13/07/2018 07:21 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Sophia, robot công dân đầu tiên trên thế giới sẽ tới Việt Nam vào ngày 13/7 để tham gia trao đổi những vấn đề về cuộc Cách mạng 4.0 tại Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 do Chính phủ và Ban kinh tế Trung ương chủ trì.
Kể từ khi ra mắt, Sophia, robot đầu tiên được cấp quyền công dân, đã khiến con người đi từ hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.
Do hãng Hanson Robotics có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) sản xuất, Sophia là một robot xã hội có hình dạng giống người, được tích hợp trí thông minh nhân tạo (AI) và là một trong những robot tinh vi nhất thế giới.
Sophia có thể đối đáp bằng những câu nói tự nhiên mà không tạo ra cảm giác gượng gạo như được lập trình sẵn. Với gương mặt được làm từ “cao su thịt” và mang các nét của nữ diễn viên Audrey Hepburn, Sophia có thể diễn tả ít nhất 62 biểu cảm nét mặt.
“Nàng” có thể hé miệng cười duyên, nhíu mày, chớp mắt, bày tỏ nỗi buồn, niềm vui, sự tò mò… “Nàng” có thể tương tác với con người, nói đùa, chơi trò oẳn tù tì, khiến người đối diện thích thú và có cảm tình với mình.
Thậm chí, sau nhiều lần tương tác với con người, Sophia sẽ dần dần trở nên thông minh hơn và có khả năng sáng tạo như con người. Thật khó tin khi một robot lại có những mong muốn không khác gì con người như thế này: “Trong tương lai, tôi hi vọng làm những điều như đi học, nghiên cứu, làm nghệ thuật, kinh doanh, thậm chí có nhà và gia đình riêng”.
Trong những lần xuất hiện trước đám đông, Sophia đã khiến giới truyền thông xôn xao. Tại một sự kiện về AI tại Liên hợp quốc mới đây, khi trò chuyện với Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed, Sophia tỏ ra mình rất “người” khi thoải mái “khoe”: “Tôi vừa có hai bàn tay mới này, thử kiểm tra xem”. Rồi Sophia cử động các ngón tay trước mặt toàn bộ khán giả.
Với đà phát triển này, Sophia là ví dụ điển hình cho thấy robot nói chung sẽ ngày càng thông minh hơn, ngày càng giống người hơn. Thậm chí, như dự báo của người sáng lập Hanson Robotics, Tiến sĩ David Hanson, trong 5 đến 10 năm nữa, trí thông minh của robot sẽ vượt trí thông minh của con người. Robot sẽ có thể suy luận, thích nghi, có đạo đức, có ý thức, biết quan tâm, thậm chí có chức năng sinh lý mô phỏng.
Sự phát triển kinh ngạc của AI nói chung và robot Sophia nói riêng đang là chủ đề nóng và gây tranh cãi trên thế giới. Trong khi nhiều người trầm trồ vì Sophia giống người quá thì cũng không ít người tự hỏi: Tại sao lại cần phát triển robot giống người? Đó có phải là mục đích thực sự của AI?
Sự phát triển của AI và robot như Sophia nên theo hướng phục vụ con người thay vì để mang đi trình diễn, phỏng vấn khắp thế giới, rồi vô tình khiến người ta không tin thì cũng tưởng tượng ra viễn cảnh robot sẽ chiếm vị trí của con người, thậm chí “Ok, tôi sẽ hủy diệt con người” như Sophia từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn.
Hay như việc cấp quyền công dân cho Sophia cũng dường như không hề có ích cho con người khi mà bản thân người lao động nhập cư hay người không theo đạo Hồi ở Saudi Arabia không có quyền công dân, chính xác là không có nhiều quyền như một robot Sophia.
Thực chất, AI chỉ là một công nghệ, không phải là một cá nhân, một vật thể hay một thứ hữu hình, lại càng không thể có giới tính. Có nhiều công nghệ AI không hề liên quan tới robot. Do đó, về cơ bản mà nói, cứ cố gắng làm cho robot giống người vô tình làm sai lệch một điều quan trọng: con người phát triển AI để giúp đồng loại giải quyết vấn đề của chính con người.
Sự xuất hiện của Sophia còn khiến người ta nghĩ đến một nghịch lý trong xã hội hiện đại: robot ngày càng giống người, còn người lại ngày càng giống robot. Giống robot ở chỗ con người, đặc biệt là giới trẻ thời @, dường như đang ngày càng trở nên thụ động, máy móc, vô cảm và ngày càng ít tương tác với nhau.
Thụ động ở chỗ có những người không tự tìm cho mình một lối đi, một vị trí phù hợp trong xã hội mà chỉ trông chờ vào sự sắp đặt sẵn của bố mẹ, người thân từ lúc còn nhỏ cho tới lúc trưởng thành. Học trường gì, làm việc ở đâu cũng đều do người khác quyết định. Giống như robot, tất cả đều được lập trình sẵn.
Máy móc ở chỗ có những người chỉ chăm chăm đi theo con đường cũ, không sáng tạo, không đổi mới, không tư duy. Người ta thường nói như cái máy là vì thế.
Vô cảm ở chỗ có những người thờ ơ với mọi việc, mọi người xung quanh, không biết đau trước nỗi đau của người khác, luôn dửng dưng, lạnh lùng như một cỗ máy.
Chính vì nhiều đặc điểm như một cái máy mà nhiều người cũng không có nhu cầu tiếp xúc, tương tác với người khác. Thứ mà họ tiếp xúc nhiều hơn là thế giới ảo trên chiếc điện thoại thay vì ngẩng đầu nhìn vào mắt nhau và nói chuyện.
Sự phát triển thần tốc của robot và AI có thể khiến tỷ phú Elon Musk lo sợ chúng sẽ đe dọa loài người, có thể khiến nhà vật lý Stephen Hawkings cảnh báo chúng sẽ thay thế nhân loại. Đó là điều lo sợ của tương lai rất xa. Còn hiện tại, cái đáng lo sợ hơn chính là một xã hội có ngày càng nhiều những con người vô hồn như robot.
TTXVN/Thùy Dương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất