16/06/2020 08:46 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Theo trang thống kê worldometers.info, đến 8h00 sáng 16/6, toàn thế giới đã ghi nhận 8.108.628 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 438.583 ca tử vong. Mỹ là nước có nhiều ca nhiễm nhất với 2.182.911 ca, và nhiều ca tử vong nhất với 118.282 ca. Tiếp đó là Brazil với số ca nhiễm lên tới 891.556 người và 44.118 ca tử vong.
Trong khu vực Mỹ Latinh, Brazil hiện là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất. Thành phố Santana Do Livramento ở miền Nam Brazil giáp Uruguay đã phải ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm do dịch bệnh lây lan mạnh, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trong tới thành phố Rivera của nước láng giềng do người dân hai bên thường xuyên qua lại cửa khẩu.
Mặc dù chỉ có 83.000 dân, nhưng giới chức y tế đã đưa thành phố Santana Do Livramento vào danh sách có nguy cơ cao và chỉ cho phép mở một số dịch vụ cơ bản. Uruguay hiện ghi nhận 848 ca nhiễm, trong đó có 23 ca tử vong.
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gây tổn thương mạnh tới lực lượng lao động phi chính thức (những người không có bảo hiểm lao động) tại khu vực Mỹ Latinh do các biện pháp phong tỏa, tỉ lệ việc làm giảm và thu nhập giảm.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh dẫn một báo cáo chung của cơ quan Liên hợp quốc về bình đăng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) chỉ ra rằng lực lượng lao động phi chính thức là đối tượng dễ bị tổn thương nhất và đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với khủng khoảng y tế, xã hội và kinh tế do đại dịch gây ra.
Theo ILO, tại Mỹ Latinh và Caribe, khoảng 70% lao động phi chính thức (làm các công việc như giúp việc trong gia đình) bị ảnh hưởng do hoạt động kinh tế giảm, thất nghiệp, giảm giờ làm hoặc không có tiền lương. Từ 11-18 triệu người hiện đang làm việc trong lĩnh vực này và 93% là phụ nữ. Công việc giúp việc gia đình chiếm từ từ 10,5%-14,3% việc làm của phụ nữ trong khu vực. Bên cạnh đó, do làm việc trong lĩnh vực phi chính thức, những đối tượng này không được tiếp cận bảo trợ y tế-xã hội. Thống kê cho thấy khu vực có khoảng 140 triệu người lao động không chính thức và tỉ lệ người lao động không chính thức chiếm hơn 50% lực lượng lao động tại các quốc gia như Colombia, Ecuador, Mexico và Peru.
Trước tình trạng trên, Giám đốc khu vực của UN Women, María Noel Vaeza, đã kêu gọi chính phủ các quốc gia trong khu vực bảo vệ quyền của người lao động phi chính thức, và mở thêm không gian đối thoại để những đối tượng dễ bị tổn thương này không bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.
Thư ký điều hành của CEPAL, Alicia Bárcena cảnh báo kinh tế Mỹ Latinh có thể suy giảm 8% trong năm nay, tỉ lệ thất nghiệp cũng tăng mạnh và ảnh hưởng tới 25,3 triệu lao động trên toàn bộ dân số lao động 313 triệu người của khu vực. Bà Bárcena cũng dự báo số người nghèo sẽ tăng từ 186 triệu người hiện nay lên 214,7 triệu người, tương đương 34,7% tổng dân số của khu vực, trong đó số người nghèo cùng cực sẽ lên đến 83 triệu người.
Tại Nga, thủ đô Moskva tiếp tục nới lỏng các biện pháp cách ly sau một tuần bãi bỏ chế độ giấy thông hành điện tử và chế độ tự cách ly, vì thủ đô Moskva tiếp tục ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm giảm. Thị trưởng Sergei Sobyanin cho biết: “Moskva có thể chuyển sang giai đoạn dỡ bỏ hạn chế tiếp theo, dự kiến vào ngày 16/6”.
Liên quan dịch bệnh, Văn phòng báo chí tỉnh Yakutsk của Nga cho biết do tình hình dịch bệnh tỉnh này đã quyết định không tổ chức cuộc diễu binh nhân Ngày Chiến thắng dự kiến vào ngày 24/6. Quyết định tương tự được đưa ra tại tỉnh Chelyabinsk, Yaroslavl. Trong khi đó, chính quyền các tỉnh Penza, Belgorod, Oryol, Perm, và Kursk quyết định lùi thời điểm tổ chức diễu binh.
Nga đã ghi nhận thêm 8.246 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở 83 chủ thể liên bang, đưa tổng số ca nhiễm lên 537.210 (tăng 1,6%). Cũng trong 24 giờ qua tại Nga có thêm 143 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 7.091.
Tại châu Á, từ ngày 19/6 Singapore sẽ bước vào giai đoạn hai của quá trình mở cửa nền kinh tế, sau hơn 2 tuần thực hiện mở cửa giai đoạn 1 từ ngày 2/6. Trong giai đoạn 2, hầu hết các hoạt động xã hội và kinh doanh sẽ được nối lại như kinh doanh bán lẻ, cửa hàng ăn uống, các cuộc tập trung ngoài xã hội theo nhóm nhỏ từ 5 người trở xuống; các lớp bồi dưỡng kiến thức, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các trung tâm thể dục thể thao sẽ được mở cửa trở lại; học sinh từ tất cả các cấp học sẽ đến trường hàng ngày… Người dân vẫn phải tiếp tục thực hiện giữ khoảng cách an toàn ít nhất 1m và đeo khẩu trang khi ra ngoài và tại nơi làm việc.
Một số lĩnh vực vẫn duy trì làm việc tại nhà. Tại nơi làm việc, các biện pháp giữ an toàn hiện nay tiếp tục được áp dụng. Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong khẳng định giai đoạn 2 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định nước này có tiến tới giai đoạn 3 – giai đoạn “bình thường mới” trong dịch bệnh cho tới khi có vaccine hay thuốc điều trị hay không.
Chính phủ Indonesia chuẩn bị tung thêm gói kích thích cho lĩnh vực công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Bộ trưởng Công nghiệp Gumiwang Kartasasmita cho biết chính phủ đang thảo luận gói bổ sung này, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là “bước đi chiến lược” nhằm vực dậy tinh thần của các doanh nghiệp trong ngành, từ đó giúp thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.
Theo ông Agus, gói kích thích bao gồm kéo dài thời gian miễn giảm tiền điện từ ngày 1/4 đến ngày 31/12/2020 với tổng trị giá 1.850 tỷ rupiah (132,14 triệu USD), bãi bỏ quy định hạn mức tiêu dùng điện tối thiểu 40 giờ/tháng đối với các hộ gia đình và 233 giờ/tháng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, và cho phép chậm thanh toán 50% hóa đơn tiền điện trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9/2020.
Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng đang xem xét các ưu đãi dưới hình thức bãi bỏ thuế giá trị gia tăng đối với xuất khẩu nguyên liệu thô, cho phép chậm nộp thuế 90 ngày và bãi bỏ quy định phạt chậm nộp thuế, cũng như tạm ngừng áp dụng Điều 25 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ trưởng Agus cho biết các ưu đãi thuế bổ sung cho lĩnh vực công nghiệp nói trên sẽ được ban hành kèm các biện pháp ưu đãi khác đã được Chính phủ Indonesia công bố trước đó, như miễn thuế nhập khẩu, cho phép trả chậm 30% thuế, đẩy nhanh tốc độ hoàn thuế giá trị gia tăng… Ngoài việc thúc đẩy nhu cầu nội địa, Chính phủ Indonesia cũng đang tìm cách khuyến khích tiêu dùng trong nước bằng cách gia tăng hạn mức sử dụng nguyên liệu thô trong nước đối với các bộ, ngành và các doanh nghiệp nhà nước.
Tính tổng cộng tại châu Á có 1.654.119 ca nhiễm, và 41.158 ca tử vong. Ấn Độ hiện là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất châu Á với 343.026 ca nhiễm (hơn 10.200 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua) và 9.915 ca tử vong (gần 400 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua). Iran đứng thứ hai với 189.876 ca nhiễm và 8.950 ca tử vong.
Trong khi đó, châu Phi đã ghi nhận 9.636 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại châu lục này lên 254.214 ca, trong đó có 6.793. Nước có số ca nhiễm cao nhất châu Phi là Nam Phi với 73.533 ca, sau khi ghi nhận thêm 3.495 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Nước có số ca tử vong cao nhất châu lục này là Ai Cập với 1.672 ca sau khi ghi nhận thêm 97 ca tử vong mới.
Bích Liên - Hoài Nam - Việt Hùng/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất