22/12/2017 08:05 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Theo phóng viên TTXVN tại New York, sáng 21/12 (giờ New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã tiến hành phiên họp đặc biệt bất thường để bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Kết quả, nghị quyết đã được thông qua với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng.
Tại cuộc họp kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, đại diện của nhiều nước và nhóm nước đã có các bài phát biểu nhấn mạnh việc cần phải duy trì nguyên trạng vấn đề tình trạng của Jerusalem theo tinh thần của các nghị quyết của LHQ và thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông thông qua đàm phán trực tiếp giữa người Israel và người Palestine.
Trong bối cảnh Mỹ đe dọa sẽ cắt viện trợ những nước bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết nêu trên, Ngoại trưởng Palestine Riad Malki đã kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế, cho rằng với phiên họp này, LHQ đang trải qua một thử thách chưa từng có.
Trong khi đó, Đại sứ Israel tại LHQ Danny Danon tuyên bố Israel không công nhận cuộc bỏ phiếu và khăng khăng cho rằng Jerusalem là thủ đô của Israel dù LHQ có công nhận hay không.
Trước cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại LHQ bà Nikki Haley khẳng định dù kết quả cuộc bỏ phiếu tại ĐHĐ có như thế nào cũng không làm thay đổi quyết định của Oasinhtơn. Thay vào đó, kết quả này sẽ tác động đến cách Mỹ nhìn nhận LHQ.
Cuộc họp khẩn được triệu tập theo đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ và Yemen, thay mặt nhóm nước Arab cũng như Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).
Sau khi Mỹ phủ quyết dự thảo nghị quyết do Ai Cập đệ trình cũng về vấn đề Jerusalem tại cuộc bỏ phiếu của HĐBA hôm 18/12, hai nước này đã đưa ra một dự thảo nghị quyết khác tái khẳng định rằng bất cứ quyết định nào về tình trạng của Jerusalem đều không có hiệu lực pháp lý và phải được thu hồi.
Giống như dự thảo nghị quyết được Ai Cập đệ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) trước đó, văn bản của Yemen và Thổ Nhĩ Kỳ không trực tiếp nhắc đến quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, nhưng bày tỏ "lấy làm tiếc sâu sắc về những quyết định gần đây liên quan đến tình trạng của Jerusalem".
Nghị quyết tái khẳng định rằng Jerusalem là vấn đề phải được giải quyết thông qua đàm phán, và bất kỳ quyết định nào vượt quá khuôn khổ này đều không có hiệu lực pháp lý và cần phải được hủy bỏ.
Nghị quyết yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên LHQ tuân thủ những nghị quyết của HĐBA, và không công nhận bất kỳ hành động hay biện pháp nào đi ngược lại những nghị quyết đó.
Theo một nghị quyết năm 1950, ĐHĐ có thể triệu tập phiên họp đặc biệt khẩn cấp để xem xét một vấn đề "với quan điểm là đưa ra những kiến nghị thỏa đáng để các thành viên áp dụng biện pháp tập thể" nếu như HĐBA không làm được điều này.
Cho tới nay mới chỉ có 10 phiên họp như vậy được triệu tập, và lần gần đây nhất là vào năm 2009 để bàn về Đông Jerusalem và các lãnh thổ của Palestine. Mặc dù nghị quyết của ĐHĐ không mang tính ràng buộc như của HĐBA, nhưng cũng mang sức nặng chính trị nhất định.
Theo TTXVN/Báo Tin tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất