Dịch Covid-19: Thế giới đã tiêm hơn 510 triệu liều vaccine

27/03/2021 14:48 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Trên thế giới, tổng cộng hơn 510 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 27/3 tiếp tục kêu gọi các quốc gia giàu có tài trợ vaccine để giúp đỡ các nước nghèo khó triển khai tiêm chủng trong bối cảnh khoảng cách về tiếp cận vaccine giữa các quốc gia vẫn còn quá lớn.   

Đức thông báo thời điểm cấp 'hộ chiếu vaccine' Covid-19

Đức thông báo thời điểm cấp 'hộ chiếu vaccine' Covid-19

Chính phủ Đức ngày 23/3 tái khẳng định ủng hộ kế hoạch triển khai "hộ chiếu vaccine" của châu Âu, đồng thời cam kết đảm bảo có thể cấp chứng chỉ xanh kỹ thuật số này đúng thời điểm từ ngày 1/6 tới.

Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019, tới nay đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 2,7 triệu người tử vong. Các nhà lãnh đạo trên thế giới đều đang nỗ lực tìm cách đảm bảo nguồn cung vaccine để tiêm cho người dân.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực không ngừng nghỉ để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng tại nhiều quốc gia, đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành tại châu Âu và Mỹ Latinh, trong đó Brazil đã ghi nhận hơn 300.000 ca tử vong và Mexico đã ghi nhận hơn 200.000 ca.   

Cụ thể, theo thống kê của hãng tin AFP của Pháp, tính đến ngày 26/3, thế giới đã tiêm tổng cộng 512,91 triệu liều, trong đó Mỹ tiêm 133 triệu liều (hơn 25%) và Ấn Độ là 91 triệu liều. Tuy nhiên, số ca mắc mới vẫn đang gia tăng với tốc độ đáng lo ngại, trong đó hơn 500.000 ca đã được ghi nhận trên toàn thế giới chỉ riêng trong tuần qua.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Punjab, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Tốc độ cung cấp vaccine cho Brazil sẽ không đủ nhanh để quốc gia này có thể tránh hậu quả nặng nề của đợt dịch bệnh đang bùng phát. Tới nay, Brazil ghi nhận tổng cộng hơn 300.000 ca tử vong, trong số 12 triệu ca bệnh. Trong khi đó, Mexico cũng đang trải qua giai đoạn tồi tệ của làn sóng dịch bệnh thứ 3 khi mới chỉ có một phần nhỏ dân số nước này được tiêm chủng. Quan chức cấp cao WHO, bà Maria Van Kerkhove đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn cấp bách.   

Thực tế trên phần nào phản ánh tình trạng triển khai tiêm chủng vaccine không đồng đều. Nhìn chung, các nước nghèo đang tụt lại khá xa so với các quốc gia giàu có trong việc triển khai tiêm vaccine. Để cải thiện tình hình, WHO đã kêu gọi các quốc gia giàu có san sẻ vaccine để tất cả các nước đều có thể triển khai tiêm chủng trong 100 ngày đầu tiên của năm 2021. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định việc quyên góp được 10 triệu liều vaccine phòng COVID-19 sẽ giúp khoảng 20 quốc gia có thể khởi động tiêm chủng cho các nhân viên y tế và những người cao tuổi trong vòng 2 tuần tới.   

Cũng trong ngày 26/3, Liên hợp quốc thông báo khoảng 180 quốc gia trong tổng số 193 thành viên LHQ đã cam kết đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng. Tuyên bố chính trị, có chữ ký của đại diện 180 quốc gia tính đến ngày 26/3, có đoạn nêu rõ dù đã có những thỏa thuận, những sáng kiến quốc tế và cả những tuyên bố chung, việc phân phối vaccine vẫn diễn ra không đồng đều, dù giữa các quốc gia hay trong mỗi quốc gia.

Trong bối cảnh vẫn còn nhiều nước chưa có vaccine, thế giới cần đoàn kết và phối hợp đa phương để tăng cường sản xuất và phân phối vaccine, trên các cấp độ khu vực và toàn cầu. Tuyên bố cũng khuyến khích các quốc gia có điều kiện chia sẻ vaccine cho các quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình và thấp cũng như các quốc gia cần giúp đỡ. Tuyên bố cũng khẳng định sáng kiến COVAX do LHQ dẫn dắt là một cơ chế hợp lý nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận vaccine.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm