26/01/2021 22:13 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 26/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 100.389.160 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.152.457 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 72.429.942 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 431.408 ca tử vong trong tổng số 25.863.646 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 153.644 ca tử vong trong số 10.679.403 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 217.712 ca tử vong trong số 8.872.964 bệnh nhân.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 180 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 163 người và Cộng hòa Séc 146 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 32,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 705.375 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 575.900 ca tử vong trong hơn 18,2 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 440.300 ca tử vong trong hơn 26 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 236.200 ca tử vong trong hơn 14,9 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 95.800 ca tử vong, châu Phi có hơn 85.900 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 945 người.
Tại châu Á, Thái Lan ghi nhận 959 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 26/1. Đây là số ca mới ghi nhận trong ngày cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện tại quốc gia này. Theo Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA), có 937 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 914 ca ở tỉnh Samut Sakhon, và 22 ca nhập khẩu. Dịch bắt đầu bùng phát mạnh tại tỉnh Samut Sakhon từ tháng trước. Phần lớn các ca phát hiện tại tỉnh Samut Sakhon nhờ chương trình xét nghiệm chủ động, được tiến hành đối với những người nhập cư từ Myanmar và công dân Thái Lan. Hiện Thái Lan ghi nhận tổng cộng 14.646 ca mắc COVID-19, số ca không qua khỏi là 75 ca.
Trong khi đó, tổng số ca bệnh tại Indonesia đã vượt mức 1 triệu người sau khi quốc gia này ghi nhận thêm 13.094 ca mắc mới. Như vậy, tới nay Indonesia phát hiện 1.012.350 ca bệnh, trong đó có 28.468 ca tử vong, tăng 336 ca so với một ngày trước đó. Campuchia cũng thông báo thêm 2 ca mắc mới, đều là các ca nhập cảnh, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia này lên là 460. Theo Bộ Y tế Campuchia, các ca bệnh đều là những người trở về từ Indonesia và Thái Lan từ ngày 12/1. Đáng chú ý, các ca này chỉ có kết quả xét nghiệm dương tính trong lần xét nghiệm thứ 2 và thứ 3. Tính tới nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 640 ca mắc bệnh COVID-19, không có ca tử vong, 412 bệnh nhân đã hồi phục.
Giới chức Philippines xác nhận tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh đã khiến Tổng thống Rodrigo Duterte hủy bỏ kế hoạch cho phép nhóm đối tượng vị thành niên được phép ra khỏi nhà, song song với việc cấm du lịch nội địa và cấm trẻ em ra khỏi nhà. Tính thời thời điểm hiện tại, Philippines là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Á với gần 515.000 ca nhiễm và hơn 10.200 ca tử vong.
Theo Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ, tính đến sáng 26/1, nước này ghi nhận khoảng 9.100 ca nhiễm trong vòng 24 giờ, mức thấp nhất trong 7 tháng qua. Ấn Độ hiện là nước bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai thế giới, sau Mỹ, với hơn 10,6 triệu ca nhiễm và hơn 153.600 ca tử vong.
Tại châu Đại dương, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố nước này sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới cho đến khi toàn bộ người dân được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ và phần còn lại của thế giới trở lại mức độ bình thường nhất định. Theo bà Ardern, chính phủ sẽ dành ưu tiên “bong bóng đi lại”, một chương trình kích cầu du lịch với Australia và các quốc đảo Thái Bình Dương.
Tại châu Âu, trong 2 ngày qua có hơn 1.000 người mắc COVID-19 tại Pháp phải nhập viện - mức tăng cao chưa từng thấy kể từ ngày 16/11/2020, trong khi số bệnh nhân phải điều trị tại khu điều trị tích cực (ICU) lần đầu tiên vượt 3.000 ca kể từ ngày 9/12/2020. Theo số liệu công bố trên trang mạng thông tin của chính phủ về COVID-19, tổng số bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 đã lên tới 26.924 người. Tổng số người đang được điều trị trong ICU là 3.041 ca, thấp hơn con số đỉnh điểm 7.148 ca ghi nhận vào ngày 4/4/2020, song đang gia tăng gần như hằng ngày kể từ ngày 7/1 vừa qua. Ngày càng nhiều chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa thứ ba tại Pháp trong khi triển khai chiến dịch tiêm phòng vaccine. Tuy nhiên, truyền thông Pháp đưa tin Tổng thống Emmanuel Macron đang tìm cách thức tránh áp dụng biện pháp phong tỏa. Từ ngày 16/1 vừa qua, Pháp đã thực thi lệnh giới nghiêm trong ít nhất 2 tuần nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Trong khi đó, Hy Lạp đã thông báo lệnh "cấm tất cả các cuộc tụ tập ở nơi công cộng trên 100 người cho đến hết ngày 1/2", do những đám đông biểu tình có thể tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Hiện Hy Lạp vẫn đang trong giai đoạn thực hiện biện pháp phong tỏa quốc gia nhằm hạn chế tốc độ lây nhiễm dịch bệnh. Lệnh phong tỏa trên đã được nới lỏng từ ngày 18/1, theo đó chỉ cho phép các cửa hàng bán lẻ hoạt động và các trường phổ thông được phép mở cửa trở lại từ ngày 1/2. Cho đến nay, quốc gia Nam Âu này đã ghi nhận hơn 5.600 ca tử vong trong tổng số gần 152.500 ca mắc COVID-19.
Những người từ khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến Litva phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành, đồng thời thực hiện tự cách ly 14 ngày ngay khi đến nước này. Quy định này có hiệu lực từ ngày 25/1. Riêng những người đến từ các khu vực có tốc độ lây lan nhanh chóng biến thể mới của virus SARS-CoV-2, gồm Ireland, Đan Mạch, Anh, Hà Lan, Brazil, Israel và Nam Phi, phải thực hiện quy định cách ly riêng. Họ không được phép rời khỏi nơi cách ly ngoại trừ lý do sức khỏe và cần hỗ trợ y tế khẩn cấp, đi đến cơ sở y tế hoặc điểm xét nghiệm lưu động.
Ireland dự kiến gia hạn lệnh đóng cửa nền kinh tế đến ngày 5/3 tới và sẽ dần nới lỏng các biện pháp hạn chế tương tự như đã từng làm trong đợt phong tỏa đầu tiên hồi năm ngoái nếu có thể vượt qua đại địch COVID-19 một lần nữa. Các ca nhiễm mới tại Ireland đã bắt đầu giảm sau khi gia tăng với tốc độ được cho là nhanh nhất ở châu Âu vào thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm nay. Nội các Ireland hiện thắt chặt lệnh hạn chế đi lại, theo đó cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Brazil và Nam Phi, những nơi đã phát hiện các biến thể của virus SARS-CoV-2. Ireland cũng sẽ lần đầu tiên áp dụng quy định cách ly bắt buộc tại khách sạn đối với bất kỳ ai đến từ hai quốc gia này, cũng như tất cả những hành khách nhập cảnh nói chung mà không xuất trình được giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tại châu Mỹ, Chính phủ Colombia thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Carlos Holmes Trujillo đã qua đời sau khi mắc COVID-19. Ông Trujillo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hồi đầu tháng này trước khi được đưa vào khoa điều trị tích cực.
Bộ Y tế Mexico xác nhận thêm 659 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 150.273 ca, chỉ sau Mỹ, Brazil và Ấn Độ. Số ca mắc tại Mexico tăng thêm 8.521 ca lên hơn 1,77 triệu ca. Gia đình tỷ phú Mexico Carlos Slim - một trong những người giàu nhất thế giới - cho biết “ông trùm” viễn thông 80 tuổi này đã mắc COVID-19 và đang được điều trị, song may mắn chỉ có các triệu chứng nhẹ. Một ngày trước đó, Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador thông báo ông mắc COVID-19 và đang được điều trị nhưng cũng chỉ có triệu chứng nhẹ.
Trong khi đó, tại Mỹ, tân Tổng thống Joe Biden bày tỏ tin tưởng nước này có thể đạt miễn dịch cộng đồng vào mùa Hè 2021. Ông Biden cho rằng sẽ phải mất vài tháng, nước Mỹ mới có thể thực hiện tiêm chủng đại trà cho quốc gia 328 triệu dân này. Ông đồng thời nhắc lại mục tiêu đầu tiên trong 100 ngày đầu nhậm chức của ông là phân phối được 100 triệu liều vaccine tới người dân Mỹ.
Liên quan đến hoạt động phân phối vaccine ngừa COVID-19, Bộ trưởng Phát triển vaccine của Anh - ông Nadhim Zahawi cảnh báo nguồn cung đang ngày càng khan hiếm hơn, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng các hãng dược phẩm Pfizer, AstraZeneca và Moderna sẽ thực hiện cam kết cung ứng. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ủng hộ đề xuất EU áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế lượng vaccine xuất khẩu ra ngoài khối. Ông Spahn nhấn mạnh: "Đây không phải là chính sách EU trước tiên mà là sự chia sẻ công bằng của EU".
Trước đó, hãng AstraZeneca đã thông báo với EU rằng họ có thể không đạt mục tiêu về lượng vaccine được cung ứng vào cuối tháng 3 tới. Đây giống như cú giáng mạnh hơn và các nỗ lực chống dịch của EU sau khi hãng Pfizer thông báo tạm thời giảm nguồn cung vaccine vào tháng 1.
Thanh Phương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất