05/08/2019 22:33 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Ngày 5/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Moskva sẽ buộc phải khởi động tiến trình phát triển các tên lửa mặt đất tầm ngắn và tầm trung nếu Mỹ cũng bắt đầu tiến trình này sau khi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) đổ vỡ.
Sau khi chủ trì cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia Nga, Tổng thống Putin đã chỉ thị cho các Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao cùng cơ quan tình báo SVR giám sát chặt chẽ mọi bước đi của Mỹ trong việc phát triển, sản xuất hay triển khai những loại tên lửa đã bị cấm trong INF.
Trong thông báo đưa ra, ông Putin cho biết nếu Nga có được những thông tin đáng tin cậy rằng Mỹ hoàn thành quá trình phát triển những hệ thống này và bắt đầu khâu sản xuất thì Nga cũng sẽ không có lựa chọn nào khác là nỗ lực toàn diện để phát triển những loại tên lửa tương tự. Trong khi đó, ông Putin cũng khẳng định với kho vũ khí tên lửa hiện có, cùng với những tiến bộ của quốc gia này trong phát triển tên lửa siêu thanh, Nga có đủ năng lực để đối phó với mọi mối đe dọa từ Mỹ.
Tổng thống Nga cho biết thêm rằng Moskva và Washington cần phải nối lại các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí nhằm ngăn chặn bùng phát "một cuộc chạy đua vũ trang không giới hạn". Ông Putin nhấn mạnh để tránh một cuộc đua hỗn loạn không luật lệ, không giới hạn, Nga và Mỹ cần một lần nữa cân nhắc mọi hậu quả và tiến hành đối thoại nghiêm túc, ý nghĩa.
Trước đó, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Moskva, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng khẳng định trong bối cảnh xuất hiện những thách thức mới do Mỹ gây ra, Nga chắc chắn sẽ có những biện pháp toàn diện để đảm bảo an ninh của quốc gia này. Ông Ryabkov kêu gọi Washington thể hiện trách nhiệm và áp dụng các quy định cấm triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn, giống Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng khẳng định Moskva sẽ không triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn tại châu Âu hay các khu vực khác nếu những vũ khí như vậy của Mỹ không xuất hiện tại những nơi này. Ông Ryabkov nhấn mạnh Moskva vẫn sẵn sàng đối thoại công bằng và xây dựng với Washignton về hiệp ước INF và các vấn đề ổn định chiến lược khác trên cơ sở tôn trọng và đảm bảo lợi ích chung. Ông Ryabkov cũng cho rằng tiến trình tham vấn Nga-Mỹ về các vấn đề kiểm soát vũ khí với trọng tâm hướng tới các bộ phận tên lửa hạt nhân vốn đã được nối lại tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 17/7 nên được tiếp tục diễn ra.
Ngày 2/8 vừa qua, Mỹ đã chính thức rút khỏi INF với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này và từng ít nhất một lần triển khai loại tên lửa bị cấm trong hiệp ước dù Moskva luôn bác bỏ những cáo buộc này. INF được Mỹ và Liên Xô cũ ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Lê Ánh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất