TS Nguyễn Thị Hậu: Sài Gòn là thành phố nghĩa tình

27/04/2015 09:40 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Nhiều người coi “nghĩa tình” là một đặc trưng của tính cách người Sài Gòn, bởi nơi đây ta có thể bắt gặp hàng ngày những việc nghĩa.

Từ chuyện nhỏ thôi, như nhắc nhau gạt chân chống xe máy, thùng nước miễn phí, quán cơm 2 ngàn cho người cơ nhỡ, nhiều người mua vé số như một cách giúp đỡ người không may chứ không chỉ là mong điều may mắn cho mình… Cho đến những chuyện lớn hơn như các phong trào đền ơn đáp nghĩa, phong trào từ thiện, chăm lo cho người nghèo, giúp đỡ đồng bào những nơi gặp thiên tai…

TS Nguyễn Thị Hậu (Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) chia sẻ cách nhìn của mình.


* Theo chị, Sài Gòn có phải là thành phố nghĩa tình không?

- Người Việt Nam vốn giàu tình cảm với đồng bào, ở người Sài Gòn thì “tình” luôn đi cùng với “nghĩa” là “làm việc nghĩa”. Người Sài Gòn làm việc nghĩa như một “thao tác” bình thường, thấy việc nên làm thì làm, không tính toán thiệt hơn, giúp người trong khả năng của mình, dù ít cũng không ngại và nhiều cũng không đòi hỏi đền đáp trả công. Có thể nói là người Sài Gòn thực tế, giúp người một cách cụ thể, “ngay và luôn”, mặc dù có thể ít nói lời văn chương.

Tính cách con người sẽ góp phần làm nên đặc điểm một thành phố, vùng miền. Người Sài Gòn làm việc nghĩa là thể hiện cái tình đối với đồng bào mình thì cũng có thể nói, Sài Gòn là “thành phố nghĩa tình”.

* Ngoài tính cởi mở, phóng khoáng mà chúng ta dễ dàng nói nó vốn thuộc về Nam bộ, phải chăng nghĩa tình của người Sài Gòn còn đến từ triết lý nhân sinh, tôn giáo mà họ chịu ảnh hưởng?

- Tôi nghĩ đơn giản thế này, những hành xử phản ánh nghĩa tình của người Sài Gòn, Nam bộ vẫn bắt nguồn từ đạo lý chung của dân tộc, nhưng nó còn phản ánh lịch sử, hoàn cảnh của vùng đất phương Nam: khi lưu dân từ nhiều nơi vào Nam bộ thì hầu như hoàn cảnh giống nhau, là những người nghèo, có người là tội đồ, phạm nhân… nên vào vùng đất mới họ phải đùm bọc giúp đỡ nhau, không giúp người thì ai sẽ giúp mình khi gặp khó khăn? Suy nghĩ giản dị vậy thôi.

Chúng ta vẫn suy nghĩ theo một lối mòn: “Nam bộ được thiên nhiên ưu đãi, người Nam bộ làm chơi ăn thiệt” mà không nhìn thấy những khó khăn gian nan của biết bao thế hệ lưu dân đã làm nên một Nam bộ trù phú. Có chăng chỉ là người Nam bộ không hay kể lể về những khó khăn, bởi vì ai cũng như mình, than thở có ích gì, hãy giúp nhau làm cho được việc… Việc đã làm xong thì coi như chuyện chơi, chứ không phải làm ăn dễ dàng như chơi. Đấy là tôi nghĩ vậy.
Trải qua nhiều thế hệ, lối suy nghĩ, hành xử như vậy trở thành đạo lý của người Nam bộ. Truyện Lục Vân Tiên đã đúc kết đạo lý này, vì vậy đã được người Nam bộ vô cùng yêu thích.

* Hoặc có phải nghĩa tình cũng đến từ sự sung túc hơn về kinh tế của Sài Gòn? Bởi cũng có những ý kiến cho rằng giàu mới thương người, giúp người được?

- Quan trọng là có coi việc giúp người là chuyện cần làm và làm được hay không? Tất nhiên, giàu có sung túc thì có điều kiện giúp người nhiều hơn. Truyện cổ về ông Thủ Huồng làm Nhà Bè ở ngã ba sông, để sẵn gạo nước cho người đi ghe xuồng qua lại sử dụng (nhiều ghe xuồng trú lại đây chờ nước lớn nước ròng để đi ra biển hay ngược vào Đồng Nai, Gia Định) là một minh chứng.

Nhưng không phải chỉ có người giàu mới giúp người cơ nhỡ. Ở Sài Gòn ta có thể nhìn thấy nhiều người chẳng sung túc gì vẫn có thể giúp người khốn khó hơn mình, bởi vì họ không ngại khi mình chỉ giúp được một chút, vì họ tin nếu nhiều người giúp một chút sẽ được một kết quả lớn. Và thực tế là như vậy.
Người Sài Gòn chỉ nhận xét ngắn gọn về một ai đó là “chơi hổng được” khi họ nhiều lần hành xử không theo đạo lý chung.

* Làm sao để việc sống nghĩa tình được lan tỏa rộng rãi và thành ứng xử chung?


-  “Sống nghĩa tình”, tôi nghĩ nó không phải là một phong trào, nên lan tỏa rộng rãi hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Sài Gòn là nơi sẵn sàng chia sẻ những cơ hội với tất cả mọi người, vì vậy phần lớn những người nhập cư vào đây khi có điều kiện cũng sẻ chia giúp đỡ người khác như một lẽ tự nhiên.

Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm