17/08/2021 14:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Tin giọng vàng opera Quốc Trụ đã “tạ mùa đi” vào trước 0h ngày 15/8/2021 tại TP.HCM đã khiến lòng tôi ngơ ngác. Vậy là lại thêm một tài năng ca hát Việt rời xa dương thế.
Đúng nửa tháng ngày anh ruột tôi - kiến trúc sư Nguyễn Đăng Sơn ra đi thọ 87 tuổi. Quốc Trụ thì thọ 81 tuổi. Điều an ủi duy nhất là dù sao các ông cũng đã được hưởng thọ ở tuổi đầy đủ “Phúc - Lộc - Thọ - Khang - Ninh”.
1. Tên tuổi Quốc Trụ đã được biết đến ở Hà Nội từ khi nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch công diễn vở nhạc kịch Evgeny Onegin của Tchaikovsky (từ truyện thơ Puskin) vào đêm 15/5/1961. Khi ấy Quốc Trụ đã vào tuổi đôi mươi. Trong vở nhạc kịch này giọng nam trung (nghiêng về trầm) Quốc Trụ sắm vai sĩ quan Petrovic. Nghệ sĩ Thanh Đính, người đóng vai Pháp kiều Trique, từng trầm trồ với tôi “Quốc Trụ vào vai nhập lắm”.
Vài năm sau, đêm 18/12/1964 cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quốc Trụ lại sắm vai Sonjonsic trong vở opera Núi rừng hãy lên tiếng của Triều Tiên để chào đón Chủ tịch Kim Nhật Thành của CHDCND Triều Tiên sang thăm Việt Nam. Nghệ sĩ Quý Dương người sắm vai chính Choi Bing Hun cũng khen nắc nỏm: “Quốc Trụ như sinh ra để hát vai này”.
Ngay năm sau, ngày 9/9/1965, Quốc Trụ lại sắm vai Tri châu Đèo Văn Hung trong vở opera Việt Nam đầu tiên Cô Sao của Đỗ Nhuận. Chính Đỗ Nhuận và báo chí ngày đó rất khen vai diễn này. 3 năm sau, ngay mùa Xuân năm 1968, ngày 26/1, Quốc Trụ lại vào vai Ma Tông trong opera Bên bờ Krông Pa của Nhật Lai. Nhà báo Chính Yên ngày đó đã viết về vở nhạc kịch đó và về Quốc Trụ trên báo Nhân dân như sau: “Quốc Trụ trong vai cụ già Ma Tông hát rong nồng nàn yêu nước đã có nhiều cố gắng tìm tòi suy nghĩ”.
Có lẽ nhờ những đóng góp ấy, năm 1969 Quốc Trụ đã được cử sang tu nghiệp thanh nhạc ở nhạc viện Sophia - Bulgaria. Khi về nước vào năm 1976, Quốc Trụ đã vào công tác tại Nhạc viện TP.HCM. Nghĩ mình đã được học đầy đủ kỹ thuật thanh nhạc tầm cỡ thế giới, Quốc Trụ quyết định không làm diễn viên nữa mà đầu tư vào công tác giảng dạy. Ông trở thành người sáng lập ra Khoa Thanh nhạc, Nhạc viện TP.HCM và giữ chức danh trưởng khoa thanh nhạc lâu nhất, suốt 25 năm (từ 1976 đến 2001).
Nữ ca sĩ Thiên Tân (phu nhân của nhạc sĩ giao hưởng Võ Đăng Tín) nói rằng vì ý nguyện của thầy Quốc Trụ về giảng dạy thanh nhạc, bà cũng thôi mộng làm diễn viên mà chỉ làm giảng viên, cùng thầy Quốc Trụ gánh vác khoa Thanh nhạc cho đến khi về hưu. Suốt những năm tháng miệt mài trên bục giảng, Quốc Trụ đã đào tạo ra bao gương mặt ca sĩ nổi tiếng như NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Thanh Thúy, ca sĩ Cao Minh, Nam Khánh, Mỹ Tâm, Hiền Thục... và những thạc sĩ thanh nhạc như Khánh Trang, Ngọc Thúy, Ngô Công Lâm...
2. Tôi được duyên nghe Quốc Trụ hát ngay tại công ty Joton của ông bạn Lê Quân. Ở chỗ Lê Quân có cả piano à quere. Bữa ấy nhậu, hứng lên, Quốc Trụ đã hát Trở về Soriento và Chiều hải cảng do nhạc sĩ Huy Tiến đệm rất phóng túng. Giọng vàng Quốc Trụ đúng là để hát bel canto thính phòng. Một giọng kén người nghe.
Vài năm trước, tôi lại có duyên ngồi nhậu cùng Quốc Trụ ở một quán tại Gò Vấp gần nhà ông. Hóa ra nhà ông và nhà anh Nguyễn Đăng Sơn - anh cả tôi - rất gần nhau, gần Quân y viện 175. Bữa đó tôi ngồi cạnh ông. Ông đang rất vui nói về chương trình mà Nhạc viện TP.HCM tổ chức vinh danh ông với tên gọi NSƯT Quốc Trụ - hơn nửa thế kỷ biểu diễn và giảng dạy. Ông nói, hôm ấy ông đã hát như thanh xuân dù đã gần “bát tuần”. Tuy nhiên ông vẫn tâm niệm “phần thưởng cao quý của tôi không phải là hào quang của nghề mà chính là những học trò của tôi”.
Chuyện nghề xong thì lại nói sang chuyện đời. Ông cười mà rằng ông cũng thuộc loại “ngày lắm mối, tối nằm không”. Có phải đấy là số phận như số phận của Đạm Tiên trong Truyện Kiều? “Hại thay thác xuống làm ma không… nàng?” - Tôi hỏi lại bằng chút khôi hài. Ông vẫn cười: “Thôi mặc số phận. Cứ sống đến cùng”. Bữa đó, ông cũng ngà say. Bữa đó, cũng là lần chót tôi “diện kiến” cùng ông.
Nghe tin ông ra đi tôi có cảm giác như bên tai còn âm vang giọng hát của ông với Trở về Soriento và Chiều hải cảng. Trở về thì cũng là trở về “cát bụi” mà ra đi thì cũng là “ngày mai ta sẽ vắng xa khơi”. Đời người mà ai tránh được cái vòng quay sinh - tử - sinh, phải không ông Quốc Trụ? Cầu mong ông ra đi, tuy cô đơn mùa dập dịch, nhưng vẫn chóng siêu thoát, chóng đầu thai về dương thế. Biết đâu, kiếp sau, ông sẽ giọng vàng rực sáng hào quang trên sàn diễn.
Nguyễn Thụy Kha (nhà thơ, nhạc sĩ)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất