30/09/2016 05:53 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Bóng gỗ tuy còn khá mới mẻ với người Việt Nam nhưng đã vươn đến tầm châu lục và thế giới. Dù vậy, để được tham dự Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 này (ABG 5), bóng gỗ đã phải vượt lên những nghịch cảnh không ngờ đến để đem về những chiếc HCV cho đoàn thể thao Việt Nam. Đằng sau vinh quang là những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai.
Hà Nội là địa phương đi đầu của Việt Nam trong việc du nhập những môn thể thao mới. Bóng gỗ cũng không phải là ngoại lệ. Cách đây 7 năm, ngành thể thao Thủ đô cử HLV Hà Khả Luân theo dõi để đưa môn bóng gỗ có xuất xứ từ Đài Bắc Trung Hoa về Việt Nam. Đây là môn chơi khá đơn giản và có những nét tương đồng với golf.
Khác với golf, bóng gỗ phải căng dây và đánh theo đường để hạn chế ra ngoài. Ở golf có hố cát còn bóng gỗ thì có chướng ngại vật. Có 2 loại là Fairway và Stroke. Fairway sẽ tính theo từng đường rồi tổng cộng lại sẽ tìm ra người chiến thắng. Khi kết thúc 6 đường, 12 đường hoặc 24 đường mà tổng lại bên nào có ít gậy nhất thì bên đó giành chiến thắng còn Stroke sẽ loại trực tiếp ở từng đường.
Nếu đánh ra ngoài khỏi dây thì bị cộng thêm một gậy. Tùy từng đường mà có tiêu chuẩn số gậy khác nhau. Nếu đường thẳng ngắn thì 4 gậy còn những đường xa, khúc ngoặt thì 5 gậy. Khác với golf thì ở bóng gỗ không có gậy âm.
Bóng được làm bằng gỗ, nặng khoảng 200-300 g, gậy từ 800 g đến hơn 1 kg. Bóng gỗ quy định có dép đi riêng, phải mặc quần ngắn, áo có cổ.
Giành HCV thế giới cũng bỏ
Dù mới chỉ du nhập vào Việt Nam khoảng 7 năm nhưng bóng gỗ đã khẳng định những chỗ đứng nhất định trên đấu trường châu lục và thế giới. Song, nghịch lý ở chỗ, bóng gỗ lại đứng trước rất nhiều nghịch cảnh và khó khăn. Hầu hết các VĐV bóng gỗ đều xuất thân từ các môn khác như điền kinh, bóng ném, cử tạ, vovinam,…
Trước khi bước vào khởi tranh tại AGB 5, bóng gỗ đứng trước những thử thách không nhỏ. “Bóng gỗ mới chỉ có Hà Nội, toàn quốc không có địa phương nào khác làm. Trong 7 năm qua, tôi chỉ có thể phát triển được 12 CLB nhưng các CLB này của xí nghiệp quân đội, duy nhất chỉ có 1 đơn vị làm là Trung tâm huấn luyện thi đấu thể thao Đồng Nai và Trường ĐH TDTT TP.HCM. Thế nên, đội tuyển thành lập cho ABG 5 chỉ có quân của Hà Nội, chúng tôi không thể tổng hợp lực lượng như các môn khác.
Thêm nữa, đó là Việt Nam mới chỉ có 7 năm làm quen với môn này trong khi các đối thủ tại ABG 5 lần này đã chơi gần 30 năm. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất với chúng tôi là tuy lực lượng có nhiều VĐV đạt huy chương cấp thế giới cũng như châu Á nhưng 2 năm vừa qua có những VĐV đạt HCV châu Á, thế giới song gia đình không đồng ý cho tiếp tục theo tập mà đi kiếm việc khác.
Vượt lên nghịch cảnh
Cũng vì những khó khăn như vậy mà bóng gỗ là môn duy nhất của đoàn Việt Nam không dám đặt chỉ tiêu huy chương. Dẫu vậy, vượt qua những khó khăn trước mắt, môn chơi mới mẻ này đã tỏa sáng khi mở hàng HCV cho thể thao Việt Nam cũng như liên tục gặt vàng ở những ngày thi đấu sau đó.
“Bóng gỗ là môn dễ chơi, phù hợp với mọi lứa tuổi từ già đến trẻ. Ở ABG 5 lần này, có nhiều VĐV đã hơn 60 tuổi vẫn tham gia thi đấu”, Phan Thị Phượng, VĐV giành 2 HCV chia sẻ. Trong khi đó, Vũ Hồng Quân mong muốn: “Tôi hy vọng bóng gỗ không chỉ phát triển ở Hà Nội mà còn lan rộng ra toàn quốc”.
Tuy bóng gỗ chưa kết thúc chương trình thi đấu tại ABG 5 song đến thời điểm này, đây là một trong những môn đã đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ. Và với những chiếc HCV giành được, HLV Hà Khả Luân muốn chuyển tải thông điệp: “Đây là môn thể thao phù hợp với người Việt Nam, không đòi hỏi to, khỏe, cao mà chỉ cần sự khéo léo của đôi tay cũng như sự thông minh đầu óc khi xử lý tình huống trên sân. Tất cả đó phù hợp với tố chất con người Việt Nam. Tôi mong rằng các tỉnh cùng Hà Nội phát triển môn này thì thời gian tới chúng ta có thể có một vị trí xứng đáng trên đấu trường thế giới”.
Trần Khánh – Hoàng Yến
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất