Điểm mặt các mục tiêu Nga muốn đạt được khi không kích Syria

10/11/2015 14:14 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Gần đây, Nga gây chú ý khi triển khai quân và thiết bị quân sự đa dạng tới Syria, gồm cả vũ khí tấn công (xe tăng T90, xe chiến đấu bộ binh, lính thủy đánh bộ, pháo, máy bay ném bom Su-24, Su-25, Su-34, trực thăng Mi-24) và vũ khí phòng thủ (radar, hệ thống phòng thủ tên lửa, máy bay Su-30 và thiết bị phục vụ chiến tranh điện tử). Điều này cho thấy các mục tiêu chiến thuật, chiến lược khác nhau của Nga ở Syria trong tình hình hiện nay.

Theo báo chí Đức, về mặt chiến thuật, Nga triển khai lực lượng là nhằm bảo vệ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trước sự chống đối của các lực lượng đối lập, chứ không phải chỉ chống một mình tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS).

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giải thích rằng mục tiêu Nga can thiệp vào Syria là nhằm bảo vệ chính phủ hợp pháp ở Damascus và ổn định tình hình Syria, tạo điều kiện cho một giải pháp thỏa hiệp về chính trị tại quốc gia này.


Nga đã mang nhiều vũ khí tấn công, như máy bay cường kích Su-24, tới Syria. Ảnh: CBS

Như vậy, mục tiêu chiến lược của Nga là bảo đảm duy trì một chính quyền Syria của người Alawite. Nga đang tiến tới mục tiêu này bằng cách thiết lập trên thực tế một khu vực cấm bay tại những khu vực trọng yếu ở phía Tây và Tây Bắc Syria hiện do chính quyền của ông Assad kiểm soát, nhằm phòng thủ trước liên quân do Mỹ dẫn đầu. Việc Nga triển khai hạm đội Biển Đen ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải cũng nhằm mục tiêu này khi tạo thêm một "vùng cấm" hoặc "vùng hạn chế tiếp cận" đối với quân đội của các nước liên quân từ hướng tiếp cận trên biển.

Về phương diện chính trị, Nga gắn hoạt động can thiệp quân sự ở Syria vào các nỗ lực để đưa Nga trở lại sân chơi quốc tế như một nhân tố trung tâm sau khi bị phương Tây cô lập do cuộc khủng hoảng Ukraine. Đồng thời, việc Nga xây dựng một liên minh với Syria, Iran và Iraq cũng nhằm thể hiện rằng liên minh do Nga dẫn đầu này hiệu quả hơn liên minh do Mỹ dẫn đầu, đồng thời có tính chính danh cao hơn khi dựa trên sáng kiến của từng nước ở khu vực và kết nối với các đối tác địa phương nhiều hơn. 

Điều này càng thể hiện rõ hơn khi ngày 9/10 vừa qua, Mỹ đã tuyên bố tạm dừng chương trình huấn luyện và trang bị cho lực lượng nổi dậy Syria, vốn được triển khai từ tháng 12/2014, thay vào đó sẽ chỉ tập trung hỗ trợ cho các lực lượng đang chiến đấu chống IS. Sự khác biệt giữa Nga và Mỹ như vậy đã được thể hiện khi Nga liên kết và hợp tác được với các lực lượng quân sự trên bộ không chỉ ở Syria mà cả các nước láng giềng xung quanh Syria.

Các hoạt động triển khai quân và chiến đấu của Nga ở Syria đã và đang làm thay đổi mạnh cục diện cuộc chiến chống IS cũng như tương lai cuộc nội chiến ở Syria. Sự tác động của những thay đổi này đối với hiệu quả cuộc chiến chống IS sẽ phụ thuộc vào sự phối hợp của Mỹ và Nga trong những tháng tới. Về góc độ chính trị, sự can thiệp quân sự của Nga đang làm thay đổi chính sách của phương Tây đối với Syria.

Các hoạt động triển khai quân và chiến đấu của Nga ở Syria đã và đang làm thay đổi mạnh cục diện cuộc chiến chống IS. Ảnh: Bloomberg

Trước đây, chủ trương của các nước phương Tây là ông Assad không đóng bất kỳ vai trò nào trong trật tự chính trị mới ở Syria. Tuy nhiên, hiện giờ phương Tây phải chấp nhận ông Assad là một đối tác đối thoại trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến ở Syria. Ngoài ra, chiến lược nước đôi của Nga đã làm cho IS có cơ hội tái chiếm một số khu vực và điều này khiến cho phương Tây thấy không nên quá chú trọng vào Nga mà xao nhãng cuộc chiến chống IS. 

Như vậy, cộng đồng quốc tế sẽ vừa phải chú ý đến cuộc chiến chống IS, vừa phải tận dụng các cơ hội mà các thể chế đa phương như Liên hợp quốc (LHQ) có thể đem lại để đưa các bên xung đột ở Syria ngồi vào bàn đàm phán, tiến tới việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và xa hơn nữa là chuẩn bị cho một giai đoạn chuyển tiếp chính trị.

Đối với Nga, một Syria thiếu ổn định như hiện nay và tình hình tương tự ở Iraq giúp Nga có điều kiện để theo đuổi một chính sách đối lập với phương Tây và duy trì vị thế của Nga như một nhân tố trung tâm có quyền phủ quyết và định hình tương lai khu vực Trung Cận Đông.

TTK/Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm