Mỹ quan ngại các biến thể virus SARS-CoV-2 đe dọa tiến trình hồi phục kinh tế

11/07/2021 19:32 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 11/7 bày tỏ quan ngại về nguy cơ mà các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể gây ra đối với tiến trình hồi phục nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch.    

Mỹ tuyên bố viện trợ vaccine của hãng Moderna cho Việt Nam và Guatemala

Mỹ tuyên bố viện trợ vaccine của hãng Moderna cho Việt Nam và Guatemala

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố gửi 2 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của hãng Moderna cho Việt Nam và 1,5 triệu liều vaccine của hãng này cho Guatemala.

Phát biểu với báo giới sau hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố Venice (Italy), Bộ trưởng Yellen nêu rõ: "Chúng tôi vô cùng quan ngại về biến thể Delta cũng như các biến thể khác có thể xuất hiện và đe dọa tới tiến trình hồi phục. Chúng ta là một nền kinh tế toàn cầu liên kết chặt chẽ, bất kỳ điều gì xảy ra ở một khu vực nào đó trên thế giới sẽ ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia khác".   

Bà Yellen cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng COVID-19 để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào năm tới. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ tài chính để các nước đang phát triển có thể mua vaccine, nhưng thế giới cần "cố gắng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa" trong việc ứng phó các ổ dịch trên toàn cầu, như cung cấp thuốc men và trang thiết bị bảo hộ y tế.   

Trước đó, trong tuyên bố chung công bố chiều 10/7, các Bộ trưởng Tài chính G20 cảnh báo rằng sự lây lan của các biến thể là "mối đe dọa tiêu cực" cho sự phục hồi nền kinh tế, đồng thời cho biết sự khác biệt về tỉ lệ tiêm chủng giữa nước giàu và nước nghèo trên thế giới vẫn rất lớn.   

Liên quan tới kế hoạch áp thuế kỹ thuật số, bà Yellen đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) xem xét lại kế hoạch "mang tính phân biệt đối xử" này.   

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu trong cuộc họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 tại Venice, Italy, ngày 11/7/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Bà nêu rõ: "Thỏa thuận mà chúng ta đã đạt được trong các cuộc thảo luận của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) kêu gọi các nước nhất trí dỡ bỏ việc áp thuế kỹ thuật số hiện nay mà Mỹ coi là 'mang tính phân biệt đối xử' và kiềm chế đưa ra các biện pháp tương tự trong tương lai. Vì vậy, việc này thực sự sẽ phụ thuộc vào Ủy ban châu Âu (EC) và các nước thành viên EU đưa ra quyết định thúc đẩy kế hoạch này như thế nào".   

Theo kế hoạch, bà Yellen sẽ tới Brusels vào ngày 12/7 tới để hội đàm với Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).   

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 ngày 10/7 đã ủng hộ kế hoạch của OECD về cải cách phương pháp đánh thuế các công ty đa quốc gia, trong đó có cả các tập đoàn công nghệ Mỹ. Trước đó, ngày 1/7, 132 quốc gia thuộc OECD đã nhất trí đánh thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu  ít nhất 15% và cho phép các quốc gia đánh thuế một phần lợi nhuận mà các công ty lớn tạo ra dựa trên doanh thu họ kiếm được từ quốc gia đó, thay vì nơi mà họ đặt trụ sở (vốn được tận dụng để né thuế).   

EU dự kiến sẽ đánh thuế thu nhập lên tới 23% đối với 5 tập đoàn công nghệ của Mỹ gồm Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft như doanh nghiệp châu Âu thay vì chỉ phải nộp 9% như hiện nay.   

Mặc dù chưa được công khai, nhưng EC khẳng định kế hoạch áp thuế kỹ thuật số của EU sẽ phù hợp với mọi quy định của OECD và sẽ tác động đến hàng nghìn doanh nghiệp, trong đó có cả các công ty châu Âu. Số tiền thu được từ chính sách thuế này dự kiến sẽ đóng góp vào quỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19 trị giá 750 tỷ euro của EU.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm