3 với tất cả du khách từ châu Âu, Australia và một số quốc gia châu Á, sau khi công bố dịch chuyển sang giai đoạn lây lan cộng đồng tại quốc gia này.
Trong ngày 20/3, nhiều ngành kinh doanh công bố những báo cáo thiệt hại lớn vì tác động của dịch COVID-19. Số lượng giao hàng điện thoại di thông minh tháng 2/2020 giảm kỷ lục, 38% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 61,8 triệu điện thoại. Các hãng hàng không Air Canada và Air Transat thông báo tạm thời cho khoảng 7.000 nhân viên nghỉ việc. Boeing báo hoãn trả cổ tức vô thời hạn trong khi giám đốc điều hành và chủ tịch tập đoàn sẽ làm việc không lương cho tới cuối năm 2020. Guatemala tuyên bố ngừng một phần hoạt động sản xuất công nghiệp từu ngày 23/3, ngoại trừ các lĩnh vực thực phẩm và dược.
Trước những cảnh báo ngày càng gia tăng về sự thờ ơ của một bộ phận giới trẻ tại các quốc gia với nguy cơ lây lan dịch bệnh, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo hiện nay thanh niên cũng là những đối tượng dễ bị tổn thương. Ông Tedros nói: "Hôm nay, tôi muốn truyền đi một thông điệp với người trẻ tuổi rằng: các bạn không phải 'bất khả chiến bại'. Chủng virus nguy hiểm - SARS-CoV-2 có thể khiến bạn phải nhập viện trong vài tuần, thậm chí giết chết các bạn". Ngay cả khi bạn không bị bệnh, với bất kỳ ai, sự lựa chọn đến đâu lúc này có thể chỉ khác nhau là sống hay chết".
Lê Ánh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất