Thể thao Việt Nam và những năm Mão

22/01/2023 06:17 GMT+7 | Thể thao

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và cũng từ mùa Xuân năm Ất Mão lịch sử đó, thể thao Việt Nam hòa chung cùng sức mạnh của đất nước để vươn lên tầm quốc tế và trong suốt chặng đường gần nửa thế kỷ ấy, mỗi năm Mão là 1 dấu ấn...

1. Ất Mão 1975 và đoàn cán bộ "tiếp quản thể thao miền Nam"

  Vào thời điểm này do tình hình của đất nước nên thể thao 2 miền Bắc và Nam có sự phát triển tương đối khác biệt. Miền Bắc định hướng và tổ chức 8 môn thể thao cơ bản gồm: Điền kinh, Bơi lội, Thể dục dụng cụ, Bắn súng, Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn và Bóng rổ, đặt nền móng của sự phát triển của thể thao đỉnh cao sau này. Còn miền Nam đã có những VĐV giành kết quả cao ở SEAP Games (tên gọi cũ của Đại hội thể thao Đông Nam Á), Asian Games (Đại hội thể thao châu Á) và tham gia cả Thế vận hội Olympic.

 Tuy nhiên, năm Ất Mão 1975 cũng có nhiều sự kiện rất đáng nhớ với thể thao nước nhà gắn cùng tiến trình lịch sử. Đó là vào lúc 3h sáng ngày 24/6/1975, 42 cán bộ thể dục thể thao sau 20 ngày dự lớp bồi dưỡng tổ chức tại sân Hàng Đẫy (Hà Nội) đã lên đường thực hiện nhiệm vụ quan trọng - Tiếp quản thể thao miền Nam.

  Theo lời kể của những người đi trước, sau khi qua cầu Hiền Lương, đoàn bắt đầu "rải quân" tiếp quản các cơ sở thể thao tại Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa… và đúng 18 giờ chiều 29/6/1975 có mặt tại Sài Gòn với 16 cán bộ nhận nhiệm vụ tiếp quản thể thao thành phố. Và cũng chỉ 4 tháng sau, Sở TDTT được thành lập  khi ấy còn mang tên Sài Gòn - Gia Định, đặt nền móng cho sự phát triển của thể thao TP.HCM và cả khu vực phía Nam sau này.

 Một hoạt động thể thao ý nghĩa khác góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, mang cuộc sống bình thường trở về miền Nam cũng diễn ra trong năm 1975. Vào ngày 2/9, tức chỉ sau hơn 4 tháng đất nước thống nhất, trận bóng đá đầu tiên được tổ chức trên sân Cộng Hòa (tên cũ của sân Thống Nhất) với sự tham gia của cầu thủ 2 đội Hải Quan và Ngân hàng, các đội bóng miền Nam cũ. Trận đấu mà thế lực thù địch tuyên truyền rằng của "máu và nước mắt", của 1 ngày thảm sát... nhưng hôm ấy, bóng đá đã chiến thắng để khẳng định cho giá trị của hòa bình, hòa hợp và thống nhất.

(bao tet)Thể thao Việt Nam và những năm Mão - Ảnh 1.

Từ những trận cầu lịch sử đến những chiến thắng vang dội trên đấu trường quốc tế, thể thao Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Ảnh" TTXVN

 2. Đinh Mão 1987 và bước chuẩn bị cho ngày trở lại đấu trường quốc tế

  12 năm đi qua và lúc này, dù còn nhiều khó khăn thời hậu chiến cùng chế độ bao cấp, nhưng thể thao nước nhà đã thực sự hồi sinh mạnh mẽ, hệ thống các giải đấu đỉnh cao đã diễn ra thường niên, nhiều đội tuyển, đoàn thể thao Việt Nam đã được thành lập tham dự các sự kiện thể thao quốc tế lớn.

 Năm 1980, với sự giúp đỡ của Liên Xô (cũ), lần đầu tiên đoàn thể thao của nước CHXHCN Việt Nam tham dự Thế vận hội Olympic Moskva. Đến năm 1995, lần đầu tiên Đại hội thể thao toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội để trở thành cuộc tổng duyệt về lực lượng, chuyên môn lớn nhất trong lịch sử. Vào năm 1983, Hội khỏe Phù Đổng - Ngày hội thể thao lớn nhất dành cho lứa tuổi học sinh cũng được tổ chức.... Đáng chú ý, lần đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, xạ thủ súng ngắn Nguyễn Quốc Cường đã giành tấm huy chương đầu tiên về cho thể thao Việt Nam khi giành hạng 3 tại Asian Games 1982 ở New Delhi (Ấn Độ).

 Quan trọng hơn, nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1987, Đảng và Nhà nước ta xác định phát triển thể thao lên tầm cao mới: "Chú trọng các bộ môn phù hợp với điều kiện nước ta để từng bước nâng lên trình độ quốc tế; hết sức quan tâm bồi dưỡng năng khiếu". Đây cũng là thời điểm, kế hoạch trở lại SEA Games bắt đầu được ngành thể thao triển khai và chỉ sau 2 năm, tại SEA Games 1989 ở Malaysia, đoàn thể thao Việt Nam chính thức có mặt và giành được 3 HCV - 11 HCB - 5 HCĐ xếp thứ 7/9  toàn đoàn.

3. Kỷ Mão 1999 và đỉnh cao của chiến dịch "đi tắt, đón đầu"

  Bằng chiến dịch "đi tắt, đón đầu", cụ thể là bên cạnh những thế mạnh cũ như: Bắn súng, võ thuật, cờ... thể thao Việt Nam trong thập niên 90 còn tích cực du nhập và phát triển những môn thể thao phù hợp, có khả năng tranh chấp huy chương. Bằng cách làm này, từ lần trở lại SEA Games vào năm 1989, đến SEA Games 1997 tại Indonesia, thành phần của đoàn thể thao Việt Nam đã tăng lên tới 397 VĐV tranh tài ở 24/34 môn của đại hội, chung cuộc giành 35 HCV, 48 HCB và 50 HCĐ để vươn lên hạng 5 toàn đoàn.

 SEA Games Kỷ Mão 1999 lần đầu tiên được tổ chức tại Brunei và dù nước chủ nhà với điều kiện của mình thu hẹp đáng kể quy mô tổ chức thi đấu (chỉ với 21 môn), nhưng thể thao Việt Nam vẫn duy trì được thứ hạng của mình bằng thành tích 18 HCV - 20 HCB - 28 HCĐ. Đây còn là kỳ SEA Games thứ hai sau năm 1995, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam lọt vào đến trận chung kết, dù vẫn để thua Thái Lan 0-2.

Điều đáng nói là sau kỳ SEA Games này, thể thao Việt Nam hướng tới chiến lược phát triển mới, đó là tập trung vào công tác đào tạo trẻ ở những môn thể thao trong chương trình Olympic, nhằm tạo ra sự phát triển bền vững hơn thông qua việc tổ chức "Chương trình mục tiêu" đào tạo VĐV và thực hiện "Chương trình quốc gia về thể thao". Ngoài ra, bên cạnh việc tham dự SEA Games, thì cũng từ năm 1999, thể thao Việt Nam xúc tiến để xin đăng cai tổ chức ngày hội thể thao lớn nhất khu vực. Để rồi tới năm 2003, khi lần đầu là chủ nhà, đoàn thể thao Việt Nam đã vươn lên vị trí số 1 của SEA Games 22.

(bao tet)Thể thao Việt Nam và những năm Mão - Ảnh 2.

ASIAD 19 hoãn lại 1 năm vì dịch Covid-19 và đây cũng là Đại hội thể thao quốc tế lớn nhất mà đoàn Việt Nam tham dự trong năm 2023

 4. Tân Mão 2011 và "cú nổ" mang tên VPF

 Đấu trường chính của thể thao Việt Nam trong năm 2011 cũng là SEA Games 26. Về mặt tổng thể, thể thao nước nhà đã vượt xa mục tiêu đề ra là 70 HCV, khi giành tới 96 HCV cùng 92 HCB, 101 HCĐ để đứng vững trong Top 3 thể thao Đông Nam Á. Ngoài ra còn là những kỳ tích mới của Lê Quang Liêm khi vững ngôi Á quân giải Siêu đại kiện tướng Dortmund; Nữ tuyển thủ Phan Thị Hà Thanh lần đầu giành HCĐ giải vô địch thể dục dụng cụ thế giới; "Cô gái vàng" Trương Thanh Hằng giành HCV chạy 800m giải châu Á... 

 Dù vậy, năm 2011 dấu ấn đáng kể lại thuộc về bóng đá. Đội tuyển U23 nam trắng tay rời SEA Games 26 khi để thua đậm 1-4 trước U23 Myanmar trong trận tranh hạng 3, chưa kể trong trận thắng U23 Lào ở vòng bảng, nhiều tuyển thủ có thái độ thi đấu khó hiểu. HLV người Đức, ông Falko Goetz với bản CV hoành tráng đã phải ra đi chỉ sau 6 tháng, còn Tổng thư ký VFF khi ấy, ông Trần Quốc Tuấn đã quyết định nộp đơn từ chức (lần thứ ba) và được chấp nhận.

 Thất bại của đội U23 cũng là một trong nhiều yếu tố để thúc đẩy nhanh hơn nữa sự hình thành và ra đời của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sau vụ "cướp diễn đàn" của bầu Kiên  hướng vào trách nhiệm VFF, khả năng điều hành giải yếu kém, những biểu hiệu tiêu cực của lực lượng trọng tài làm ảnh hưởng niềm tin của người hâm mộ… 

Những sự kiện đáng chú ý của Thể thao Việt Nam năm Quý Mão 2023

1. SEA Games 32: Diễn ra từ ngày 5 đến 17/5/2023 tại Campuchia.

2. Đại hội thể thao châu Á ASIAD 19: Diễn ra từ ngày 23/9 đến 8/10/2023 tại Hàng Châu, Trung Quốc.

3. Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á Asian Para Games 2023: Diễn ra từ ngày 22 đến 28/10/2023 tại Hàng Châu, Trung Quốc.

4. Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 2023: Diễn ra từ ngày 17 đến 26/11/2023 tại Bangkok và Chonburi, Thái Lan.

5. VCK Giải bóng đá vô địch châu Á ASIAN Cup 2023: Diễn ra từ tháng 12/2023 đến tháng 1/2024 tại Qatar. 6. VCK FIFA World Cup nữ 2023: Diễn ra từ ngày 20/7 đếnn 20/8 tại Australia và New Zealand

 

Vũ Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm