Đỗ Bích Thúy - người Hà Giang viết về Hà Nội

21/01/2015 07:22 GMT+7 | Đọc - Xem

(giaidauscholar.com) - Không phải ai ở Hà Nội cũng yêu Hà Nội, nhưng với nhãn quan của một nhà văn, Đỗ Bích Thúy không thể không tái hiện lại Hà Nội qua trang viết của mình sau nhiều năm sống ở đây.

Tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là của Đỗ Bích Thúy (tác giả truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, sau chuyển thể thành phim Chuyện của Pao) là một trong những tác phẩm đoạt giải Văn học Nghệ thuật Thủ đô 2013-2014. Lễ trao giải diễn ra sáng 20/1 tại trụ sở Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội tại 19 Hàng Buồm.

Trong số 4 tác phẩm về văn học đoạt giải, Cửa hiệu giặt là là tiểu thuyết duy nhất, bên cạnh 2 cuốn sách phê bình và một cuốn tản văn (Có một phố vừa đi qua phố của Đinh Vũ Hoàng Nguyên). Ngoài ra, còn có 24 tác phẩm khác thuộc các ngành âm nhạc, nhiếp ảnh nghệ thuật, sân khấu, mỹ thuật, văn nghệ dân gian, điện ảnh, múa và kiến trúc. Tổng cộng, 28 tác phẩm được trao giải.

Trong đó, Đỗ Bích Thúy là trường hợp khá đặc biệt. Chị bước chân vào văn học với những tác phẩm thấm đẫm bản sắc cao nguyên đá Hà Giang, nơi chị sinh ra. Sống ở Hà Nội 17 năm qua, trong thời gian đầu, các tác phẩm của chị vẫn hướng về miền núi, tạo nên phong cách văn chương không trộn lẫn. Sau một thời gian dài sống và cảm nhận cuộc sống ở Hà Nội, nữ nhà văn mới cho ra một tác phẩm “dày dặn” về thủ đô, ở thể loại tiểu thuyết.


Nhà văn Đỗ Bích Thúy nhận giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô sáng 20/1. Ảnh: Vũ Thành Duy

Trong một cuộc phỏng vấn với Thể thao & Văn hóa, Đỗ Bích Thúy từng nhận miền núi là đề tài “ruột” của mình, nhưng chị đang chuyển sang đề tài đô thị. Cửa hiệu giặt là chính là kết quả của sự thay đổi đó, và nay cuốn sách được trao giải Văn học Nghệ thuật Thủ đô.

Nhận xét về cuốn sách này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói: “Đỗ Bích Thúy viết về Hà Nội hôm nay trong sự pha trộn, giằng xé của quá khứ và hiện tại, của những giá trị truyền thống cũ và lối sống kinh tế thị trường, của người Hà Nội xưa và nay đi làm thuê”.

Bằng nhãn quan nhà văn của mình, Đỗ Bích Thúy đưa Hà Nội vào sách qua hình tượng một góc phố - không gian sống quen thuộc của người ở Hà Nội, có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Người dân sống gần một cửa hiệu giặt là, nơi chứng kiến cuộc sống hàng ngày chảy trôi với những con người thuộc nhiều tầng lớp, địa vị, tuổi tác, ngành nghề, gia cảnh… giao tiếp, va chạm và cùng nhau làm nên bộ mặt Hà Nội đương đại.

Cuốn sách được ghi nhận trong số 28 tác phẩm về Hà Nội trong 2 năm qua cũng ở một điểm đặc biệt: Hà Nội là đất tứ xứ, nhiều thế hệ về sau là những người từ miền đất khác đến đây và gắn bó với nơi này. Hiện tại, viết về Hà Nội vẫn là những tác giả sinh ra ở Hà Nội, cả cuộc đời trải dài những kỷ niệm với thủ đô. Nhưng còn nhiều Hà Nội khác trong mắt những người từ phương xa đến, và cũng cần được văn chương ghi lại.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm