Thế nào là từ mới tiếng Việt?

06/02/2022 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Trong đại dịch covid-19 vừa rồi, có không ít từ mới xuất hiện (hoặc từ cũ mang nghĩa mới): coronavirus, covid-19, F0 (F1, F2, F3…), 5K, giọt bắn, di biến động, thu dung… Từ mới tiếng Việt quả là vấn đề có tính thời sự (không chỉ từ góc độ Ngôn ngữ học, mà còn từ góc độ Xã hội Tâm lí học).

Chữ và nghĩa: 'Biến thể' và 'biến thể Covid-19'

Chữ và nghĩa: 'Biến thể' và 'biến thể Covid-19'

“Biến thể” là một từ đã có trong giao tiếp tiếng Việt từ lâu. Đây là một từ Hán Việt 2 thành tố.

Từ điển tiếng Việt bản mới nhất (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) đã thống kê và giải nghĩa 46.890 mục từ được dùng hiện nay. Trong số đó có hơn 15.000 từ gốc Hán và gần 2.000 từ gốc Pháp...

Những từ đã trở thành tài sản của người Việt

Do hoàn cảnh lịch sử (cả một thời gian dài tới ngàn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ và sau đó là gần 100 năm dưới ách thống trị của Pháp), tiếng Việt đã nhập một số lượng lớn từ ngữ của hai dân tộc Hán và Pháp. Những từ này mới thực sự đã trở thành tài sản của người Việt (theo cách đọc, cách dùng của người bản ngữ).

Thực tế, có những từ bản thân tiếng Việt đã có. Nhưng có nhiều từ tiếng Việt chưa có (vì những sự vật, hiện tượng đó trước đó chưa xuất hiện trong đời sống của người Việt). Chẳng hạn, các từ Pháp như: ghi đông (guidon), phanh (frein), săm (chambre à air), com lê (complet), ca vát (cravate), lắc lê (la clé), lập là (le plat), bốt (botte), măng tô (manteau)… thì ta bắt buộc phải nhập vì rất khó tìm một từ mới biểu nghĩa phù hợp. (Có những trường hợp, có thể dùng từ Việt thay thế, như nhà vệ sinh thay cho toilet, chậu rửa thay cho lavabo, tập ảnh thay cho album, bột giặt thay cho xà phòng bột, viên cai đội thay cho sếp cẩm, khôn ranh thay cho ma lanh (malin), v.v.

Chú thích ảnh
“Từ điển tiếng Việt” bản mới nhất (Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng, 2020) đã thống kê và giải nghĩa 46.890 mục từ được dùng hiện nay

Nhưng nhiều khi giải pháp thay thế chưa chắc đã khả thi và phù hợp, nhất là nhiều từ thông dụng được quốc tế hóa (ngay trong giới báo chí, hiện tại vẫn dùng khái niệm tít (titre, title, nhiều hơn dùng tiêu đề, đầu đề, tựa đề…), sa pô (chapeau, thay cho tiểu dẫn), ma két (maquette, thay cho mẫu thiết kế, dự kiến cho hình thức trình bày bản in), măng sét (manchette, phần tên riêng của tờ báo in ở đầu trang nhất, thường được trình bày dưới dạng chữ lớn theo một cách thức sáng tạo), v.v...

Ngay đối với từ Hán Việt, ta cũng không dễ tìm từ thay thế. Bởi từ Hán Việt thường ngắn gọn, súc tích, có giá trị định danh cao, có khả năng tạo từ bởi có cấu trúc chặt chẽ (thật khó tìm được ba từ thay thế cho “độc lập”, “tự do”, “hạnh phúc”).

Những cuộc khảo sát từ mới

Từ (hay từ ngữ) mới luôn luôn xuất hiện trong tiếng Việt suốt chiều dài lịch sử. Nhưng phải nói, thời gian gần đây, trong xu hướng mở cửa hội nhập và hòa nhập, số lượng từ mới đã tăng lên với tốc độ đáng kể. Chính vì vậy, Viện Ngôn ngữ học và Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đã đầu tư nghiên cứu hiện tượng này trong nhiều năm nay. Công trình của Viện Ngôn ngữ học khảo sát từ mới tiếng Việt trong 10 năm bắt đầu thời kì đổi mới (1990-2000), còn công trình của Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam khảo sát, thống kê trong 10 năm tiếp theo (2000-2010).

Từ mới đang nói ở đây là từ mới trong giao tiếp toàn dân, không phải từ mới trong các lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, chuyên môn, nghề nghiệp…

Chú thích ảnh
Một số bản in “Từ điển Tiếng Việt” qua các năm

Hai công trình này đã khảo sát hầu hết các ấn phẩm được xuất bản ở Việt Nam trong vòng 20 năm trở lại đây (mà chủ yếu là thu thập qua kênh báo chí). 120 tờ báo chính được khảo sát, tập hợp được 45.000 ngữ cảnh tiêu bản để phân định xem những từ ngữ nào đã trở thành “nhân tố mới” trong ngữ vựng tiếng Việt.

Cũng phải nói rằng, đó là một công việc khó. Bởi ngôn ngữ phát triển theo sự biến thiên của lịch sử, và thường “chậm chân” hơn lịch sử. Nó có khi chìm vào giao tiếp lúc nào mà ta không dễ nhận ra nó xuất hiện đích xác vào lúc nào (đương nhiên, sự chính xác chỉ là tương đối). Đây là công việc đòi hỏi không chỉ công phu mà phải có phương pháp. Với nhà từ điển, việc xem xét và “nhập tịch” một từ mới với tư cách một thành viên trong “đại gia đình” từ ngữ tiếng Việt không thể là một công việc chủ quan, duy ý chí, cảm tính.

Các từ mới được giới thiệu phải đảm bảo các yêu cầu: 1) thực sự được coi là mới; 2) định hình về ngữ nghĩa và 3) đã xuất hiện trong giao tiếp thông qua kênh báo chí với tần số đủ lớn và được thử thách qua một thời gian nhất định (một từ mới xuất hiện, dù “hot” và gây ấn tượng đến mấy mà chưa qua thử thách cũng không được cấp “hộ khẩu thường trú”).

Nếu ta đặt tổ hợp từ mới trong vế đối lập với từ cũ, có thể ta sẽ có cách hiểu chưa thật chuẩn xác về cặp trái nghĩa này. Từ mới, tức là từ vừa phát sinh và được sử dụng gần với thời gian hiện tại nhất. Còn từ cũ, lại là những từ đã có nhưng thực tế rất ít được sử dụng (Những từ như can gián, càn khôn, gàn quải, kinh sư (kinh đô), nông phu, thái học sinh,... chẳng hạn. Trong nhiều từ điển, những từ như vậy còn được chú thêm là cũ, id. - ít dùng). Vậy từ mới ở đây phải được hiểu là “từ vừa xuất hiện được cộng đồng ngôn ngữ chấp nhận đưa vào giao tiếp”. Còn những từ không được coi là mới là những từ “đã được chấp nhận và vẫn đang sử dụng, được coi là một bộ phận trong vốn từ của ngôn ngữ đó”. Dĩ nhiên, thế nào là mới như cách hiểu ở trên cũng là một câu chuyện khá phức tạp.

Chú thích ảnh

5 tiêu chí từ mới của các soạn giả từ điển

Theo các soạn giả từ điển, có thể có một số tiêu chí để xác định từ mới tiếng Việt những năm vừa qua.

Thứ nhất, đó là những từ biểu thị các khái niệm, sự vật hoàn toàn mới. Đó có thể là những sự vật, hiện tượng chưa từng xuất hiện trong xã hội người Việt, nhưng cũng có thể xuất hiện với nội hàm ngữ nghĩa mới. Ví dụ: con chip, siêu thị, bao tiêu, hầm chui, không tặc, tin tặc, hooligan, hat-trick, ca ve, massage, gái gọi, tuổi teen, bê tông tươi, chữ kí tươi, tiền tươi (thóc thật), bản cứng/ bản mềm, photocopy, scanner, file, báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử/ báo mạng, thế giới ảo, sống ảo, v.v... Xin ví dụ một vài từ:

con heo d. và t. (kng.) (phim ảnh, sách báo, băng hình...) có tác dụng khiêu dâm, kích dục một cách bẩn thỉu, sa đọa. (từ này trước kia đã có, nhưng thực sự định hình về nét nghĩa và được sử dụng rộng rãi trong khẩu ngữ như một danh từ (hoặc tính từ)).

hot-girl d. cô gái trẻ, nổi bật về ngoại hình, có tài năng hoặc có năng lực riêng biệt, có sức hút và tạo được sự chú ý trước công chúng (cùng cặp còn có từ “hot-boy”)

gái gọi d. gái bán dâm, thường nhận yêu cầu phục vụ của khách hàng qua đường dây riêng (thường bằng điện thoại) (đối tượng hoạt động mại dâm trước đây đã có, nhưng sau này, khi công nghệ thông tin phát triển thì dịch vụ “đặt hàng qua hệ thống đường dây riêng” mới thực sự phát triển (phù hợp với tình hình, đảm bảo nhanh chóng, bí mật)).

Thống kê cho thấy, số lượng từ ngữ dạng này chiếm tỉ lệ khá lớn. Trong xu hướng giao lưu hội nhập, hòa nhập, Việt Nam đã nhanh chóng thích nghi, mở cửa để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hội nhập tức là “hòa mình trong một cộng đồng lớn” (Hội nhập với các nước trong khối ASEAN; Hội nhập cùng thế giới công nghệ), còn hòa nhập có nghĩa là “tham gia vào, hòa vào để không có sự tách biệt, lạc hậu”. Cuộc sống hiện tại đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp thích ứng nếu không sẽ bị lạc hậu và tụt hậu. Những từ mới, nhập từ tiếng nước ngoài hoặc được hình thành từ chính tiếng Việt đã nhanh chóng được chấp nhận.

Chú thích ảnh

Thứ hai, có nhiều từ được coi là mới, xuất hiện và được bổ sung do nhu cầu cần diễn đạt những sắc thái ngữ nghĩa, biểu thị tư tưởng, tình cảm, hành động... của con người một cách chính xác, tinh tế hơn. Chẳng hạn, một số từ:

lăn tăn t. 1. nhỏ, đều, có nhiều và chen sát nhau. Mưa lăn tăn. Mầm cải mọc lăn tăn; 2. Có nhiều gợn nhỏ hay tăm nhỏ nổi liên tiếp và chen sát nhau trên bề mặt. Mặt hồ gợn lăn tăn. Nồi canh sôi lăn tăn; 3. (kng.) Còn có những băn khoăn, suy nghĩ, chưa thật yên tâm, thoải mái. Nếu còn điều gì lăn tăn thì đừng quyết vội. Hình như cô ấy vẫn lăn tăn chưa nhận lời.

gạo cội t. 1. gạo tốt, còn nguyên hạt sau khi xay giã. 2. Người có tài năng, có trình độ cao, thuộc loại chủ chốt (thường nói về diễn viên hay vận động viên thể thao). Đó là một diễn viên gạo cội trong làng chèo (như vậy, nghĩa cũ của “gạo cội” gần như đã mất và thay thế bằng nghĩa mới).

Thứ ba, có một số từ thuộc phương ngữ, trước đây chỉ dùng hạn hẹp trong một số địa phương, vùng miền, bây giờ được sử dụng rộng rãi trong toàn quốc, thậm chí lấn át biến thể chính trong ngôn ngữ toàn dân. Chẳng hạn, chỉ (đồng cân, vàng), cây (lạng, vàng), gạch bông (gạch hoa), quậy (phá quấy), bột giặt (xà phòng bột), máy lạnh (máy điều hòa nhiệt độ), tiêu chảy (ỉa chảy), chích (tiêm), ngừa (phòng), v.v... Trong những trường hợp này, chủ yếu là do khi sử dụng, biến thể địa phương được coi là hợp lí hơn nên nhanh chóng được chấp nhận và thành biến thể chính (chẳng hạn, sau Giải phóng miền Nam 1975, ta đã thay tiểu khu thành phường, thay khu phố thành quận, cho ngắn gọn và thuần Việt).

Chú thích ảnh

Thứ tư, có nhiều từ cổ, từ cũ gần như chỉ xuất hiện trong văn bản ngày trước, bây giờ được dùng trở lại. Đó là các từ như: cử nhân (hiện tại dùng chỉ “người tốt nghiệp đại học các ngành không phải khoa học ứng dụng hoặc kĩ thuật”, trước kia dùng chỉ “học vị của người đỗ khoa thi hương, trên tú tài”); công chứng (sự chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm xác nhận về mặt pháp lí các văn bản, hoặc bản sao từ bản gốc, bản chính; trước đây dùng để chỉ “sự xác nhận của đại diện cơ quan công quyền về một sự kiện nào đó”).

Hoặc, một số từ ngữ cũ được dùng với sắc thái nghĩa mới. Chẳng hạn: cập nhật đg. hay t., có 2 nghĩa (nhưng nghĩa 1 là chủ yếu): 1. thay đổi và/hoặc bổ sung các thông tin cho phù hợp với thực tế hiện tại. Cập nhật thông tin về dự án; Dù xa cách, chúng tôi vẫn cập nhật thông tin về nhau. 2. (cũ, gần như ít dùng) thay đổi và/ hoặc bổ sung kịp thời từng ngày một, không để chậm sang ngày hôm sau; khiêm tốn t., có 2 nghĩa: 1. có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự đề cao, không kiêu căng, tự phụ. Anh ta vốn là người hào nhã, khiêm tốn. 2. ít ỏi, nhỏ bé, không đáng kể. Đồng lương quá khiêm tốn; Nó có chiều cao khiêm tốn; Nói chung thành tích chỉ ở mức khiêm tốn, v.v...

Thứ năm, các từ mới xuất hiện, được dùng nhờ phương thức ẩn dụ, hoán dụ, dùng với nghĩa bóng hoặc chuyển nghĩa. Chẳng hạn nhiều từ mang tính khẩu ngữ: chợ cóc d. chợ nhỏ, chợ tạm, thường họp một cách tự phát, không cố định một chỗ, trong thời gian ngắn; cơm bụi d. cơm bình dân, thường bán trong hàng quán nhỏ, tạm bợ, sơ sài; xe bãi d. xe cũ ở các bãi thải công nghiệp được nhập về để sử dụng lại; v.v...

Có thể nói, còn một số cách thức tạo từ mới tiếng Việt nữa, nhưng với những cách thức như vừa điểm (còn sơ bộ), tiếng Việt những năm vừa qua đã được bổ sung một lượng từ đáng kể (thống kê qua 2 công trình vừa kể trên là khoảng hơn 4.000 từ). Về nguồn gốc, có hai xu hướng tạo từ: nội sinh (từ bản thân tiếng Việt) và ngoại nhập (từ tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh). Những cứ liệu thống kê được thực hiện chủ yếu qua kênh báo chí - truyền thông. Trong đại dịch covid-19 vừa rồi, có không ít từ mới xuất hiện (hoặc từ cũ mang nghĩa mới): coronavirus, covid-19, F0 (F1, F2, F3…), 5K, giọt bắn, di biến động, thu dung…

Lời kết

Từ mới tiếng Việt quả là vấn đề có tính thời sự (không chỉ từ góc độ Ngôn ngữ học, mà còn từ góc độ Xã hội Tâm lí học), cần quan tâm dưới góc độ hình thái học tạo từ và những vấn đề ngôn ngữ học xã hội liên quan. Tất nhiên, còn rất nhiều vấn đề phải nghiên cứu thêm về xu hướng gia tăng của các từ mới tiếng Việt, những nhân tố chi phối sự hình thành. Điều này còn phụ thuộc vào các ngữ liệu khảo sát tiếp theo. Thực tế, có nhiều từ mới xuất hiện nhưng không tồn tại lâu, “tuổi thọ” của chúng không cao và các từ này có thể biến mất qua thời gian.

PGS-TS Phạm Văn Tình
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm