21/08/2019 11:09 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - 16 tuổi đã là đào chính, chưa đầy 5 năm đã gặt hái tất cả vinh quang với những giải thưởng danh giá nhất, có đủ nhà, xe, tiền gửi ngân hàng của riêng mình ở tuổi 20; là nghệ sĩ cải lương đầu tiên có học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học; vẫn duy trì được “độ hot” ở tuổi 75, ngay cả khi sàn diễn cải lương lạc nhịp thời đại từ lâu…
Có thể đúc kết thành tựu hơn 60 năm làm “người của cải lương” của NSND-TS Bạch Tuyết một cách ngắn gọn như thế. Vẫn giữ một thái độ an nhiên, NSND Bạch Tuyết cám ơn cuộc đời đã luôn ưu ái mình!
Muốn tồn tại phải tự đứng trên đôi chân của mình
NSND-TS Bạch Tuyết vẫn nhớ, chỉ sau một tuần chớm đi hát, vẫn còn biết bao bỡ ngỡ, non nớt, bà đã được lên báo lần đầu tiên với bài viết nhan đề “Có con chim lạ trong vườn văn nghệ”. Có sự khởi đầu quá thuận lợi khi vừa theo nghề đã trở thành đào chính, rất dễ khiến người ta tự mãn, thế nhưng cô “đào non” 16 tuổi ý thức rất rõ mình vẫn “chưa biết cái gì hết”.
“Thế là ngày ngày sau giờ tập tuồng, tôi lại bám theo các anh chị vũ nữ, quân sĩ, dàn bao để “học nghề”. Từng cái phác tay, phẩy quạt, bước đi uyển chuyển, từng động tác múa, vũ đạo… đều phải học, phải tập luyện hết. Chính nhờ những giờ tự học thêm đó, tôi tiến bộ nhanh và sau nửa năm đã thuần thục những kỹ thuật, trình thức hỗ trợ biểu diễn sân khấu. Bước ra sân khấu có tự tin mới có thể làm tốt và tiến tới sáng tạo cùng nhân vật” - NSND Bạch Tuyết kể.
Nhiều khán giả nhận xét, Bạch Tuyết không phải là cô đào đẹp nhất hay có giọng ca xuất sắc nhất nhưng những vai diễn của cô luôn có sức hút kỳ lạ. Người viết cho rằng phong thái tự tin, linh hoạt trong diễn xuất, luôn biết nắm bắt và đáp ứng cảm xúc của khán giả chính là “chìa khóa” để các nhân vật do Bạch Tuyết thủ diễn luôn có vị trí rất riêng trong lòng công chúng. Điều đó được đặt nền tảng từ chính sự ham học hỏi, rèn luyện không ngừng vốn được nữ nghệ sĩ ý thức từ rất sớm.
“Tôi mất mẹ sớm, chỉ mới 8 tuổi, rồi có thời gian ở trường nội trú của các sơ. Trong những lúc cô đơn, tôi chợt nghĩ cuộc sống này không có thứ gì tồn tại mãi mãi và mình cũng không có bất cứ thứ gì để vịn vào mà tồn tại. Vì thế, tốt nhất phải tồn tại trên chính đôi chân và cái đầu của mình!” - bà kể.
Năm 1965, ở tuổi 20, với vai Tần trong vở cải lương Tần Nương Thất và Lê Thị Trường An trong Tuyệt tình ca, Bạch Tuyết đoạt giải Xuất sắc Thanh Tâm - giải thưởng danh giá bậc nhất của sân khấu cải lương mà trước đó hai năm, cô đã đoạt giải Triển vọng. Soạn giả Hoa Phượng đã gọi Bạch Tuyết là “Cải lương chi bảo” - mỹ danh gắn liền với người nghệ sĩ từ thuở ấy đến nay.
Nữ nghệ sĩ cho rằng mình đã may mắn được là “một viên gạch trong tổng thể một công trình đẹp”: “Khán giả nhớ đến Bạch Tuyết là nhờ những vai diễn hay trong những tác phẩm hay - công trình lao động sáng tạo tập thể của những soạn giả bậc thầy, những nhạc sĩ tài hoa, những đạo diễn giàu kinh nghiệm, những nghệ sĩ tài năng và nhiều bộ phận khác. Và tôi may mắn được làm việc với những người rất giỏi để mình có thể cùng họ tỏa sáng”.
Nói về các vai diễn tạo dấu ấn sâu đậm như: Dương Vân Nga (Thái hậu Dương Vân Nga), cô Lựu (Đời cô Lựu), Kiều Nguyệt Nga (Lục Vân Tiên), Thúy Kiều (Trăng thề vườn Thúy)… NSND Bạch Tuyết cho biết mình luôn tự hào về các vai diễn đã thể hiện đúng tinh thần của nghệ thuật cải lương, đó là chống ngoại xâm và bảo vệ, giữ gìn văn hóa dân tộc, như ý đồ của cha ông gửi gắm khi cải lương ra đời.
“Rõ ràng nhất chính là trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” khi chiến tranh bảo vệ biên giới bùng nổ ở hai đầu đất nước năm 1979, sân khấu cải lương đã có những Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga bừng bừng khí thế cổ vũ tinh thần chống ngoại xâm. Ở giai đoạn nào cũng vậy, nghệ thuật cải lương cũng đáp ứng tinh thần thời đại rất dữ dội” - NSND Bạch Tuyết cho biết.
NSND Bạch Tuyết nhớ mãi lần diễn Thái hậu Dương Vân Nga (bản chuyển thể của soạn giả Hoa Phượng, đạo diễn Chi Lăng dàn dựng cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) ở Hà Nội, có 100 chiến sĩ vừa thắng trận ở Lạng Sơn trở về Thủ đô đến xem hát. “Đến đoạn: “Lê Hoàn, ta đứng đây đã thấy ngã ba sông, chảy trong óc trong tim trang sử tiên rồng. Thuyền xã tắc phân vân bề tiến thoái. Đất nước hỏi ai xứng là gạch nối để gắn liền hãnh diện giữa xưa sau… Lê Hoàn, có phải mới vào đây ông đã chào hỏi Nguyễn Lưu, Trần Đệ trong khi ta cùng bá quan lơ là với họ. Riêng khanh nhìn vào dân dã, tôn trọng những người chiến sĩ vô danh ngang với các bậc đại công thần”, thì toàn bộ các anh chiến sĩ đứng lên vỗ tay. Tôi vô cùng xúc động, càng thấy rõ những tác giả như Hoa Phượng là những con người ngoại hạng, họ vinh danh những con người vô danh nằm xuống cho đất nước này đứng lên. Tôi học được từ cải lương những điều đó, cũng cám ơn nghệ thuật cải lương những điều như thế!”.
Không có già hay trẻ, chỉ có thích nghi hay không
“Một cô đào hát 30 tuổi là đã thấy già trong mắt khán giả. Cho dù có giữ gìn được nhan sắc đến tuổi 40 thì với khán giả cô đào 20 tuổi vẫn là người trẻ. Mình không nên ảo tưởng rằng khán giả sẽ mãi thấy mình đẹp, sẽ nhớ mình hoài mà phải làm thế nào để thích nghi cùng thời đại. Vậy thì làm việc gì ở giai đoạn tiếp theo để thích nghi? Như là đạo diễn thì tuổi tác là thêm phần kinh nghiệm - một nghề “không già” để mình chuyển sang một mốc tuổi mới. Hay là việc đi dạy, đi giảng thì phải có bằng cấp đủ điều kiện để bước vào môi trường sư phạm, học thuật…” - NSND Bạch Tuyết đã suy nghĩ như thế ngay cả ở giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp.
Ít ai biết rằng nữ nghệ sĩ không đi hát liên tục, từng gián đoạn vài lần để… đi học, trong đó có khoảng 10 năm học tập ở nước ngoài. “Tôi không muốn một khán giả thích Bạch Tuyết hồi còn trẻ rồi về sau lại nhìn thấy Bạch Tuyết bệ rạc và không có sự tiến bộ nào. Khán giả trẻ sẽ có con, có cháu và tôi mong rằng con cháu họ vẫn thấy cô Bạch Tuyết ở thời điểm hiện tại vẫn xứng đáng với tình cảm của phụ huynh mình như nhiều năm trước. Tôi nghĩ rằng đó là sự tử tế, không nên làm người ta thất vọng” - NSND Bạch Tuyết bày tỏ suy nghĩ.
Với quan điểm đó, Bạch Tuyết đã mạnh dạn bước vào giảng đường đại học ở ngưỡng tuổi 40, theo đuổi đến nơi đến chốn việc học hành với bằng Cử nhân Ngữ văn Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn TP.HCM), tốt nghiệp đạo diễn Học viện Sofia Bulgary (1988) và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Nghệ thuật của Viện Hàn lâm Hoàng gia Kịch nghệ Anh với đề tài luận văn nghiên cứu về sự thích nghi của sân khấu truyền thống khu vực Đông Nam Á trong thời đại mới (1995).
Nhiều năm qua, khi sàn diễn cải lương gặp nhiều khó khăn, NSND Bạch Tuyết dường như “làm không hết việc” khi tham gia công tác giảng dạy cùng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, các trường đào tạo chuyên ngành văn hóa cũng như là diễn giả các chương trình giao lưu về văn hóa, nghệ thuật truyền thống với học sinh, sinh viên; rồi lại tất bật với vai trò “cầm cân nảy mực” trong các kỳ liên hoan, hội diễn, trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng mới cho sân khấu cải lương, như giải thưởng Trần Hữu Trang, Bông Lúa Vàng, cuộc thi Chuông vàng vọng cổ… và cả các gameshow truyền hình…
Mới đây nhất, NSND Bạch Tuyết nhận lời tham gia và làm cố vấn nghệ thuật cho chương trình nghệ thuật “Cải lương - Trăm năm nguồn cội”. Ở đó, bà là “bệ đỡ” vững chắc cho các bạn trẻ yêu quý cải lương và mong muốn làm cải lương đúng với tinh thần: “Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn minh” như ông cha mong muốn khi định hình nghệ thuật cải lương trên vùng đất Nam Bộ.
Và thỉnh thoảng, NSND Bạch Tuyết lại “làm nóng” các diễn đàn mạng khi cover các “hit nhạc trẻ” như: Em gái mưa, Lạc trôi, Đừng hỏi em, Chạm khẽ tim anh một chút thôi, Sống xa anh chẳng dễ dàng… theo phong cách cải lương. Với NSND Bạch Tuyết, không có già hay trẻ mà có thích nghi được với thời đại hay không!
Hỏi đáp Quá khứ - Hiện tại - Tương lai Hãy luôn làm cái mới * Bà có hài lòng với cuộc sống hiện tại không? - Ai cần gì làm nấy và đó là hạnh phúc! * Nếu được quay về thời đỉnh cao, bà sẽ làm gì? - Với người học Phật thì không có tư duy đó. Mỗi ngày của tôi là một cuộc sống mới mà mình háo hức, khao khát tham dự. Trong quá khứ, tôi đã làm tốt nhất những gì có thể rồi nên cũng không muốn bổ sung gì nữa. Nhà Thiền có câu: “Hôm qua xong rồi, ngày mai chưa tới”, cái huy hoàng của hôm qua làm nền tảng cho hôm nay nhưng ngày hôm nay phải làm điều gì đó để làm nền tảng cho ngày mai, vậy hôm nay hãy sống thật tốt! * Giờ đây, mong muốn lớn nhất bà dành cho những vai diễn để đời của mình là gì? - Cái hôm qua mình hay chưa chắc đem tới hôm nay vẫn còn hay, chưa kể tư duy thời đại đã khác. Cho nên ai nghĩ rằng mình hay, đã hay rồi và sẽ hay mãi mãi thì nói như đạo diễn Nguyễn Đình Nghi là người đó “có bịnh”. Một vở diễn người ta háo hức khi chưa ra mắt, khi đã ra mắt thì đó là một vở diễn cũ và người ta muốn xem một vở mới. Vì vậy, hãy luôn làm cái mới! Ở góc độ khác, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về nghề, về các vai diễn cho các bạn trẻ, việc đào tạo thế hệ kế thừa thay thế mình, giúp các nghệ sĩ trẻ có thêm nhiều cơ hội, có được vị trí tốt hơn vẫn là khát vọng của tôi! * Xin cảm ơn bà! |
Ninh Lộc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất