09/10/2021 10:54 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h ngày 9/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 237.969.792 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.856.323 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 215.108.553 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 732.476 ca tử vong trong tổng số 45.135.541 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 450.408 ca tử vong trong số 33.934.335 ca. Brazil đứng thứ 3 với 600.493 ca tử vong trong số 21.550.730 ca.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 605 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 330 người và CH Bắc Macedonia với 326 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 45,2 triệu ca. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 69 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,3 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 76,8 triệu ca. Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 54,2 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 214.000 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 3.100 người.
Lần đầu tiên số ca nhiễm mới COVID-19 ở Canada đang có xu hướng giảm sau nhiều tháng. Trong tuần qua, Canada ghi nhận thêm trung bình 3.745 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, chưa bằng 50% con số 8.000 ca nhiễm mới/ngày được dự đoán trong mô hình công bố hồi tháng 9/2021.
Theo Giám đốc Cơ quan Y tế công cộng Canada, bà Theresa Tam, xu hướng giảm là bằng chứng cho thấy việc tiêm vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng và các biện pháp y tế công cộng đang đưa đại dịch vào tầm kiểm soát. Số liệu thống kê cho thấy số ca mắc mới cao gấp 10 lần và tỷ lệ bệnh nặng cao gấp 36 lần ở những người chưa được tiêm chủng. Tỷ lệ tiêm chủng hiện thấp hơn đáng kể ở những người trẻ tuổi. Trong nhóm 18-29 tuổi, chỉ 72% đã được tiêm hai liều vaccine.
Cơ quan lập pháp vùng Brussels (Bỉ) đã thông qua việc áp dụng Chứng nhận An toàn với COVID-19 (CST). Theo đó, kể từ ngày 15/10, các quán cà phê, nhà hàng và vũ trường trên toàn vùng thủ đô Brussels sẽ áp dụng CST. Chứng nhận này cũng bắt buộc đối với các hoạt động diễn ra bên trong các câu lạc bộ thể thao và bên ngoài với quy mô 200 người. CST cũng được áp dụng tại các cơ sở văn hóa, lễ hội, hội chợ và đại hội quy tụ 50 người trong nhà hoặc 200 người ngoài trời. Các bệnh viện và viện dưỡng lão cũng sẽ yêu cầu CST. Dự kiến, việc áp dụng CST sẽ có hiệu lực đến ngày 15/1/2022.
Số liệu mới nhất từ Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho thấy số người trẻ tuổi mắc hội chứng COVID kéo dài (long COVID) cao gần gấp đôi những người trên 70 tuổi. Hội chứng COVID kéo dài là tình trạng bệnh nhân có các triệu chứng tồn tại hơn 4 tuần sau khi mắc COVID-19 cấp tính. Các triệu chứng này bao gồm mệt mỏi, khó thở, mất khứu giác, đau cơ, khó ngủ và đau đầu.
COVID kéo dài cũng ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động hằng ngày của 706.000 người, chiếm 70% tổng số những người mắc hội chứng này, trong số đó 211.000 người cho biết khả năng thực hiện các hoạt động thường nhật của họ đã bị “giới hạn rất nhiều”. Mệt mỏi là triệu chứng COVID kéo dài phổ biến nhất, chiếm 56% số người mắc hội chứng này. Khoảng 40% mắc chứng khó thở, 32% mất khứu giác và 31% khó tập trung.
Theo ONS, trong khi tỷ lệ mắc hội chứng COVID kéo dài cao nhất ở những người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và xã hội, tỷ lệ tăng cao nhất nằm ở nhóm đối tượng làm việc trong lĩnh vực khách sạn, tăng từ 1,6% lên 2,6%. Hội chứng này ghi nhận nhiều ở những người từ 35 đến 69 tuổi, phụ nữ, những người sống ở các khu vực điều kiện vật chất hạn chế, những người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hoặc xã hội và những người khuyết tật hoặc khả năng vận động hạn chế.
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel thông báo sẽ ngừng cung cấp xét nghiệm nhanh COVID-19 miễn phí tại các quán bar, nhà hàng kể từ ngày 19/10 và giấy chứng nhận an toàn với COVID-19 sẽ được áp dụng đại trà kể từ ngày 1/11.
Nhằm đẩy nhanh việc đạt được miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế Luxembourg đang phát động một chiến dịch đặc biệt tại các trường trung học nơi tỷ lệ tiêm chủng đạt khoảng 55% tổng số học sinh. Bộ Giáo dục và Y tế Luxembourg cho biết 45% học sinh sẽ được tiêm trong năm học. Liều thứ nhất sẽ được tiêm trong thời gian từ 18-29/10 và liều thứ hai từ 15-29/11, với duy nhất loại vaccine của Pfizer/BioNTech.
Liên quan nguồn cung vaccine, hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) thông báo sẽ cung cấp thêm 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước có thu nhập thấp vào năm 2022, ngoài các liều đã cam kết đối với chương trình COVAX.
Theo Moderna, số lượng vaccine ngừa COVID-19 mà hãng định cung cấp cho các nước có thu nhập thấp là một phần trong số từ 2-3 tỷ liều dự kiến sẽ sản xuất vào năm 2022. Cho đến nay, đã có hơn 250 triệu người trên thế giới được tiêm vaccine của Moderna. Tuy nhiên, việc tiếp cận vaccine vẫn là một thách thức đối với nhiều nước.
Thanh Phương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất