Phát hiện 'Siêu Trái đất' gần nhất từ trước tới nay

18/12/2015 12:46 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Công cuộc tìm kiếm ngoài vũ trụ một Trái đất thứ hai mà con người có thể sinh sống vừa tìm thấy một ứng cử viên mới – hành tinh ngoại vi Wolf 1061c – chỉ cách chúng ta 14 năm ánh sáng, gần nhất từ trước tới nay.

Theo các nhà thiên văn học Australia, thiên thể đá này có khối lượng nặng gấp 4 lần Trái đất và hiện là hành tinh có thể sinh sống cách chúng ta gần nhất trong hệ Mặt trời. Wolf 1061c là một trong ba hành tinh quay quanh quỹ đạo của ngôi sao lùn đỏ có tên Wolf 1061.

Phát hiện của nhóm nghiên cứu của Đại học New South Wales (Australia), sẽ được công bố trên Tạp chí thiên văn Astrophysical Journal Letters số sắp tới, là kết quả lâu năm của quá trình quan sát sao lùn Wolf 1061 qua máy quang phổ Harps của kính thiên văn Đài quan sát Nam Âu đặt tại La Silla, Chile.


Wolf 1061c được tin rằng có bề mặt đất đá và nước lỏng giống với Trái đất

Tiến sĩ Duncan Wright, trưởng nhóm nghiên cứu thông báo: “Đây quả là một phát hiện đặc biệt bởi vì cả ba hành tinh đều có khối lượng lớn vừa đủ để hình thành một bề mặt đá rắn chắc”. Trong số đó, hành tinh ở giữa mang tên Wolf 1061c nằm trong phạm vi Goldilocks (vùng sinh sống được) nên có nhiều khả năng chứa chất lỏng, áp suất khí quyển và thậm chí tồn tại sự sống. “Thật thú vị khi tìm kiếm trong khoảng không vô tận kia và nghĩ tới việc một ngôi sao rất gần với chúng ta – một hàng xóm gần gũi – sở hữu một hành tinh sống được”, tiến sĩ Wright chia sẻ.

Giải thích về sự phát hiện Wolf 1061c, giáo sư Chris Tinney cho biết: “Chúng tôi đã phát triển một công nghệ mới cho phép nâng cao khả năng phân tích các dữ liệu từ thiết bị tìm kiếm hành tinh, đồng thời quan sát sao mẹ Wolf 1061 trong hơn một thập kỷ”.

Trước đây, giới khoa học từng tìm thấy một số hành tinh quay quanh những ngôi sao gần với chúng ta hơn Wolf 1061 nhưng tiềm năng sống được tại đó lại rất mơ hồ. Trong khi đó, ba hành tinh vừa được phát hiện lại có chu kỳ quanh một ngôi sao nhỏ, tương đối mát mẻ và ổn định, lần lượt là 5 – 18 – 67 ngày. Khối lượng của chúng ít nhất lớn hơn Trái đất 1,4 - 4,3 - 5,2 lần. Hành tinh lớn nhất tuy nằm ngoài vùng Goldilocks nhưng khả năng có bề mặt đá rắn. Còn hành tinh nhỏ hơn, nằm gần sao lùn Wolf 1061 nhất, hoàn toàn thuộc vùng Goldilocks.

Rob Wittenmyer, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu khẳng định khoảng cách gần gũi của 3 thiên thể bay quanh sao mẹ Wolf 1061 mang ý nghĩa rằng đó sẽ là một cơ hội tốt để chúng vượt qua bề mặt của sao mẹ. Nếu điều đó xảy ra, trong tương lai sẽ có khả năng để nghiên cứu về khí quyển của những thiên thể này để xem xét liệu chúng có thể dẫn tới sự sống hay không.

Những hành tinh lớn vừa đủ và có bề mặt đá tương tự địa cầu của chúng ta thường xuất hiện rất nhiều trong giải ngân hà và các hệ đa hành tinh cũng không phải là hiếm gặp. Tuy nhiên, phần lớn các hành tinh ngoại vi đất đá đó lại quá xa xôi, cách Trái đất hàng trăm ngàn năm ánh sáng nên công nghệ hiện tại của chúng ta chưa thể tiếp cận được.

Tuần trước, các nhà thiên văn tại Thụy Điển và Mexico tuyên bố đã phát hiện ra hai trong số các vật thể cách xa chúng ta nhất trong hệ Mặt trời. Một trong số đó có thể là “siêu Trái đất”, xa gấp 6 lần so với sao Diêm vương – hành tinh xa nhất thuộc hệ Mặt trời. Thế nhưng cũng tồn tại khả năng đây chỉ là một ngôi sao lùn nâu, được biết tới như một hành tinh chết, không có hy vọng của sự sống.

Theo Hoàng Trang (Tin tức/Dailymail)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm