Rộ mốt thuê người yêu dịp Tết Nguyên đán, tránh câu hỏi 'bao giờ lấy chồng'

16/02/2018 18:54 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Rất nhiều công ty kinh doanh cho thuê người trong dịp Tết nguyên đán 2018 tại Trung Quốc đã mở một dịch vụ giúp những người độc thân – trong số đó là các bạn trẻ con một – thoát khỏi sức ép “lấy vợ gả chồng” từ phía gia đình.

Cuốn hút, vui tính và lễ phép, Chen Gang – 31 tuổi là mẫu con rể lý tưởng tại Trung Quốc – người đàn ông mà mọi ông bố bà mẹ đại lục mong muốn con gái mình lấy được.

Anh dễ dàng bắt chuyện với khách tham dự lễ cưới, luôn thể hiện sẵn lòng giúp đỡ công việc nhà trước mặt “nhạc phụ nhạc mẫu”, nhưng không ai biết rằng anh đã kết hôn và ly dị tổng cộng 3 lần kể từ khi tham gia công việc này.

Chen (không phải tên thật) là người thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung quốc. Anh chỉ là một trong số nhiều nam thanh nữ tú Trung Quốc tự cho thuê “bản thân” để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ “kết hôn giả”, đặc biệt là dành cho các khách hàng sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán.

Đó là khoảng thời gian mà những người đang trong độ tuổi cuối 20 – đầu 30 chưa lập gia đình khi trở về nhà một mình đều nhận được những câu hỏi quen thuộc: “Có người yêu chưa? Bao giờ lấy chồng (vợ)?”.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Ảnh: SCMP

Theo báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), hầu hết các bậc phụ huynh người Trung Quốc hiện vẫn đang mong muốn con mình lập gia đình trước năm 30 tuổi, nhưng chính những người trẻ này lại càng ngày càng cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn người bạn đời.

Chen bắt đầu công việc “đóng giả bạn trai” từ năm 2010. Nhận thấy cơ hội tốt và kiếm thêm thu nhập – thông qua dịch vụ làm đám cưới giả, Chen lần đầu tiên kết hôn vào năm 2014 với một người phụ nữ trẻ ở tỉnh Sơn Đông.

“Tôi được trả 1.500 NDT (tương đương 5,3 triệu đồng) một ngày cho việc xuất hiện ở tiệc cưới và sau đó là thêm 15.000 NDT khác (53 triệu đồng) ở một đám cưới Sơn Đông”, Chen chia sẻ.

Vì Chen “cưới vợ” rồi li dị hơn hai lần, nên những tờ đơn ly dị Chen đều cất giữ làm kỷ niệm.

Mỗi một lần “kết hôn giả” cả Chen lẫn khách hàng đều chuẩn bị kỹ lưỡng để bố mẹ khách hàng không hoài nghi về việc kết hôn.

Chen cho biết phần lớn khách hàng trong ngành công nghiệp “thuê cô dâu chú rể” kiểu này là những người chịu sức ép quá lớn từ gia đình. Một số người trong số họ là thuộc giới tính thứ 3, nên họ muốn “kết hôn giả” để làm vừa lòng cha mẹ.

Sức ép từ phía gia đình càng lớn trong dịp Tết Nguyên đán khi mọi người, trong đó có hàng triệu người lao động nhập cư, trở về nhà. Việc thuê cô dâu, chú rể để làm đám cưới hay bạn trai bạn gái về ra mắt trở nên ngày càng phổ biến, nhộn nhịp hơn vào những ngày lễ tết.

Chỉ cần số điện thoại, hoặc ngồi ở nhà lướt một số trang web mua bán như Taobao hay ứng dụng tin nhắn WeChat, khách hàng cũng có thể dễ dàng thương lượng thuê “bạn trai bạn gái”.

Giá cả cho việc thuê bạn trai bạn gái dao động, nhưng chi phí thuê một người mang về nhà ra mắt gia đình vào dịp Tết thường rơi vào khoảng hơn 1.000 NDT một ngày. Chi phí “kết hôn giả” thậm chí còn đắt hơn.

Hối hả thuê người yêu chơi Tết

Hối hả thuê người yêu chơi Tết

Thuê người yêu đang là một giải pháp mà nhiều thanh niên gốc nông thôn Trung Quốc áp dụng khi chuẩn bị về quê ăn Tết và đối mặt áp lực cưới xin từ gia đình.

Ông Lu Zheng làm việc tại Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội Quảng Đông cho biết mặc dù ngành dịch vụ cho thuê “cô dâu chú rể” này có thể làm hài lòng bậc phụ huynh trong trước mắt, song nó không thực sự giải quyết sự khác biệt trong quan điểm giữa hai thế hệ: cha mẹ và con cái.

Không chỉ là lừa dối cha mẹ, sự an toàn cũng là một yếu tố quan ngại lớn cho phần lớn nữ giới tham gia cho thuê bản thân làm “bạn gái” hoặc “cô dâu”. Trong khi hầu hết các trường hợp đều tránh một mối quan hệ liên quan đến tình dục như một phần của hợp đồng, thì vẫn có một số ca hi hữu cặp đôi giả mạo ngủ chung với nhau.

Trong thời đại xã hội Trung Quốc hiện đại, nữ giới được học cao hơn, có trình độ hơn nên họ khó kiếm được bạn đời phù hợp, trong khi phần lớn nam giới Trung Quốc vẫn thích bạn đời của mình “có ít khả năng hơn”. Hiện vẫn còn hàng nghìn nam giới sống tại các vùng quê Trung Quốc độc thân. Tình trạng kinh tế kém, cộng với sự mất cân bằng giới tính trong xã hội khiến những người này lại càng không thể lấy được vợ. Theo như thống kế năm 2010, tỉ lệ bé nam – bé nữ mới sinh là 117,9 – 100.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm