30/10/2020 16:06 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới đã tăng hơn 500.000 ca lần đầu tiên vào ngày 28/10 - con số nhiễm trong một ngày cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm nay.
Theo các số liệu thống kê mới nhất, số ca mắc COVID-19 hằng ngày trên toàn cầu đã tăng gần 25% trong chưa đầy 2 tuần qua, từ thời điểm ngày 23/10 lần đầu tiên ghi nhận 400.000 ca mắc mỗi ngày.
Trong mấy tuần qua, hầu hết các nước phương Tây và nhiều khu vực ở Mỹ Latin đã ghi nhận số ca mắc trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Châu Âu, Bắc Mỹ và khu vực Mỹ Latin chiếm hơn 66% số ca mắc và hơn 76% số ca tử vong. Nhiều nước đã bắt đầu tái áp đặt các biện pháp cách ly, phong tỏa nhằm kiểm soát tốc độ lây nhiễm khi mùa Đông đến.
Tại châu Âu, ngoài một số quốc gia lớn như Đức, Pháp và Italy đều triển khai các biện pháp phong tỏa hoặc cách ly cục bộ để chống dịch, Thụy Điển thông báo sẽ kéo dài các biện pháp hạn chế tại nhiều khu vực sau khi nước này ghi nhận số ca mắc mới trong 24 giờ cao kỷ lục, với 3.254 ca. Truyền hình quốc gia (SVT) dẫn lời các chuyên gia dịch tễ Thụy Điển cho biết các hạt Stockholm, Vastra Gotaland và Ostergotland sẽ siết chặt các biện pháp chống dịch để giảm tốc độ lây nhiễm. Theo đó, bắt đầu từ ngày 29/10, tất cả người dân sống ở những khu vực trên được khuyến cáo không nên đến các địa điểm công cộng trong nhà như trung tâm thương mại, cửa hàng, bảo tàng, thư viện hoặc phòng tập thể thao. Tuy nhiên, người dân vẫn có thể đến mua hàng tại cừa hàng bách hóa hoặc hiệu thuốc.
Trong khi đó, tại Ba Lan, Thủ tướng nước này Mateusz Morawiecki phát biểu trước báo giới cho biết ông sẽ không cân nhắc giải pháp phong tỏa hoàn toàn sau khi tổng số ca mắc tại nước này vượt 300.000, trong đó riêng ngày 28/10 ghi nhận 20.156 ca mắc mới, cao nhất kể từ đầu dịch.
Trước tình hình số ca mắc mới tăng mạnh, Ba Lan đã phải mở một bệnh viện dã chiến tại sân vận động quốc gia với số giường bệnh ban đầu là 300 và có thể đề xuất tăng lên 2.000 giường trong những tháng tới khi tình hình căng thẳng hơn. Đây là bệnh viện dã chiến đầu tiên điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Ba Lan.
Liên quan giải pháp nhằm giảm số ca mắc COVID-19, các nhà khoa học Đức cho biết việc đeo khẩu trang, hay hạn chế tập trung đông người là rất quan trọng, song một môi trường thông gió tốt cũng là yếu tố cần thiết nhất để giảm nguy cơ lây nhiễm tại những không gian công cộng trong nhà.
Tháng 8 vừa qua, các nhà khoa học Đức đã theo dõi khoảng 1.500 tình nguyện viên đeo khẩu trang, rửa tay sạch và đứng ở khoảng cách gần nhau, cùng tham gia một buổi hòa nhạc trong nhà ở thành phố Leipzig để đánh giá cơ chế lây lan của virus SARS-CoV-2 trong không gian đông người. Với 3 kịch bản được mô phỏng, với số lượng khán giả và các tiêu chuẩn về giãn cách xã hội khác nhau, đồng thời tạo ra một mạng máy tính tại sân vận động để phân tích luồng khí thở ra từ những khán giả giả định là nhiễm bệnh.
Trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Y Halle cho biết: "Phát hiện quan trọng nhất là thấy được tầm quan trọng của việc có công nghệ thông gió tốt. Đây là chìa khóa để giảm nguy cơ lây nhiễm virus. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc giảm sức chứa trong sân vận động, việc bố trí cổng vào từ nhiều phía và chỗ ngồi cho khán giả có thể tác động lớn đến số người nhiễm.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất