11/05/2018 15:31 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Liệu thỏa thuận xóa bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có được thực thi sau khi hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều gặp nhau vào ngày 12/6 tại Singapore hay không.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/5 công bố thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gợi lại sự lạc quan thận trọng về một thỏa thuận xóa bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, chìa khóa của vấn đề sẽ là liệu thỏa thuận này có được thực thi sau khi hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều thực hiện cuộc gặp lịch sử vào ngày 12/6 tại Singapore hay không.
Trong thư điện tử gửi hãng thông tấn Yonhap, chuyên gia cấp cao về Triều Tiên thuộc Viện Hòa bình Mỹ, ông Frank Aum nhận định: "Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim sẽ không gặp nhau trừ khi hai nước nhất trí một số điều".
Hai bên có khả năng sẽ đạt một thỏa thuận rõ ràng về phi hạt nhân hóa và hòa bình, cùng với một số nhượng bộ trước mắt từ hai bên. Triều Tiên có thể nhất trí đóng băng các hoạt động tên lửa đạn đạo và hạt nhân của mình để đổi lấy cam kết của Mỹ chấm dứt việc sử dụng các khí tài chiến lược và hạt nhân của Washington trong các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.
Chuyên gia Aum nói: "Nói chung, tôi hy vọng đây là một cuộc gặp lịch sử thành công, và có lẽ là một bất ngờ hoặc cả hai... Cuộc gặp này được cho là dễ đi đến một thỏa thuận. Phần khó khăn nhất nằm trong tiến trình thực thi và kiểm chứng, điều này có nghĩa rằng sắp tới sẽ là một chặng đường chông gai".
Trong khi đó, ông Robert Manning, nhà nghiên cứu cấp cao của nhóm cố vấn Hội đồng Đại Tây Dương đã bày tỏ bi quan về bất cứ thỏa thuận nào được thực thi trong 6-24 tháng tới. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng có khả năng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ thành công về mặt nguyên tắc. Ông nhận định Triều Tiên sẽ bãi bỏ và từ bỏ các vũ khí hạt nhân và có khả năng cả tên lửa tầm trung và xa để đổi lấy gói lợi ích an ninh, chính trị và kinh tế.
Nếu như Triều Tiên thực sự nghiêm túc về tiến trình phi hạt nhân hóa, như nhà lãnh đạo Kim Jong-un liên tục khẳng định, thì quốc gia này phải hành động để chứng minh trong khoảng thời gian từ nay cho đến 12/6. Đây là lời nhận định của nhà phân tích quốc phòng cấp cao Bruce Bennett tại Trung tâm nghiên cứu RAND Corporation.
Tuyên bố Panmunjom đạt được tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào 27/4, kêu gọi một Hiệp ước Hòa bình chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 vào cuối năm nay, buộc các động thái ngừng chương trình hạt nhân phải diễn ra nhanh hơn.
Theo ông Bennet, thỏa thuận trên đồng nghĩa với việc mỗi tháng Triều Tiên nên xóa bỏ khoảng 5 vũ khí hạt nhân, bắt đầu từ tháng 5, để đến hết tháng 12 là 40 vũ khí hạt nhân của nước này sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Thỏa thuận cũng đồng nghĩa với việc mỗi tháng Triều Tiên phải đóng cửa một cơ sở sản xuất hạt nhân, bắt đầu từ bãi thử Punggye-ri vào tháng 5 và cơ sở làm giàu uranium Yongbyon vào tháng 6.
Trước đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn tuyên bố cho phép phóng viên quốc tế và các chuyên gia chứng kiến việc đóng cửa bãi thử Punggye-ri diễn ra trong tháng này.
Với việc chọn Singapore làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, cả hai bên được giới quan sát đánh giá là sẽ đạt được một thỏa hiệp. Giới phân tích nhận định Singapore được chọn làm nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều nhờ quan điểm chính trị trung lập, những ưu điểm về an ninh được chứng minh qua nhiều lần tổ chức các hội nghị thượng đỉnh quốc tế.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất