Một số quốc gia châu Á đang lên lộ trình sống chung với Covid-19

02/11/2021 22:43 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 2/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 248.013.615 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.024.173 người không qua khỏi.

Toàn thế giới đã có 5.020.034 ca tử vong vì Covid-19

Toàn thế giới đã có 5.020.034 ca tử vong vì Covid-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 2/11 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận 247.821.194 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 5.020.034 ca không qua khỏi.

Số bệnh nhân bình phục là 224.686.131 người. Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 79.498.823 ca, tiếp đến là châu Âu với 64.828.439 ca và Bắc Mỹ ghi nhận 56.364.670 ca. 

Tình hình dịch bệnh tại khu vực Đông Âu diễn biến phức tạp với số ca tử vong tăng mạnh trong khi tỷ lệ tiêm chủng chưa cao. Ngày 2/11, Nga thông báo đã ghi nhận thêm 1.178 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, mức theo ngày cao kỷ lục tại nước này trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng buộc giới chức tái áp đặt các biện pháp phong tỏa một phần. Nga cũng ghi nhận 39.008 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc lên 8.593.200 ca.  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Siliguri, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, giới chức y tế Romania cho biết ghi nhận 591 ca tử vong do COVID-19 và đây  là mức cao đáng lo ngại ở nước này, nâng tổng số ca tử vong lên 48.664 ca trong khi tại các bệnh viện không còn giường chăm sóc đặc biệt. Hiện mới có khoảng 37% dân số trưởng thành ở Romania đã tiêm vaccine đầy đủ. Nước này hiện là nước có độ bao phủ vaccine thấp thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU).

Tương tự, Bộ Y tế Bulgaria tiếp tục ghi nhận số ca bệnh không qua khỏi do COVID-19 ở mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát với 310 ca trong vòng 24 giờ qua, cao hơn so với mức 243 ca của ngày trước đó. Bulgaria cũng ghi nhận thêm 6.007 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 608.499 ca, trong đó có 24.309 ca tử vong. Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu, mới 25,5% dân số trưởng thành tại Bulgaria đã tiêm đủ liều, mức thấp nhất trong EU.

Trong khi đó, một số quốc gia châu Á đang lên kế hoạch mở cửa trở lại trong lộ trình sống chung với COVID-19. Tại Lào, mặc dù số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng, chính phủ đã lên kế hoạch mở cửa trở lại, đồng thời kêu gọi người dân thích ứng với tình hình mới. Ngày 2/11, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 873 ca mới (trong đó 871 ca cộng đồng) và 3 ca tử vong. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là điểm nóng về dịch bệnh khi ghi nhận số ca cộng đồng gia tăng với 427 ca. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 41.829 ca, trong đó có 70 người tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Campuchia, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen cho biết quyết định mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực của nước này bắt đầu từ tháng 11 dựa vào 4 yếu tố, gồm tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 cao, khả năng chống dịch được tăng cường với thuốc điều trị COVID-19 sẵn sàng; kinh nghiệm của chính phủ trong kiểm soát dịch bệnh lây lan và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch quy mô lớn; và cuối cùng là người dân đủ nhận thức về dịch bệnh để có thể tự bảo vệ bản thân cũng như học cách sống chung với COVID-19. 

Ngày đầu mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực tại Campuchia, học sinh tất cả các cấp học tại các trường công, tư trên cả nước đã được đến trường sau gần một năm học trực tuyến; những người yêu thích phim ảnh có thể ra rạp xem phim theo hướng dẫn về tình trạng “bình thường mới”. Ngày thứ hai sau mở cửa, Chính quyền Phnom Penh đã cho phép nối lại xe bus công cộng và dịch vụ đường sắt sau hơn một năm dừng hoạt động. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho một em nhỏ 12 tuổi tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, từ ngày 8/11 tới, Sydney, thủ phủ của bang New South Wales và là thành phố lớn nhất của Australia, sẽ nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế đối với những cư dân đã tiêm chủng ngừa COVID-19, sớm hơn vài tuần so với kế hoạch. Cụ thể, những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Sydney sẽ được phép tụ tập khách không giới hạn số lượng tại nhà; các quán rượu, câu lạc bộ được nhận thêm khách hàng; các sàn nhảy được mở trở lại. Những thay đổi này theo kế hoạch ban đầu có hiệu lực vào ngày 1/12.

Trong khi đó, những người chưa tiêm phòng sẽ tiếp tục phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ như cấm tới nhà hàng, các cửa hàng bán lẻ đồ không thiết yếu, quán bar, phòng tập thể dục và các cơ sở giải trí khác, cho đến ngày 15/12 hoặc cho đến khi tỉ lệ hoàn thành tiêm chủng ở bang New South Wales lên tới 95%. Hiện khoảng 88% dân số từ 16 tuổi trở lên ở bang này đã hoàn thành tiêm chủng. Tuy nhiên, tốc độ tiêm mũi vaccine đầu tiên chậm khi chỉ đạt tỷ lệ gần 94%.

Liên quan đến vấn đề vaccine, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong tuần này. Theo điều phối viên ứng phó đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zients, hàng triệu liều vaccine dành cho trẻ em ở nhóm tuổi trên sẽ được chuyển đến các trung tâm phân phối vaccine trong vài ngày tới. Ông Zients cho biết chính phủ liên bang đã mua đủ vaccine để tiêm chủng cho toàn bộ 28 triệu trẻ em đủ điều kiện, đồng thời kêu gọi các bậc phụ huynh đưa con em đi tiêm chủng. Tuy nhiên, ông Zients cho rằng chương trình tiêm chủng cho trẻ em ở nhóm tuổi này sẽ chỉ hoạt động hết công suất từ ngày 8/11. 

Cùng ngày, Bahrain cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Quốc gia vùng Vịnh đưa ra quyết định trên sau khi kết quả thử nghiệm vaccine này đối với 3.100 trẻ em ở nhóm tuổi từ 5-11 cho thấy hiệu quả lên đến 90,7%. Không có trường hợp nào gặp tác dụng phụ nghiêm trọng. Theo kế hoạch, Bahrain sẽ nhận được vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em của hãng Pfizer/BioNTech từ đầu năm 2022.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm