'Thỏa thuận lịch sử' chống biến đổi khí hậu có 'ràng buộc về pháp lý'

12/12/2015 21:04 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Theo tin của hãng AFP, bản dự thảo thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã được Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius phân phát cho các bộ trưởng 195 nước tham gia Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris nghiên cứu trước khi phiên họp toàn thể diễn ra để thông qua lần cuối. 
Như vậy, các nhà thương lượng từ khắp nơi trên thế giới tham dự COP21 dường như đã tiến gần tới một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm làm chậm tình trạng ấm lên trên toàn cầu. 

Mô tả đây là một "thỏa thuận lịch sử" Ngoại trưởng Fabius cho biết thỏa thuận sẽ nhằm mục đích hạn chế tình trạng ấm lên của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là 1,5 độ C. Thỏa thuận đồng nghĩa với việc mỗi năm, kể từ năm 2020, sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD (92 tỷ euro) để giúp các nước đang phát triển đối phó với hiện tượng ấm lên trên toàn cầu. Theo ông, điều quan trọng là, đến năm 2025 con số trên sẽ được điều chỉnh. Ông còn nhấn mạnh toàn bộ thỏa thuận này là "ràng buộc về pháp lý".


Bộ trưởng Môi trường Pháp Segolene Royal (trái), Tổng thống Pháp Francois Hollande (thứ 2 trái), Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (giữa) và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon (thứ 2 phải) sau khi trình bản dự thảo tại Hội nghị COP21 ở Paris ngày 12/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới quan sát cho rằng do nội dung bản dự thảo thỏa thuận chưa được công bố, chưa thể biết rõ liệu cam kết về tài chính có phải là cam kết ràng buộc về pháp lý hay không, trong khi Mỹ đã phản đối điều này.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên tiếng thúc giục đại diện của các nước thông qua thỏa thuận.

Trước đó, hãng AFP cũng đưa tin bản dự thảo, được hoàn tất sau khi kết thúc các cuộc thương lượng kéo dài tới đêm khuya và đang được dịch từ tiếng Anh sang 5 ngôn ngữ chính thức khác của Liên hợp quốc. Theo kế hoạch ban đầu, bản dự thảo sẽ được trình bày tại cuộc họp đặc biệt của các phái đoàn quốc tế - dự kiến diễn ra 11h30' sáng 12/12 (1030GMT), tức 5h30' chiều 12/12 giờ Việt Nam. 

Nội dung bản dự thảo cuối cùng của thỏa thuận, bị rò rỉ đêm 11/12, cho thấy còn nhiều vấn đề then chốt chưa được giải quyết - kể cả về cách thức các nước giàu và các nước đang phát triển chia sẻ các chi phí cho cuộc chiến chống tình trạng Trái Đất nóng lên.


Tổng thống Pháp Francois Hollande (thứ 2 trái), Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (giữa) và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon (thứ 2 phải) sau khi trình bản dự thảo tại Hội nghị COP21 ở Paris ngày 12/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi bản dự thảo cuối cùng được công bố, các phái đoàn của các nước tham dự sẽ nghiên cứu nội dung bản dự thảo này trong vài giờ đồng hồ trước khi được thông qua lần cuối tại phiên họp toàn thể. 

Nếu được 195 nước tham gia hội nghị tại Paris thông qua, thảo thuận này sẽ là bước đột phá trong nỗ lực của LHQ suốt hơn 2 thập kỷ qua nhằm thuyết phục các chính phủ hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm do con người tạo ra mà các nhà khoa học cho rằng đang khiến nhiệt độ của Trái Đất gia tăng. Hiện tượng băng tan, mực nước biển dâng cao và sa mạc hóa gia tăng có liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa người dân trên khắp thế giới.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm