Thế giới hơn 86 triệu ca mắc Covid-19, hơn 1,8 triệu người chết

06/01/2021 08:51 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 8h sáng 6/1, thế giới ghi nhận tổng cộng 86.803.021 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.874.297 ca tử vong. Hơn 61,52 triệu bệnh nhân COVID-19 trên toàn thế giới đã phục hồi trong khi còn 23,407 triệu bệnh nhân vẫn đang được điều trị.

Dịch Covid-19 ngày 5/1: Thế giới có 86.260.742 ca bệnh, 1.864.089 ca tử vong

Dịch Covid-19 ngày 5/1: Thế giới có 86.260.742 ca bệnh, 1.864.089 ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 5/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 86.260.742 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.864.089 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 61.206.135 người.

Tại châu Âu, thống kê chính thức cho thấy số ca mắc mới COVID-19 ở Anh lần đầu tiên vượt quá 60.000 trường hợp/ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại quốc gia châu Âu này. Theo đó, nước Anh đã ghi nhận thêm 60.916 ca mắc COVID-19 và 830 người tử vong trong một ngày. Như vậy, đây là ngày thứ 7 liên tiếp số ca mắc COVID-19 tính theo ngày ở Anh vượt qua 50.000 người. Cùng ngày, Thủ tướng Boris Johnson cho hay hơn 1,3 triệu người ở Vương quốc Anh đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh nước này bắt đầu triển khai lệnh phong tỏa mới ở England nhằm chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2.

Tổng số ca mắc bệnh tại Ireland cũng vượt ngưỡng 110.000 ca sau khi quốc gia này ghi nhận thêm 5.325 ca bệnh ngày 5/1 nâng tổng số ca mắc bệnh lên là 113.322 ca. Trong khi đó, số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng thêm 17 ca lên 2.282 ca. Hiện số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại Ireland là 840 người, với 76 trường hợp cần hỗ trợ chăm sóc tích cực (ICU). Giới chức y tế Ireland lo ngại đến cuối tuần này, số ca nhập viện điều trị sẽ vượt mức cao nhất từng ghi nhận trong đợt dịch thứ nhất là 881 ca hồi giữa tháng 4/2020. Trước tình hình số ca mắc bệnh gia tăng một cách đáng ngại, Thủ tướng Ireland Micheal Martin cho biết chính phủ nước này đang cân nhắc các biện pháp mạnh tay hơn để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Chú thích ảnh

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến các bang ở Đức ngày 5/1 đã nhất trí kéo dài các biện pháp phòng chống dịch đang áp dụng hiện nay cho tới ngày 31/1, đồng thời siết chặt thêm các biện pháp phòng ngừa nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch. Hạn chế việc đi ra khỏi nơi ở quá 15 km đối với các vùng có chỉ số lây nhiễm vượt quá 200 ca/100.000 dân trong 7 ngày, ngoại trừ một số lý do chính đáng như đi khám bệnh hay đi làm.

Bên cạnh đó, các cuộc tiếp xúc cũng bị giới hạn, chỉ cho phép những người trong một nhà gặp một người không sống cùng hộ gia đình. Các cơ sở dưỡng lão cũng được áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt, như tiến hành xét nghiệm nhanh đối với các trường hợp vào các cơ sở này cho tới khi mọi người trong cơ sở dưỡng lão được tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine. Ngoại trừ các cửa hàng bán thực phẩm và hàng thiết yếu, còn lại tất cả các nhà hàng, quán bar, cơ sở giải trí, thể thao... sẽ tiếp tục đóng cửa tới cuối tháng, tuy nhiên vẫn cho phép các nhà hàng bán đồ ăn mang đi.

Các trường học và nhà trẻ tiếp tục đóng cửa tới hết tháng 1. Từ đầu tháng 2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 có thể bắt đầu tới trường trở lại và sẽ được áp dụng mô hình chuyển đổi học ở trường và học tại nhà.

Hiện có tới 3/4 trong tổng số 410 huyện và thành phố ở Đức có chỉ số lây nhiễm vượt quá 100 ca/100.000 dân trong 7 ngày, trong đó có trên 70 huyện thị có chỉ số vượt quá 200 ca. Trong 24 giờ qua, nước Đức có thêm trên 16.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 đến nay lên trên 1,8 triệu ca. Đặc biệt, trong ngày cũng đã ghi nhận số ca tử vong ở mức cao nhất với 1.133 trường hợp, đưa tổng số ca tử vong lên trên 36.200 ca.

Đức cũng sẽ kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Anh và Nam Phi do lo ngại những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở hai nước này. Cụ thể, Chính phủ Đức đã gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ Anh và Nam Phi cho đến ngày 20/1. Sau khi phát hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở Anh và Nam Phi ngay trước thềm Giáng sinh vừa qua, Đức đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ những nơi này, đặc biệt ngay cả người Đức cũng không thể trở về quê hương. Trong thời gian tới, Đức nhiều khả năng sẽ ra quy định chỉ cho phép những người ngoài EU nhập cảnh nước này nếu có kết quả xét nghiệm âm tính.

Tại châu Mỹ, nhiều trường đại học tại Mỹ vừa lên kế hoạch sẽ lùi ngày tựu trường kỳ mùa Xuân (tương đương học kỳ 2) để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và có đủ thời gian để y, bác sĩ và cán bộ y tế của trường kịp tiêm vaccine trước khi quay trở lại làm việc. Hệ thống 64 trường đại học công lập của bang New York đều sẽ bắt đầu kỳ mùa Xuân vào đầu tháng 2, chậm khoảng 3 tuần so với ngày tựu trường thông thường trước thời điểm đại dịch xảy ra và tất cả sinh viên trở lại trường đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Nhiều trường đại học ngoài công lập cũng cân nhắc sẽ bắt đầu kỳ mùa xuân chậm lại vì lo ngại dịch có thể bùng phát lại trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tại New York và trên toàn nước Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng và bang New York cũng đã phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với biến thể mới của virus khả năng lây lan nhanh.

Kể từ giữa tháng 12/2020, nhiều trường tại Mỹ đã bắt đầu lên kế hoạch điều chỉnh ngày tựu trường kỳ mùa Xuân 2021 bởi cho rằng kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới vừa qua có thể là thời điểm nguy cơ lây nhiễm virus tăng cao hơn. Trước đó, trong đợt khai giảng kỳ mùa Thu (đầu tháng 9/2020) các trường đại học ở Mỹ đã phải thay đổi ngày nhập học nhiều lần do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khiến gia đình các sinh viên khi đó rất vất vả lên kế hoạch đưa con em đi nhập học ở các bang khác nhau trong lúc mỗi bang lại có những quy định cách ly khác biệt.

Tại châu Phi, Iran đã ghi nhận ca đầu tiên mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này. Bệnh nhân hiện được điều trị tại một bệnh viện tư nhân của Iran. Bộ Y tế Iran cho biết ngày 5/1, quốc gia này ghi nhận 6.113 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia này lên là 1.255.620 ca. Đại dịch khiến 55.748 người tại Iran thiệt mạng trong khi 1.029.028 người khác đã bình phục.

Israel cũng ghi nhận 9.299 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện tại quốc gia này, nâng tổng số ca bệnh lên là 455.144 ca. Tổng số ca tử vong cũng tăng lên 3.489 ca, với 54 ca tử vong mới ghi nhận trong một ngày qua. Trước đó, giới chức Israel đã nhất trí siết chặt các biện pháp phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo đó, biện pháp phong tỏa toàn quốc sẽ được áp dụng từ đêm 7/1 và kéo dài 14 ngày, tất cả các trường học và các doanh nghiệp đều phải đóng cửa.

Lê Ánh - TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm