Dịch COVID-19: EU khuyến cáo không nên rút ngắn thời gian cách ly 14 ngày

03/09/2020 12:12 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Chính phủ các nước không nên rút ngắn thời gian cách ly 14 ngày phòng ngừa lây lan bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vì có một số trường hợp sau 2 tuần mới phát bệnh.

WHO cảnh báo về tốc độ lây lan dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu

WHO cảnh báo về tốc độ lây lan dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan nhanh trên toàn cầu với số ca nhiễm mới hằng ngày liên tục ở mức trên 160.000 trong một tuần qua. Đáng lưu ý là số ca nhiễm trong một tháng qua chiếm hơn một nửa tổng số ca nhiễm kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), Andrea Ammon đã đưa ra khuyến cáo trên tại cuộc điều trần thường lệ với các nghị sĩ Nghị viện châu Âu (EP) ngày 2/9.       

Khuyến cáo được đưa ra trong bối cảnh Đức thông báo với giới chức EU rằng nước này có kế hoạch rút ngắn thời gian cách ly, sau khi Hà Lan và Na Uy có các động thái tương tự.   

Phát biểu tại cuộc điều trần, bà Ammon nêu rõ: "Chúng tôi dự định cung cấp cho những người có thẩm quyền ra quyết định về vấn đề này một số bằng chứng về những rủi ro sẽ gặp phải nếu rút ngắn thời gian cách ly". Bà nhấn mạnh có 3-4% trường hợp phát hiện nhiễm bệnh sau 14 ngày - hiện được xác định là khoảng thời gian cách ly tiêu chuẩn để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19.      

Tuần trước, Đức đã quyết định từ tháng 10 tới, những người trở về từ các khu vực ở nước ngoài có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ phải cách ly 5 ngày. Việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch này diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang chứng kiến đợt tăng mới số ca nhiễm.  

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga Penn ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/ TTXVN

Bà Ammon cho biết số liệu trong tuần này cho thấy trên toàn châu Âu ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm 46 ca/100.000 người, hầu như trở lại số ca nhiễm hồi tháng 3 - tháng bắt đầu giai đoạn đỉnh dịch tại châu lục này.

Theo số liệu của ECDC, số ca nhiễm trong tháng 3 tại châu Âu đã bắt đầu tăng mạnh lên khoảng 40 ca/100.000 người vào cuối tháng 3 và tiếp tục tăng tới khoảng 70 ca/100.000 người vào cuối tháng 4. Số ca nhiễm tăng hiện nay một phần do các nước tăng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.   

Bà Ammon cũng cho biết các bệnh nhân trẻ tuổi chiếm phần lớn số ca nhiễm mới hiện nay, trong khi bệnh tình trở nặng ở những bệnh nhân cao tuổi - đối tượng chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh hồi tháng 3 và tháng 4 vừa qua.

Minh Châu/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm