Nhìn lại những vụ tai nạn máy bay kinh hoàng của Nga trong vài năm nay

26/12/2016 14:35 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Ngày 25-12-2016, Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo chính thức xác nhận chiếc máy bay quân sự nhãn hiệu Tu-154, xuất phát từ sân bay Adler ở thành phố Sochi lúc 05h20 (09h20 giờ Hà Nội) trên đường tới một căn cứ quân sự Hmeymim ở tỉnh Latakia của Syria, đã biến mất khỏi màn hình radar của cơ quan kiểm soát không lưu khoảng 20 phút sau khi cất cánh.

Những mảnh vỡ của chiếc máy bay, bao gồm càng máy bay, sau đó đã được tìm thấy ở độ sâu 50m-70m trên vùng Biển Đen cách bờ biển thành phố Sochi khoảng 1,5km. Ngoài ra, nhiều hành lý của hành khách cũng được phát hiện trôi dạt trên biển.

Trên máy bay có 92 người gồm 84 hành khách, trong đó có 11 quan chức Bộ Quốc phòng Nga và cơ quan thuộc tổng thống, 64 thành viên đoàn nghệ thuật quân đội Alexandrov rất nổi tiếng của Nga bay đến Syria để biểu diễn phục vụ các binh sĩ Nga nhân dịp Năm Mới, 9 phóng viên gồm nhóm quay phim 3 người của kênh truyền hình Zvezda đi theo đưa tin về sự kiện này, cùng 8 thành viên phi hành đoàn.

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận không còn ai sống sót trong vụ tai nạn đồng thời cho biết đang tiến hành một chiến dịch tìm kiếm cứu hộ quy mô trên Biển Đen để tìm kiếm thi thể các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay vận tải quân sự Tu-154 cũng như các mảnh vỡ của chiếc máy bay gặp nạn.


Phi cơ Tu-154. Ảnh: Military Wiki

Tham gia chiến dịch này có khoảng 3.000 người cùng một nhóm gồm 27 tàu trong đó có tàu của Hạm đội Biển Đen, 4 máy bay lên thẳng, các máy bay không người lái và thiết bị lặn sâu điều khiển từ xa cùng 100 thợ lặn tham gia tìm kiếm thi thể các nạn nhân cũng như các mảnh vỡ máy bay Tu-154 trong một khu vực diện tích 10,5 km2 trên Biển Đen.

Hoạt động tìm kiếm sẽ được tiến hành suốt ngày đêm. Để chiếu sáng cho hoạt động tìm kiếm ban đêm, các thiết bị chiếu sáng và các thiết chuyên dụng đã được huy động. Cho đến nay đã tìm thấy thi thể 11 nạn nhân.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, chiếc máy bay vận tải quân sự Tu-154 gặp nạn được sản xuất năm 1983 và đã trải qua 6.689 giờ bay, được sửa chữa lần cuối cùng ngày 29-12-2014 và được bảo dưỡng định kì lần cuối cùng vào tháng 9-2016. Điều khiển chiếc Tu-154 là phi công hạng nhất Roman Volkov, người đã trải qua hơn 3.000 giờ bay.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga, ông Viktor Ozerov, máy bay Tu-154 không thể bị khủng bố do máy bay này thuộc sự quản lý của quân đội, đồng thời cho rằng nguyên nhân rơi máy bay có thể là trục trặc kỹ thuật hoặc lỗi điều khiển bay.

Cùng ngày, người phát ngôn Ủy ban Điều tra Nga Svetlana Petrenko cho biết các nhà điều tra quân sự thuộc ủy ban này đã mở một cuộc điều tra hình sự đối với vụ rơi máy bay Tu-154 thuộc Bộ Quốc phòng Nga.

Theo bà Petrenko, vụ điều tra hình sự này liên quan tới "những vi phạm về quy định an toàn bay". Ủy ban Điều tra đã thu thập tài liệu, thẩm vấn những người thực hiện công tác chuẩn bị bay cho Tu-154. Hiện nhóm điều tra đã lên đường tới hiện trường vụ tai nạn máy bay

Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn máy bay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân các nạn nhân và tuyên bố ngày 26-12, Nga tổ chức quốc tang các nạn nhân.

Lãnh đạo nhiều nước cũng đã bày tỏ chia buồn với Nga về vụ tai nạn máy bay Tu-154. Trong bức điện chia buồn gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết "Chúng tôi hết sức lấy làm tiếc khi nhận được thông tin về vụ rơi máy bay Tu-154.

Những người bạn của chúng tôi trên máy bay đó chuẩn bị tới Syria để chia sẻ với chúng tôi về chiến thắng vừa qua ở Aleppo cũng như cùng tổ chức đón chào Năm mới". Ông Assad nhấn mạnh rằng hai nước là các đối tác trong "cuộc chiến vì sự ổn định, an ninh và hòa bình" của Syria.

Thủ tướng Đức, tổng thống các nước Czech, Armenia, Azerbajan, Kazakhstan, Moldova, Bộ trưởng Ngoại giao Italy, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, Ban Thư ký Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Đại sứ Mỹ tại Nga John Tefft … cũng đã gửi điện chia buồn tới lãnh đạo và nhân dân Nga. Tại nhiều nước, như Ukraine, người dân đã tới Đại sứ quán Nga đặt hoa và nến tưởng niệm những người thiệt mạng.

Dưới đây là những vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng của Nga trong những năm gần đây:

- Ngày 3-8-2010: Chiếc máy bay An-24RV, số đăng ký RA- 46524 của công ty Katekavia khi hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu ở sân bay Igarki, do lỗi phi công, đâm vào cây. Toàn bộ 11 hành khách và 1 trong 4 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

- Ngày 4-12-2010: Tại sân bay Domodedovo ở Moskva, máy bay Tu-154M, số đăng ký RA- 85744 của công ty South East Airlines (Dagestan) phải hạ cánh khẩn cấp do động cơ và máy phát điện gặp trục trặc. 2 trong số 163 hành khách thiệt mạng.

- Ngày 1-1-2011: Tại sân bay Surgut, khi đưa máy bay ra đường băng, một động cơ chiếc Tu-154B-2, số đăng ký RA-85588, của hàng không Kogalymavia bốc cháy, sau đó đám cháy lan sang khoang hành khách. Trên máy bay có 116 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn. Rút cuộc, 3 hành khách thiệt mạng, 40 người bị thương, máy bay bị hủy hoại hầu như hoàn toàn.

- Ngày 20-6-2011: Khi hạ cánh tại sân bay Petrozavodsk, máy bay Tu-134 mang số hiệu RA-65691 của hàng không RusAir khởi hành từ Moskva, hạ cánh trệch đường băng 1 km. 47 trong số 52 người trên máy bay thiệt mạng. Nguyên nhân thảm họa là do lỗi của tổ lái, mất định hướng và khả năng kiểm soát độ cao.

- Ngày 11-7-2011: Ở ngoại ô Nizhnevartovsk trên sông Ob, máy bay An-24RV mang số hiệu RA-47302, bay tuyến Tomsk-Surgut buộc phải hạ cánh khẩn cấp do động cơ máy bay bốc cháy trong không khí. Trên máy bay có 33 hành khách và 4 thành viên tổ lái. Khi lao xuống mặt nước, bay vỡ thành 3 mảnh khiến 7 hành khách thiệt mạng và 20 người bị thương.

- Ngày 7-9-2011: Tại tỉnh Yaroslavl, máy bay Yak-42 mang số hiệu RA-42434 của hàng không Yak-Service gặp nạn. Chiếc máy bay này, chở đội hockey Lokomotiv của Yaroslavl tới Minsk bị rơi ngay sau khi cất cánh và vỡ thành 3 mảnh, 2 mảnh rơi xuống một nhánh sông Volga. Trong số 45 người trên máy bay, chỉ 1 người sống sót. Nguyên nhân tai nạn là do sai sót của phi công.


Chiếc Yak-42 bị rơi trong quá trình cất cánh gần sân bay Tunoshna, vùng Yaroslavl. Ảnh: Sputnik

- Ngày 2-4-2012: Máy bay ATR-72, mang số hiệu VP-BYZ của hãng hàng không Utair, ngay sau khi cất cánh từ sân bay Roshino ở Tyumen bị mất độ cao và đâm xuống đất. 33 trong số 43 người trên máy bay thiệt mạng. Nguyên nhân do đóng băng và lỗi tổ lái.

- Ngày 12-9-2012: Tại Kamchatka, chiếc An-28 số đăng ký RA- 28715 thuộc công ty Petropavlovsk-Kamchatsky gặp nạn. Trong chuyến bay tới Palana, tổ lái đã nhiều lần thông báo sai về độ cao và vị trí cho kiểm soát dưới mặt đất đồng thời vi phạm trình tự hạ cánh (chuyến bay ở khu vực núi). Do hạ độ cao xuống dưới mức an toàn, máy bay đâm vào mặt đất khiến 10 người thiệt mạng. Theo điều tra, tổ lái điều khiển bay khi trong người đang có hơi men.

- Ngày 29-12-2012: Chiếc Tu-204-100, mang số hiệu RA- 64047 của hãng hàng không Red Wings hạ cánh tại sân bay Domodedovo ở Moskva bị trượt khỏi đường băng. Máy bay đâm đổ tường chắn sân bay, va với nền xa lộ Kiev và bị vỡ. Trên máy bay chỉ có 8 thành viên phi hành đoàn, 5 trong số này thiệt mạng.

- Ngày 17-11-2013: Chiếc máy bay Boeing 737 của hãng Tatarstan Airlines khởi hành từ Moskva bị rơi khi đang cố gắng hạ cánh tại sân bay thành phố Kazan làm toàn bộ 50 người trên máy bay thiệt mạng. Theo truyền thông địa phương, máy bay hạ cánh trong điều kiện thời tiết gió lớn, nhiều mây. Các nhà điều tra cho biết nguyên nhân tai nạn là do lỗi của phi công khi vi phạm các quy định an toàn bay.


Tháng 11/2013, chiếc máy bay Boeing 737 của hãng Tatarstan Airlines đang chở 50 người bị rơi khi đang cố gắng hạ cánh tại Kazan. Các nhà điều tra cho biết vụ tai nạ xảy ra do lỗi của phi công. Phi cơ trưởng của chuyến bay là người thiếu kinh nghiệm và đã vi phạm các quy định an toàn bay. Ảnh: Reuters

- Ngày 31-10-2015: Chiếc máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Kogalymavia khởi hành từ Sharm El Sheikh, Ai Cập đến thành phố Saint Petersburg bị nổ tung trên bầu trời bán đảo Sinai. Tất cả 217 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn đều thiệt mạng. Sau nhiều tháng điều tra, Ủy ban Điều tra Nga kết luận nguyên nhân vụ tai nạn là do máy bay bị gài bom.

- Ngày 19-3-2016: Chiếc máy bay mang số hiệu FZ981 của hãng hàng không FlyDubai chở khách du lịch Nga từ thành phố Dubai của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đến thành phố Rostov-on-Don của Nga bị rơi và vỡ vụn khi đang trong quá trình tiếp cận với đường băng để hạ cánh. Toàn bộ 62 hành khách và thành viên phi hành đoàn đều thiệt mạng. Nguyên nhân vụ tai nạn là do máy bay chịu tác động của một hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp gọi là luồng khí quyển hẹp.

TTXVN/Thanh Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm