20/06/2018 15:33 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Nhiều giải pháp mới nhằm giải quyết vấn đề ngập nước do mưa và triều cường ở Thành phố Hồ Chí Minh được các nhà khoa học và đại diện các sở, ngành đưa ra tại hội thảo: Tác động của ngập lụt tới kinh tế xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và chiến lược tích hợp để nâng cao khả năng thích nghi và ứng phó. Hội thảo do Trung tâm công nghệ Môi trường – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20/6.
Đánh giá về giải pháp chống ngập được thực hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, kỹ sư Vũ Hải, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nước và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trong 10 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã chi hơn 22.000 tỷ đồng để chống ngập nhưng kết quả không tương xứng với công sức và chi phí bỏ ra, năm sau ngập hơn năm trước và còn xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới. Nguyên nhân là do các giải pháp, dự án chống ngập do triều cường đang được thành phố triển khai thực hiện chưa được nghiên cứu kỹ, kinh phí quá cao và thời gian thực hiện quá dài.
Dựa trên cơ sở khoa học, thực tế, tính toán cụ thể, chi tiết, kỹ sư Vũ Hải đề xuất: Để giải quyết tốt việc thoát nước, Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung giải quyết 3 vấn đề cơ bản là chống ngập do triều cường, chống ngập do mưa và xử lý nước thải. Trong đó, để chống ngập do triều cường cần xây đập ngăn triều cường kiểu mới thông minh tại cửa sông Soài Rạp với các thông số kỹ thuật như xây dựng đập dài 3 km, sâu 5 - 6 m tại vị trí phía dưới ngã ba sông Vàm Cỏ - Soài Rạp cách cửa biển 11 km hoặc 16 km; xây dựng tuyến đê bao phía trái đập nối với Quốc lộ 50 dài 10 km hoặc sử dụng đường hiện hữu Quốc lộ 50 – phà Vàm Láng làm đê bao. Bên cạnh đó, để chống ngập do mưa, cần phải lập các biểu đồ mới tính toán cường độ mưa thay cho các biểu đồ cũ đã lập cách đây hơn 20 năm do không còn thích hợp với tình hình biến đổi khí hậu trong những năm gần đây. Cùng với đó, thành phố cần thay hệ thống cống mới có khẩu độ lớn hơn hoặc dùng van ngăn triều cường kết hợp với trạm bơm cục bộ bơm nước ra sông; thay thế các hố ga thu nước hiện nay bằng các hố ga cải tiến ngăn rác, khử mùi vừa bảo đảm thoát nước, giảm chi phí tu dưỡng hàng năm, vừa góp phần cải thiện ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm công nghệ Môi trường – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đề xuất: Đối với vấn đề ngập úng do mưa có thể thực hiện một số giải pháp chung như thu trữ nước mưa, xây dựng hồ điều hòa và bổ sung công trình tại các cửa xả cho một số hệ thống cống thoát nước của thành phố. Ngoài ra, thành phố tìm cách giải quyết ngập úng do cao độ bằng cách thoát nước ngập úng đến nơi có thể chứa được hoặc tìm cách ngăn chặn không cho nước từ khu vực cao đổ về khu vực thấp. Đồng thời, có thể dùng giải pháp máy bơm đưa nước ra khỏi vùng ngập, có hệ thống đê kè ngăn chặn nước từ khu vực cao đổ về hoặc kết hợp hiệu quả nhiều giải pháp chống ngập.
Đại diện Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Phan Anh Tuấn cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm thành phố và một phần của 5 lưu vực ngoại vi rộng 550 km2 với khoảng 6,5 triệu dân. Trong đó, giải quyết 13/17 tuyến đường ngập nước do mưa, 23/23 tuyến đường ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách trước đây, 179/179 tuyến hẻm và 9 tuyến đường ngập nước do triều cường, xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải.
Theo Tiến sĩ Phan Anh Tuấn, để thực hiện các mục tiêu này, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhóm giải pháp công trình gồm đầu tư các dự án thuộc Quy hoạch 752, trong đó có dự án Quản lý rủi ro ngập khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, tập trung nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát, rạch Nước Lên với chiều dài 32 km để giải quyết thoát nước và chỉnh trang đô thị cho lưu vực 14.500 ha; dự án nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm dài 8,2 km giải quyết thoát nước và chỉnh trang đô thị cho 703 ha. Bên cạnh đó, Quy hoạch 1547 có các dự án như xây dựng 8 cống kiểm soát triều cường, 68 cống nhỏ dưới đê, xây dựng 7,8 km đê bao xung yếu thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và 12 km đê bờ tả sông Sài Gòn; nạo vét, cải tạo các trục tiêu thoát nước chính tại các kênh, rạch Thủ Đào, Ông Bé, Thầy Tiêu, Xóm Củi, Lung Mân...
TTXVN/Nguyễn Xuân Dự
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất