Thế hệ nhà văn sau 1975 (Bài 2 & hết): Chuyển động về phía nhân sinh

11/05/2016 13:00 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Với sự xuất hiện của thế hệ nhà văn sau 1975, mẫu nhà văn chiến sỹ thời chiến đã nhường chỗ hoàn toàn cho mẫu nhà văn kẻ sỹ hiện đại thời bình, TS Chu Văn Sơn đánh giá.

Và đó cần được xem là một bước vận động tích cực của tiến trình văn học. Dù thang bậc tiêu chí định hình, định danh thế hệ nhà văn sau 1975 vẫn còn chưa rõ nét, nhưng sự xuất hiện của một lớp người bạo liệt đã mang lại những giá trị tích cực cho văn học đương đại.

Những Tạ Duy Anh, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái, Văn Giá, Nguyễn Việt Hà, Trần Thùy Mai, Giáng Vân, Tuyết Nga, Nguyễn Hữu Quý, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương… xuất hiện để làm mới văn học.

Những vấn đề tưởng như được giấu kín được họ khéo léo, tỉnh táo làm trương nở theo một cách riêng của mình, đội quân đó đã kéo văn học sang giai đoạn mới, giai đoạn của sự sống, của sự chuyển động về phía nhân sinh.

GS Trần Đình Sử khẳng định thế hệ nhà văn sau 1975 xuất hiện để “giã từ những tín điều đã lỗi thời và tiếp thu tìm tòi những nguyên tắc nghệ thuật hiện đại”. Một vài khuynh hướng thiên về đổi mới hình thức nghệ thuật, lúc đầu cũng bị phê bình, nhưng dần được tiếp nhận.

Trong khi đó, nhà lý luận phê bình Đỗ Lai Thúy lại nhận định: “Sáng tác của thế hệ nhà văn sau 1975 đã nằm trong hệ hình văn học đương đại, nhưng nó chưa chiếm được vai trò chủ đạo”.

Như vậy, lĩnh vực sáng tạo không có điểm cuối, cái để lại là cái tốt, cái chất lượng đã được thời gian thẩm định. Đông đảo là thế mạnh nhưng không hẳn làm nên gương mặt và tầm vóc cá nhân lẫn thế hệ. Chỉ khi đạt được thành tựu thể loại, khi đó mới hoàn thành được sứ mệnh cao quý của văn chương. Như sự ví von của người điều hành hội thảo “Thành tựu riêng bầu lên mỗi cá nhân, thành tựu chung bầu lên một lớp người”.

Rõ ràng, bối cảnh sống, không gian văn hóa ảnh hưởng đến lối viết, tư duy nghệ thuật của mỗi lớp người. Thế hệ nhà văn sau 1975 mang giọng nói mới đầy quả cảm và hùng tâm tráng trí. Văn chương đã mạnh mẽ, thậm chí đến mê cuồng dấn sâu hơn vào cái ác, cái bạo lực đang bao trùm và nỗi lo âu, hoài nghi về sự sống và cái chết. Bằng những thành tựu phong phú của mình, thế hệ nhà văn sau 1975 đã kiến tạo nên một hệ giá trị mới, đưa lịch sử văn học Việt Nam sang một chương mới.

Thế hệ nhà văn sau 1975: 'Ra ngõ gặp anh hùng'

Thế hệ nhà văn sau 1975: 'Ra ngõ gặp anh hùng'

Hội thảo quốc gia 'Thế hệ nhà văn sau 1975' vừa được Trường ĐH Văn hóa Hà Nội tổ chức, đã khởi phát, định danh những gương mặt và thành tựu của lớp người sáng tác, được xem là thế hệ hậu chiến, thế hệ đương nhiệm.


Những nhà văn trẻ lớp sau mới xuất hiện như Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Quang Hưng, Vi Thùy Linh, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Thị Kim Hòa, Vũ Thiên Kiều, Chu Thị Minh Huệ, Di Li, Nguyễn Xuân Thủy… đã nhập cuộc một cách đầy năng lượng, tự tin dự phần vào đời sống văn học đương đại đang ráo riết cuộn chảy, sẵn sàng cuốn phăng đi tất cả những gì hư ảo, mong manh.

Bản tổng phổ nhiều bè, đa dạng các sắc thái và phong cách. Đó là sự tiếp nối của các thế hệ về lứa tuổi mà còn cho thấy dòng chảy liên tục trong tiến trình văn học. Những chặng đường, những khúc đoạn của đời sống thể loại, những làn sóng của sự đổi mới ở các mức độ và sắc thái khác nhau này cho thấy sự đồng hành và tiếp nối của các thế hệ cầm bút, trong đó mỗi chặng đường lại có những lực lượng viết mang tính lịch sử là “thế hệ đương nhiệm” (Lê Hương Thủy). Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận xét “Nhà văn dọn ra món tinh thần cho cả thời đại mình”.

Hội thảo đã kết, đường biên vẫn còn mờ, mặc dù thế hệ nhà văn sau 1975 đã tạo được dấu ấn riêng, độ phủ rộng, nhưng cuộc văn vẫn chưa ngã ngũ, nó đòi hỏi cuộc chạy tiếp sức bền bỉ của sức trẻ trong tương lai, như nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc đã viết “Đã cho anh chiếc lăng kính này đây/ để anh đủ sức đập vụn mình mà ghép lại/ nung chảy mình ra mà tìm lõi/ xé toang mình ra mà kết cấu”.

Khúc Link Hương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm