06/02/2018 07:38 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Hiện người thân của bé Lê Thị Nhật Linh đang ra sức kêu gọi dư luận ký tên vào đơn gửi công tố viên Viện kiểm sát địa phận tỉnh Chiba (Nhật Bản) yêu cầu tử hình tên hung thủ Shibuya Yasumasa - kẻ đã có hành động bắt cóc, cưỡng bức và sau đó giết chết bé.
Tại Nhật Bản, tử hình được coi là án phạt nặng nhất được luật pháp chấp thuận. Án phạt này chỉ được áp dụng cho những kẻ bị kết tội danh giết người. Phán quyết tử hình thường được áp dụng cho các bị cáo bị kết án với tội danh giết nhiều người. Hy hữu một số vụ án giết một mạng người cũng được các công tố viên đề nghị mức án cao nhất nếu như hành vi phạm tội cực kỳ nguy hiểm và tàn ác.
Theo tờ Washington Post, các công tố viên Nhật Bản hiếm khi đề nghị mức án tử hình nếu như bị cáo không thú tội và đặc biệt chỉ đề nghị hình phạt đó trong những vụ án hình sự có liên quan đến cái chết của nhiều nạn nhân hoặc tội danh giết người kèm thêm tội hiếp dâm hoặc bắt cóc.
Theo hệ thống luật pháp Nhật Bản, tòa án phải dựa trên 9 tiêu chí chặt chẽ để đưa ra phán quyết xem bị cáo có phải nhận mức án cao nhất – mức án tử hình hay không. 9 tiêu chí được đưa ra xem xét trong một vụ kiện bao gồm mức độ xấu xa; động cơ; cách thức nạn nhân bị giết hại, kết quả phạm tội, đặc biệt là số lượng nạn nhân; quan điểm của các thành viên gia đình nạn nhân, mức độ ảnh hưởng tới xã hội Nhật Bản; độ tuổi của bị cáo (trên 20); lịch sử phạm tội của bị cáo và mức độ ăn năn hối cải của bị cáo.
Trong các tiêu chí kể trên, số lượng nạn nhân bị sát hại là yếu tố quan trọng nhất để tòa ra phán quyết mức án tử hình.
Theo một báo cáo của viện nghiên cứu trực thuộc Tòa án Tối cao Nhật Bản khảo sát về việc áp dụng hình phạt tử hình từ năm 1980 đến năm 2009 công bố năm 2012, trong khi các công tố viên rất ít khi yêu cầu án tử hình trong các vụ án sát hại một người (32%) thì những vụ án giết người hàng loạt, các công tố viên gần như ngay lập tức yêu cầu mức án tử hình (79%).
Với quy định của luật pháp Nhật Bản, sau khi một đối tượng bị bắt giữ, trong vòng 23 ngày, các nhà điều tra phải tiến hành để xem xét liệu đối tượng đó có bị đưa ra xét xử phạm tội hay không. Trong giai đoạn xét xử, các thẩm phán cực kỳ coi trọng “lời thú tội” của nghi phạm, điều được coi là có giá trị hơn nhiều chứng cứ khách quan.
Một khi nghi phạm thú nhận tội và ký vào bản khai nhận viết tay, sau này nếu họ có phản biện cho rằng lời thú nhận đó chưa phải là sự thực, thì trên tòa án, lý do đó khó được chấp thuận.
Điều này dẫn đến việc mục đích cuối cùng của các cuộc điều tra là có được sự “thú tội” của nghi phạm trong vòng 23 ngày. Các nghi phạm sẽ bị tạm giam riêng biệt trong các trung tâm giam giữ và chỉ được tiếp xúc với luật sư.
Cho đến khi các phiên xét xử được diễn ra, những lời khai trong quá trình điều tra cũng được coi là quan trọng hơn bằng chứng đưa ra trước tòa. Chính vì vậy, thông thường, phe bị cáo không dám có tuyên bố mâu thuẫn với những căn cứ thực tế, mà thay vào đó tìm cách làm giảm nhẹ tội. Trong khá nhiều trường hợp, tòa án phải mất một năm để đưa ra phán quyết án tử hình cho các bị cáo.
Theo Bộ luật Tố tụng hình sự Nhật Bản, án tử hình được gia hạn triển khai trong vòng 6 tháng kể từ khi có phán quyết chính thức. Tại Nhật Bản, phương thức hành hình duy nhất là treo cổ. Một tù nhân nhận án tử hình sẽ không biết chính xác ngày hành quyết của mình mà chỉ biết trước khi việc đó diễn ra vài phút. Bộ trưởng Tư pháp sẽ là người đưa ra lệnh hành quyết, tuy nhiên kẻ tử tù không biết trước về lịch trình. Chính phủ Nhật Bản cho rằng việc này sẽ tránh xảy ra tình trạng tử tù biết được thời gian hành quyết và ra tay trước – tự tử.
Phần lớn người dân Nhật Bản ủng hộ mức án tử hình. Trong một báo cáo khảo sát của chính phủ năm 2010, 86% người tham gia chọn mức án tử hình cho những tội danh nặng nhất, trong khi chỉ có 5,7% người tham gia cho rằng nên xóa bỏ việc hành quyết.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất