Thể thao Việt Nam hậu Olympic Paris 2024: Con đường nào cũng khó!

29/08/2024 05:48 GMT+7 | Thể thao

Trong lần trả lời truyền thông mới đây, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương đã nhận định: VĐV của Việt Nam vẫn còn khoảng cách xa so với trình độ thế giới nên khả năng tranh chấp huy chương ở tầm Olympic là vô cùng khó khăn. Kế đến, việc đầu tư cho những mục tiêu lớn cần phát huy nhiều hơn nữa vai trò của các liên đoàn, hiệp hội để giảm gánh nặng từ ngân sách.

Sau các thất bại quá rõ ràng ở ASIAD năm ngoái và Olympic 2024, bên cạnh những góc nhìn bi quan về thành tích, thì điều tích cực là chưa bao giờ thể thao Việt Nam(TTVN) có những góc nhìn, cách tiếp cận trực diện với những vấn đề nội tại của mình như thời điểm này.

Việc không né tránh những tồn tại của nền thể thao đã được lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước cho thấy chúng ta có quyết tâm thay đổi, nhưng khó khăn cũng rất rõ ràng: Khá bế tắc về mặt giải pháp.

Lấy ví dụ về "thần đồng cầu lông" Nguyễn Thị Thu Huyền vừa giành ngôi quán quân U15 châu Á khi đang ở tuổi 13. Chúng ta nhìn thấy được các tố chất tốt của VĐV trẻ này, thành tích quốc tế cũng đã có, thế nhưng câu hỏi đặt ra đó là làm sao vun dưỡng tài năng trẻ này trở thành một ngôi sao quốc tế? Lộ trình ra sao? Đơn vị nào chịu trách nhiệm? Đầu tư bao nhiêu tiền và lấy từ đâu?

Thật ra những trường hợp như Nguyễn Thị Thu Huyền, được nhìn thấy tiềm năng từ sớm, không hiếm nhưng thông thường thì càng lên đỉnh cao thì tốc độ phát triển càng chậm do những tồn tại trong đầu tư tài năng của TTVN. Cụ thể như môn cầu lông, một môn chơi chúng ta có thể tiếp cận được với trình độ thế giới, nhưng hiện không có cơ sở huấn luyện hiện đại, chuyên biệt đẳng cấp nào. Chúng ta có thể gửi 1 - 2 VĐV đến các quốc gia mạnh về môn này để tập huấn dài hạn, nhưng như thế vẫn phải tốn rất nhiều tiền.

Khi con đường nào cũng khó - Ảnh 1.

Cầu lông là môn Olympic hiếm hoi mà thể thao Việt Nam có thể vươn tầm thế giới nhưng chúng ta vẫn chưa làm được dù không thiếu tài năng, chẳng hạn như Thùy Linh. Ảnh: Hoàng Linh

Trong khi đó, hoạt động của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam hiện cũng chỉ dừng ở mức độ tổ chức giải đấu, vận động kinh phí hỗ trợ cho VĐV khi thi đấu nước ngoài. Thế nên, trường hợp như Nguyễn Thị Thu Huyền cũng khó có một lộ trình nào bảo đảm cô sẽ trở thành ngôi sao quốc tế.

Ngân sách Nhà nước vẫn đang chi ra cho công tác đầu tư các môn trọng điểm, nhưng thông thường đây là con số cố định hằng năm. Trong khi đó, chi phí hàng năm cho VĐV tài năng thì lại biến động liên tục, căn cứ vào nhu cầu từng thời điểm.

Điều đó buộc các đơn vị quản lý VĐV hay các liên đoàn, hiệp hội phải có khả năng tài chính dồi dào, tiền trong tài khoản lúc nào cũng có để đáp ứng. Mà để có nguồn tiền như vậy, thì phải kinh doanh được, thu hút tài trợ tốt …

Như nhận định của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, để đào tạo lực lượng VĐV trọng điểm cho ASIAD, Olympic thì cần có nguồn lực tương xứng để phát huy hiệu quả. Chung quy thì vẫn là bài toán tài chính.

Trước mặt là làm sao nâng cao hiệu quả của các tổ chức xã hội trong việc vận động nguồn lực tư nhân, còn lâu dài vẫn là câu chuyện về "nhà nghề hóa" các môn thể thao có tính phổ biến cao, là hoạt động xổ số thể thao hợp pháp… để có nguồn bổ sung dài hạn và đều đặn vào ngân sách chung.

Cứ lấy bóng đá làm ví dụ. Không tính phần CLB chuyên nghiệp, thì công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam hiện nay phần lớn đến từ nguồn tài chính tư nhân. Đó là các khoản tài trợ ở những giải U, là khoản đóng góp trích từ doanh thu hàng năm của Công ty VPF, là tỷ lệ cố định được lấy từ nguồn thu quảng cáo của đội tuyển quốc gia nam.

Đa dạng như thế mà bóng đá trẻ Việt Nam vẫn còn đang khủng khoảng kế thừa, vẫn cần thêm nguồn lực dành riêng cho đầu tư vào công tác đào tạo…

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm