Bao giờ Trung Quốc có... đội bóng Thiếu Lâm?

17/12/2015 07:26 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Người Nhật xem bộ truyện tranh Captain Tsubasa là nguồn cảm hứng để phát triển nền bóng đá. Trong khi đó, rất nhiều cậu bé ở Trung Quốc chết mê chết mệt với Đội bóng Thiếu Lâm do ngôi sao Châu Tinh Trì viết kịch bản và thủ vai chính.

1. Tháng trước, trung tâm đào tạo trẻ Thiếu Lâm, thuộc Trường võ thuật Thiếu Lâm Đăng Phong tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã chính thức khai giảng. Đây là cơ sở đào tạo bóng đá kết hợp với học võ Thiếu lâm tự, và chỉ là một phần trong Kế hoạch 50 điểm mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề ra nhằm chấn hưng nền bóng đá Trung Quốc đồng thời đưa đội tuyển nước này sánh ngang những cường quốc bóng đá thế giới.

Việc kết hợp bóng đá và kungfu là một sáng kiến nhằm thu hút sự quan tâm của giới trẻ Trung Quốc, nhưng đó mới là bước đầu tiên, còn để những cầu thủ trẻ của học viện ấy trở thành ngôi sao tương lai thì còn là một câu chuyện dài. Để đào tạo ra những ngôi sao bóng đá, người ta cần có những cầu thủ trẻ hứa hẹn, cộng với một hệ thống đào tạo trẻ bài bản với những HLV giàu chuyên môn, và sau cùng là môi trường để các tài năng trẻ trui rèn năng lực, phát triển chuyên môn.

Quảng Châu Evergrande, đội bóng thống trị giải nhà nghề Trung Quốc suốt 5 năm qua, cũng đang khá chú trọng đến đào tạo trẻ. Họ đang có một học viện với 3.000 học viên nhí, trong tổ hợp gồm hàng chục sân bóng chất lượng cao. Trong chuyến thăm Man City mới đây, ông Tập không giấu diếm việc đi theo mô hình đào tạo trẻ của CLB này.

Ý chí của Quảng Châu Evergrande sẽ làm khó Barca

Ý chí của Quảng Châu Evergrande sẽ làm khó Barca

Mua ngôi sao nhiều như Real, vô địch AFC Champions League 2 lần trong 3 năm như Barcelona thời Guardiola, Quảng Châu Evergrande đang làm mưa làm gió ở châu Á thời điểm này.


2. Từ khi tuyên chiến với bê bối tiêu cực và dàn xếp tỷ số năm 2009, bóng đá Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ ở cấp CLB. Chiến tích vô địch AFC Champions League ở 2 trong 3 năm gần nhất của Quảng Châu Evergrande là một minh chứng. Bàn tay của các tỷ phú Trung Quốc còn vươn ra cả nước ngoài khi Vương Kiện Lâm, ông chủ Vạn Đạt Đại Liên, mua 20% cổ phần Atletico Madrid, còn Lê Thụy Cương, biệt danh Murdoch Trung Quốc, sở hữu 13% Man City.

Nhưng ở cấp độ đội tuyển, Trung Quốc lại gây thất vọng tràn trề. Kể từ lần đầu tham dự VCK World Cup (năm 2002, thua cả 3 trận), họ không một lần nào vượt qua vòng loại nữa. Đá với Thái Lan, họ thua thảm 1-5 và năm ngoái bị chính đội này loại ở tứ kết ASIAD 2014. Ở vòng loại World Cup 2018, họ không thắng nổi Hồng Kông ở cả hai lượt trận và đang xếp dưới cả đội bóng này trên BXH.

Đó là hệ quả của việc “xây nhà từ nóc” vốn đã kéo dài nhiều năm qua. Dù đang có một học viện quy củ, nhưng còn lâu Quảng Châu Evergrande mới được hưởng trái ngọt. Ở trận thắng Club America vừa rồi, 5/6 ngoại binh của họ đá chính ngay từ đầu, còn những tuyển thủ như Long Zheng, Yu Hanchao và Gao Lin đều chỉ vào sân ở hiệp hai. Trong đội hình hiện tại của họ chỉ có đúng 1 tài năng trẻ đáng chú ý là Wang Shangyuan, 22 tuổi, người từng tu nghiệp của Club Brugge.

3. Trong Đội bóng Thiếu Lâm, các huynh đệ của Tinh đã vô địch Hồng Kông, nhờ áp dụng những tuyệt kỹ võ học trên sân bóng. Nhưng đó chỉ là phim ảnh, và nó cũng hoàn toàn khác với những ý tưởng “đi trước thời đại” mà Captain Tsubasa mang đến cho bóng đá Nhật Bản.

Trường hợp của Nagatomo (Inter Milan), Yoshida, Okazaki (Southampton), Shinji Kagawa (Dortmund), hay Keisuke Honda (Milan) chứng tỏ người Nhật đã đúng khi tin vào những nhân vật truyện tranh như Tsubasa Ozora (Barcelona), Genzo Wakabayashi (Hamburg), Kojiro Hyuga (Juventus), và Aoi Shingo (Inter Milan). Đội tuyển Nhật dự VCK World Cup liên tiếp từ năm 1998 đến nay và 2 lần vượt qua vòng bảng (2002, 2010). Trong khi đó, J-League vẫn được xem là giải đấu bậc nhất châu Á về tính chuyên nghiệp. Họ cũng có một hệ thống đào tạo trẻ kết hợp với chương trình bóng đá học đường quy củ.

Đời không như phim ảnh. Bóng đá Trung Quốc còn phải học hỏi rất nhiều.

Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm