20/12/2020 22:27 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h ngày 20/12 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 76.738.133 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.694.232 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 53.865.733 người.
Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh với 18.078.925 ca nhiễm và 323.404 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ có 10.036.685 ca nhiễm và 145.574 ca tử vong; Brazil có 7.213.155 ca nhiễm và 186.356 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp tại châu Âu, khi những kết quả nghiên cứu mới nhất, biến thể của virus SARS-CoV-2 là VUI-2020/12/01, được phát hiện ở Anh, Đan Mạch, Hà Lan, có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn tới 70% so với chủng gốc, đồng thời còn nhiều điều chưa biết về biến thể này như diễn tiến của người nhiễm bệnh hay tỷ lệ tử vong. Trên mạng Twitter, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang liên lạc chặt chẽ với giới chức Anh, đồng thời đề nghị nhà chức trách nước này tiếp tục chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu và phân tích. WHO sẽ cập nhật tới các nước thành viên về đặc tính và ảnh hưởng của biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Do sự gia tăng các ca mắc COVID-19 liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tái áp đặt lệnh phong tỏa tại vùng England và hủy các kế hoạch nới lỏng hạn chế vào dịp Giáng sinh. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho rằng người dân thủ đô London và Đông Nam vùng England sẽ vẫn phải thực thi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn trong những tháng tới, đồng thời khẳng định việc hủy kế hoạch nới lỏng hạn chế dịp Giáng sinh là cần thiết để khống chế sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh. Trong 24 giờ qua nước này đã ghi nhận thêm 27.052 trường hợp mắc bệnh, đưa tổng số người mắc lên hơn 2 triệu người, trong đó hơn 67.000 người tử vong.
Trước tình hình trên, Bỉ tạm thời đóng biên giới với người qua lại từ Anh đồng thời ngừng các chuyến bay và chuyến tàu từ Anh tới Bỉ, áp dụng từ 24h00 đêm 20/12 (theo giờ địa phương) và có hiệu lực ít nhất trong 24 giờ. Hà Lan cũng đã ra lệnh cấm các chuyến bay từ Anh bắt đầu từ ngày 1/1/2021. Hiện Đức và Italy cũng đang xem xét cấm các chuyến bay từ Anh tới các nước này.
Trong bối cảnh dịch đang bùng phát mạnh tại Mỹ và các biện pháp hạn chế mới tại Anh, công ty công nghệ Apple đã quyết định tạm thời đóng cửa toàn bộ 53 cửa hàng tại bang California của Mỹ và 16 cửa hàng tại Anh. Khách hàng sẽ vẫn có thể đến nhận đơn hàng đặt sẵn trong vài ngày tới. Hiện chưa rõ khi nào những cửa hàng này sẽ mở lại.
Tại châu Á, Hàn Quốc ngày 20/12 ghi nhận thêm 1.097 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bùng phát tại nước này. Đây cũng là ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc vượt 1.000 ca. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong số 1.097 ca mắc mới, có 1.072 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đáng chú ý, số ca nhiễm tại ổ dịch mới bùng phát tại một nhà tù phía Đông Nam thủ đô Seoul đã lên tới 215 người, bao gồm cả quản giáo và phạm nhân. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak - hiện đang bị giam giữ tại nhà tù này sau khi bị buộc tội tham nhũng - đã có kết quả xét nghiệm âm tính.Tính đến nay, tổng số người mắc COVID-19 tại Hàn Quốc là 49.665 người, trong đó 674 người tử vong.
Với 556 ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua, lần đầu tiên tổng số ca nhiễm trong 1 tháng tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản vượt 10.000 người. Cụ thể, tổng số ca nhiễm mới từ đầu tháng 12 này tính đến ngày 20/12 tại Tokyo là 10.507 người, cao hơn tổng số 9.857 ca nhiễm mới trong cả tháng 11- cũng là mức cao kỷ lục. Tính đến nay, tổng số ca nhiễm tại Nhật Bản là 51.446 trường hợp.
Tại Thái Lan, số ca mắc mới COVID-19 có nguồn gốc từ khu chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon đang tăng lên, trong bối cảnh nhà chức trách Thái Lan tăng cường xét nghiệm lao động nhập cư từ Myanmar. Giới chức tỉnh Samut Sakhon cho biết có thêm 146 lao động từ Myanmar cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca nhiễm ở tỉnh này lên 694 trường hợp. Quan chức Bộ Y tế Thái Lan dự báo số ca mắc COVID-19 sẽ tăng trong những ngày tới khi có kết quả xét nghiệm đối với người lao động tại chợ hải sản nói trên.
Giới chức y tế Thái Lan cho rằng vụ bùng phát mới này xuất phát từ người lao động từ Myanmar làm việc trong chợ này, nơi chỉ có 10% lực lượng lao động là người Thái Lan, đồng thời hy vọng tình hình sẽ trở lại bình thường trong vòng 4 tuần. Trong khi đó, Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) vừa thông báo hủy tất cả các sự kiện đếm ngược đón Năm Mới sau khi phát hiện các ca mắc mới COVID-19 ở thủ đô và các tỉnh lân cận. Những sự kiện nếu muốn được tổ chức sẽ phải xin phép. Ngoài ra, BMA cũng đề nghị người dân làm việc tại nhà trong vòng 14 ngày.
Trong khi đó, nhà chức trách Singapore đang điều tra 13 ca nhiễm nhập cảnh, sau khi kết quả xét nghiệm một số ca nhập cảnh từ ngày 2-11/11 vừa qua cho thấy họ nhiễm virus SARS-CoV-2 có cùng một chủng gene dù họ tới từ các nước khác nhau. Điều này chứng tỏ các ca này có thể có chung nguồn gốc lây nhiễm. Kết quả điều tra cho thấy họ đều từng cách ly tại khách sạn Mandarin Orchard trong thời gian từ ngày 22/10-11/11. Để phòng ngừa, khách sạn đã ngừng nhận khách, đóng cửa nhà hàng và khu vực tổ chức sự kiện.
Thành phố Sydney thuộc bang New South Wales (NSW) của Australia cũng đã phải áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế, sau khi số ca nhiễm liên quan đến ổ dịch tại các khu vực bờ biển phía Bắc tiếp tục tăng. Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian thông báo các cuộc tụ tập đông người tại thành phố Sydney sẽ bị hạn chế, trong đó hoạt động tụ họp trong gia đình giới hạn ở mức 10 người, các sự kiện ăn uống và tôn giáo chỉ được phép có tối đa 300 người tham gia; người dân phải tuân thủ giãn cách tại các khu vực có không gian kín. Ước tính 25% cư dân Sydney sinh sống ở ngoại ô ven biển phía Bắc sẽ phải tuân thủ lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đến Đêm Giáng sinh.
Liên quan vấn đề vaccine ngừa COVID-19, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) cho biết đang theo dõi báo cáo về các trường hợp dị ứng với vaccine, đồng thời đưa ra khuyến cáo đối với những người có tiền sử dị ứng. Theo CDC, bất kỳ ai có phản ứng nghiêm trọng với vaccine ngừa COVID-19 không nên tiêm liều thứ hai. CDC định nghĩa tình trạng dị ứng nghiêm trọng là cần phải sử dụng epinephrine hoặc điều trị tại bệnh viện. CDC nêu rõ người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào trong vaccine ngừa COVID-19 đều phải tránh các loại vaccine có công thức sử dụng các thành phần này.
Trước đó, giới chức y tế Anh cũng khuyến cáo bất kỳ ai có tiền sử mẫn cảm, hay từng phản ứng nghiêm trọng với thuốc hoặc thực phẩm, không nên tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech.
Hàn Quốc thông báo sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân trong quý I/2021 với số lượng hạn chế. Trả lời phỏng vấn của đài KBS, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun xác nhận “việc tiêm chủng sẽ bắt đầu sớm nhất là vào tháng 2 hoặc tháng 3 tới". Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc dự kiến sẽ cho phép sử dụng vaccine của hãng dược AstraZeneca đầu tiên vào đầu năm tới.
Ngọc Hà/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất