21/08/2020 22:31 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Theo trang thống kê worldometers.infor, tính đến 22h00 ngày 21/8, toàn thế giới đã ghi nhận 22.914.836 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 797.918 ca tử vong. Bắc Mỹ là khu vực bị tác động nghiêm trọng nhất với 6.786.226 ca nhiễm và 254.625 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với 6.061.693 ca nhiễm và 127.038 ca tử vong, Nam Mỹ với 5.574.039 ca nhiễm và 183.993 ca tử vong. Châu Âu ghi nhận gần 3,3 triệu ca nhiễm và hơn 200.000 ca tử vong, trong khi châu Phi đã có 1.162.770 ca nhiễm và 27.025 ca tử vong. Số ca nhiễm tại châu Đại Dương hiện là 26.695 ca, trong đó có gần 500 ca tử vong.
Tại châu Á, Ấn Độ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 3 triệu bệnh nhân. Nước này đã ghi nhận 68.898 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tại đây lên mức 2,9 triệu. Cũng trong một ngày qua, với 983 ca tử vong mới, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng 54.849 ca tử vong.
Sau Ấn Độ, Iran là nước bị ảnh hưởng nhiều thứ hai châu Á với 354.764 ca nhiễm và 20.376 ca tử vong. Tiếp đó là Saudi Arabia với 305.186 ca nhiễm và 3.580 ca tử vong. Chính phủ Nepal xác nhận số ca tử vong trong một ngày ở mức cao nhất, với 11 ca ghi nhận trong ngày 21/8, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 137 ca.
Khi dịch bắt đầu lan rộng tại nhiều ổ dịch khác nhau trong những ngày gần đây, tỷ lệ tử vong cũng tăng vọt, bao gồm cả người trẻ và người cao tuổi. Số ca nhiễm tại nước này đã vượt qua 30.000 ca. Chính quyền một số tỉnh đã yêu cầu ngừng các dịch vụ vận tải công cộng và tư nhân, ngừng hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Tại Đông Nam Á, Philippines ghi nhận số ca nhiễm cao nhất, với 182.365 ca tại thời điểm này. Tuy nhiên, với 6.500 ca tử vong, Indonesia có số ca tử vong cao nhất khu vực. Philippines ghi nhận 4.786 ca mắc mới trong ngày 21/8, nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh gia tăng là do chủng virus SARS-CoV-2 ở nước này đã biến đổi thành một chủng mới hoạt động mạnh hơn.
Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia đã xác định một ổ dịch mới tại một nhà hàng tại thủ đô Kuala Lumpur. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan (CCSA) đã gia hạn quy tắc khẩn cấp chống dịch tới ngày 30/9. Đây là lần thứ 5 liên tiếp sắc lệnh này được gia hạn. Cũng tại Đông Nam Á, Brunei không ghi nhận ca nhiễm mới trong ngày 21/8 và hiện chỉ còn 1 ca đang phải điều trị. Trong khi đó, Singapore đã quyết định tiếp tục nới lỏng hạn chế đi lại thông thường tới Brunei và New Zealand bắt đầu từ ngày 1/9 tới.
Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc đã ghi nhận 324 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 16.670. Ngoài ra, có 2 ca tử vong. Trước tình hình dịch bệnh xấu đi, chính quyền thủ đô Seoul đã ban hành quy định cấm các cuộc biểu tình trên đường phố có sự tham gia của 10 người trở lên. Người vi phạm sẽ bị phạt tới 3 triệu won (khoảng hơn 2.500 USD). Chính quyền thành phố cũng sẽ truy tố hình sự đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm Đạo luật Phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm.
Tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo ngày 21/8 đã ghi nhận 258 ca mắc mới tại thành phố này, giảm so với con số 339 ca của ngày hôm trước. Cho đến thời điểm này, tổng số ca nhiễm tại Nhật Bản đã lên tới hơn 58.500 ca, trong đó có 1.144 trường hợp không qua khỏi.
Trong một diễn biến khác, Trung Quốc đại lục ngày 21/8 ghi nhận thêm 1 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng cộng 22 ca mắc mới đều là những ca "nhập khẩu", không có thêm ca nghi nhiễm hay tử vong nào. Giới chức y tế thủ đô Bắc Kinh đã bãi bỏ quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài. Đây là một phần trong kế hoạch nới lỏng các biện pháp chống dịch khi thành phố không ghi nhận ca mắc mới trong 13 ngày liên tiếp.
Cùng ngày, bang Victoria, tâm dịch của Australia, đã thông báo thêm 179 ca mới trong 24 giờ qua, thấp nhất trong vòng 5 tuần. Bang này cũng ghi nhận thêm 9 ca tử vong. Trong bối cảnh tình hình dần cải thiện tại bang tâm dịch và không còn hoặc rất ít ca mắc mới được ghi nhận tại các bang khác, các lãnh đạo doanh nghiệp tại Australia đã kêu gọi nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại giữa các địa phương để giảm thiểu tác động kinh tế. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại New Zealand đang "nóng" trở lại khi cơ quan y tế thông báo thêm 11 ca nhiễm mới. Thủ tướng nước này Jacinda Ardern thông báo chính phủ sẽ đánh giá tình hình trước khi quyết định về việc nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tại châu Mỹ, nước Mỹ vẫn đứng đầu về số ca nhiễm và tử vong, lần lượt là 5.747.544 ca và 177.456 ca. Tiếp sau là Brazil với 3.505.097 ca nhiễm và 112.423 ca tử vong. Bộ Y tế Brazil đã ghi nhận thêm 1.204 ca tử vong và 45.323 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Bang Sao Paulo, miền Đông Nam, đang là điểm nóng dịch bệnh lớn nhất quốc gia Nam Mỹ này với 27.905 ca tử vong. Tiếp sau đó là thành phố Rio de Janeiro, nơi ghi nhận 15.074 ca tử vong.
Tại châu Âu, Nga ghi nhận số ca nhiễm cao nhất với 946.976 ca, Tây Ban Nha đứng thứ hai với 404.229 ca, song Anh là nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất với 41.403 ca. Trong ngày 21/8, Thụy Sĩ đã lần thứ hai trong tuần này ghi nhận số ca nhiễm mới hơn 300 ca. Đây là mức cao chưa từng thấy kể từ giữa tháng 4. Bộ trưởng Y tế Alain Berset cảnh báo tình trạng người dân lơ là việc tuân thủ các quy định về y tế và giãn cách xã hội sau khi nước này tuyên bố đã kiểm soát được dịch.
Trong khi đó, Chính phủ Anh cho biết tỷ lệ lây nhiễm ở quốc đảo này đã vượt mức 1. Tuần trước, tỷ lệ này ở mức từ 0,8 - 1, tuần này đã tăng lên 0,9 - 1,1, tức là trung bình một người nhiễm có thể lây cho 1,1 người khác. Điều này đồng nghĩa với việc mức độ lây lan đang diễn ra rất nhanh. Từ 0h ngày 22/8, một số địa phương tại Tây Bắc England sẽ phải áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn làn sóng thứ hai, cụ thể cấm tiếp xúc với người ngoài, cấm đám cưới có trên 20 người tham dự, ngừng dịch vụ vận tải công cộng.
Trong một diễn biến khác, tại Thụy Điển, do số lượng các ca lây nhiễm mới và tử vong giảm nên chính phủ nước này đã thông báo kế hoạch nới lỏng một số quy định từ ngày 1/10 tới, cho phép tăng số lượng người tham gia các sự kiện văn hóa và thể thao, nếu các sự kiện này được tổ chức cùng các biện pháp phòng dịch.
Với gần 600.000 ca nhiễm và hơn 12.600 ca tử vong, Nam Phi hiện là nước bị tác động nhiều nhất của dịch tại khu vực châu Phi. Tiếp theo đó là Ai Cập với 97.025 ca nhiễm và 5.212 ca tử vong. Các nước Nigeria, Maroc, Ghana và Algeria đều đã ghi nhận hơn 40.000 ca nhiễm và hàng trăm ca tử vong trong mùa dịch này.
Tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới 8 tháng sau khi bùng phát, có nguy cơ đẩy khoảng 100 triệu người trở lại cảnh nghèo cùng cực. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cảnh báo số người nghèo đói có thể còn tăng cao hơn nếu đại dịch diễn biến xấu đi hoặc kéo dài. Trong khi đó, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cho biết đại dịch đã đặt ra thách thức lớn cho các hoạt động nhân đạo trên toàn thế giới. Hoạt động của tổ chức này đã giảm xuống 85% so với trước.
Việc các nước áp đặt các lệnh phong tỏa, đóng cửa biên giới, hủy các chuyến bay hàng không đã khiến cho việc tiếp cận các khu vực cần được giúp đỡ trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, các nước tài trợ ngày càng tập trung vào cuộc khủng hoảng ở chính nước họ nên "xao lãng" việc cấp kinh phí cho hoạt động nhân đạo quốc tế, khiến hoạt động viện trợ nhân đạo gặp nhiều khó khăn.
Một tin vui trong ngày 21/8, các nhà nghiên cứu Singapore đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nhưng gây ra các triệu chứng bệnh nhẹ hơn và kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh hơn ở cơ thể người bệnh. Biến thể trên, khả năng có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán (Wuhan), thuộc tỉnh Hồ Bắc (Hubei) của Trung Quốc, đã được phát hiện tại một ổ dịch bùng phát ở Singapore từ tháng 1 – 3/2020. Virus này lây từ người sang người tại một vài ổ dịch ở Singapore trước khi bị “xóa sổ”. Các nhà khoa học cho biết phát hiện có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động bào chế thuốc điều trị và vaccine ngừa COVID-19.
Bích Liên/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất