Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic: Sức chứa sân Việt Trì và tầm nhìn thể thao

17/01/2025 05:25 GMT+7 | Thể thao

Dự kiến năm 2025, tỉnh Phú Thọ sẽ cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất Khu liên hợp TDTT và sân vận động Việt Trì lên sức chứa 30.000-35.000 chỗ (hiện nay 20.000 chỗ), tiếp tục đáp ứng tiêu chuẩn tổ chức các trận đấu, giải đấu quốc tế của bóng đá Việt Nam. Nếu hoàn thành, đây sẽ là sân bóng có sức chứa lớn nhất Việt Nam chỉ sau sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

1. Ngày 15/1/2025, UBND tỉnh Phú Thọ đã có buổi làm việc với VFF. Tại đây, ông Bùi Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã đánh giá rất cao sự tin tưởng của VFF khi lựa chọn sân Việt Trì để tổ chức các trận đấu sân nhà của đội tuyển Việt Nam tại ASEAN Cup 2024. Trước đó, sân Việt Trì được xem là "sân nhà" của đội U23 Việt Nam, kể từ thành công tại SEA Games 31 mà Phú Thọ là nơi đăng cai các trận bóng đá nam.

Theo thông tin từ báo Phú Thọ, trong các ngày diễn ra trận đấu của ASEAN Cup, có trên 70.000 lượt CĐV và du khách về tham dự, khoảng 12.600 lượt người lưu trú, doanh thu du lịch ước đạt 50 tỉ đồng. Cú hích kinh tế chưa quan trọng bằng hình ảnh của sân Việt Trì cũng như tỉnh Phú Thọ được biết đến một cách rộng rãi. Đây là cơ sở để tỉnh tính đến việc đầu tư thêm vào cơ sở vật chất thể thao tại đây.

Chưa tính sân Thái Nguyên đang ở giai đoạn hoàn thiện, thì sân Việt Trì chính là sân bóng đá đạt tiêu chuẩn quốc tế mới nhất được xây dựng tại Việt Nam tính từ… năm 2010, khi sân Hòa Xuân, Đà Nẵng với sức chứa vào khoảng 20.000 khánh thành nhân dịp Đại hội TDTT toàn quốc và sau đó trở thành sân nhà của SHB Đà Nẵng.

Con số ít ỏi về các sân bóng xây mới cũng như sức chứa có phần khiêm tốn của nó cho thấy những tồn tại về cơ sở vật chất cho bóng đá nói riêng và thể thao thành tích cao Việt Nam nói chung vẫn chưa có triển vọng sáng sủa. Sức chứa của một sân bóng đá có liên quan nhiều đến vốn đầu tư cũng như dự báo về mức độ thu hút khán giả. Tức là khi số sân bóng xây mới quá ít, sức chứa không lớn, cũng có nghĩa câu chuyện kiếm tiền – tiêu tiền của bóng đá và thể thao vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Nhưng câu chuyện của tỉnh Phú Thọ cho thấy một khía cạnh khác. Một địa phương hiện vẫn chưa có CLB bóng đá chuyên nghiệp nhưng vài năm trước đã đầu tư một sân bóng hiện đại để tổ chức thi đấu quốc tế, và nay sẵn sàng nâng sức chứa, thể hiện một tư duy rất đáng hoan nghênh.

Thứ nhất, việc đầu tư cho các công trình trăm năm thì không thể tính toán theo tầm nhìn ngắn hạn. Không thể vì địa phương chưa có đội bóng đá V-League thì chỉ cần một sân chừng 5-10.000 chỗ ngồi là xong. Không làm sân bóng hiện đại, thì cơ sở nào để đăng cai SEA Games hay ASEAN Cup để rồi mới hưởng lợi từ hiệu ứng của thành công?

Kế đến, là sự năng động của chính quyền, những "ông chủ" của cơ sở vật chất thể thao hiện đại này. Đích thân vị Chủ tịch tỉnh đến gặp VFF để "vận động" cho các sự kiện kế tiếp của đội tuyển quốc gia.

Điều này rõ ràng cũng gây không ít "áp lực" cho các địa phương từng tổ chức các trận đấu của đội tuyển Việt Nam như Hải Phòng, Nam Định. Thậm chí, chính sân vận động quốc gia Mỹ Đình hiện cũng đang ở thế khó, vì trong khi nơi này không thể cho VFF thuê để tổ chức ASEAN Cup 2024 thì Việt Trì lại làm rất tốt, chưa kể các sự kiện mà nơi này đăng cai đã đem đến "vận son" khi U23 Việt Nam đoạt HCV SEA Games, đội U23 giành quyền dự U23 châu Á hồi năm 2023 và mới nhất là chức vô địch ASEAN Cup 2024.

2. Với đất nước 100 triệu dân, bóng đá là môn thể thao "quốc dân" thế mà sân vận động quốc gia cũng chỉ dừng ở mức 35.000 chỗ ngồi, đã thế còn là sân duy nhất đạt đến sức chứa này, rõ ràng là những con số đáng để suy ngẫm.

Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic: Sức chứa sân Việt Trì và tầm nhìn thể thao - Ảnh 1.

Sân Việt Trì rất có duyên với những giải đấu quốc tế gần đây của các cấp độ ĐTQG Việt Nam. Ảnh: Kim Như

Chưa hết, đô thị đông dân nhất nước là TP.HCM hiện chỉ còn duy nhất sân Thống Nhất là đủ tiêu chuẩn tổ chức các trận đấu V-League, nhưng chính sân bóng này đang xuống cấp trầm trọng. Thành phố vừa duyệt hơn 150 tỷ đồng để nâng cấp, nhưng về bản chất thì đây vẫn là một sân bóng quá cũ, không còn khả năng tổ chức các sự kiện quốc tế lớn với những yêu cầu khắt khe.

"Thủ phủ" miền Tây, thành phố trực thuộc trung ương là Cần Thơ, hiện cũng ở tình trạng tương tự. Sân cũ thì quá cũ, sân mới thì chưa biết bao giờ xây. Ngay như Đà Nẵng, sân Hòa Xuân cũng chỉ dừng ở tầm vóc quốc gia. Có "cố" tổ chức bóng đá quốc tế thì cũng là đủ tiêu chuẩn tối thiểu, hoàn toàn không tương xứng với vị thế của thành phố cũng như một trung tâm thể thao quốc gia.

Tài chính là một vấn đề. Ví dụ như dự án sân bóng trung tâm ban đầu là 80.000 chỗ, sau rút xuống còn khoảng 40-50.000 chỗ ngồi thuộc khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, TP.HCM thì vẫn không thể thu hút được nhà đầu tư bên ngoài.

Trong khi đó, bài toán "hậu sự kiện", tức là các chi phí vận hành và hoạt động khai thác thương mại, thì gần như không có đáp án hiệu quả nên việc sử dụng vốn đầu tư công luôn ở trong tình trạng cân nhắc, "nâng lên, đặt xuống" mãi cũng hơn 2 thập niên mà vẫn chưa xong.

Nhưng câu chuyện từ Phú Thọ lại mang một tư duy khác. Không thể lấy các bài toán kinh tế để đo lường giá trị của các công trình thể thao có đẳng cấp. Một sân bóng hiện đại, kiến trúc đẹp và sức chứa lớn nhiều hay ít cũng làm tăng giá trị hình ảnh cho địa phương, thể hiện được tham vọng vươn tầm của thể thao tỉnh nhà, đồng thời cũng là cơ sở để thiết kế các chiến lược dài hạn, đặc biệt là bóng đá. Nói cách khác, xây một sân bóng có sức chứa 40-50.000 chỗ ngồi thì không thể tính toán dựa trên hy vọng bất kỳ trận đấu nào cũng phải được lấp đầy, hoặc dùng doanh thu từ bán vé, cho thuê sự kiện để bù cho chi phí vận hành.

3. Thực tế là trong 20 năm qua, bóng đá Việt Nam đã phát triển mạnh, vượt xa so với kỳ vọng và có những giấc mơ lớn hơn. Thế nhưng, điều đáng tiếc là chưa có thêm một sân bóng nào có sức chứa lớn được xây dựng, kể cả ở những nơi rất cần có một công trình mới như TP.HCM.

Điều này cho thấy thể thao Việt Nam nói chung vẫn đang có điểm nghẽn rất lớn ở khâu cơ bản nhất chính là cơ sở vật chất. Chúng ta không thiếu sân bóng, nhà thi đấu, nhưng hầu hết các công trình đều mang tính cục bộ, chưa trở thành một kiến trúc mang tính biểu tượng cho địa phương như điều mà các công trình này vẫn thường có ở các quốc gia có nền thể thao mạnh.

Đành hy vọng Phú Thọ sẽ thực hiện được tham vọng của mình trong việc nâng sức chứa sân Việt Trì để qua đó chứng minh được những "tài sản vô hình" của bóng đá và thể thao đỉnh cao đã đóng góp vào giá trị của địa phương.

Trước mắt, những quyết tâm nói trên của lãnh đạo tỉnh cũng sẽ thúc đẩy đội bóng Phú Thọ có thêm sự hấp dẫn với các nhà đầu tư để sớm có mặt tại V-League. Biết đâu, khi đó sân Việt Trì trở thành "chảo lửa" mới của bóng đá Việt Nam.


Trong cuộc làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ là ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đánh giá cao công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Phú Thọ, đặc biệt là các đơn vị an ninh, y tế, văn hóa đã góp phần tổ chức thành công ASEAN Cup 2024. Thành công của giải đấu vừa rồi đã cho thấy tiềm năng để Phú Thọ tiếp tục đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Việc tỉnh chủ trương cải tạo, nâng cấp quy mô Khu Liên hợp TDTT và sân vận động Việt Trì đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế sẽ là tiền đề thuận lợi để tổ chức các giải đấu lớn tại đây. VFF đề nghị tỉnh Phú Thọ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị chức năng thực hiện nghiêm các quy định của VFF cũng như các LĐBĐ quốc tế khi tổ chức các giải đấu, Chủ tịch VFF khẳng định VFF sẵn sàng hỗ trợ Phú Thọ về công tác tập huấn cho cán bộ chuyên môn, HLV, trọng tài bóng đá của tỉnh, cũng như ủng hộ tỉnh trong việc đăng cai tổ chức các giải đấu tại sân vận động Việt Trì thời gian tới.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm