19/11/2015 13:13 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Đừng nghĩ rằng “tham vọng” là một từ có ý nghĩa tiêu cực. Tham vọng là tố chất đầu tiên để thành công và giúp người khác thành công, làm xã hội tiến lên tầm cao mới. HLV Đặng Anh Tuấn tự nhận mình là một người đầy tham vọng bởi ông vô cùng tâm đắc với câu nói của nhà báo Mỹ, ông Frank Tyger: “Tham vọng là nhiệt huyết có mục đích”.
Danh sư xuất cao đồ
Để có một Nguyễn Thị Ánh Viên tỏa sáng tại SEA Games 28, không thể không nhắc đến HLV Đặng Anh Tuấn, người mà 5 năm nay đã đóng... 5 vai trò quan trọng nhất của một con người: Người thầy - Người cha - Người quản lý sự nghiệp và cả Người mẹ lẫn Người bạn của “cô gái vàng”.
Nhưng không nhiều người biết, trước khi trở thành người thầy của Ánh Viên, đã có rất nhiều kình ngư nổi tiếng khác là học trò của ông Tuấn. Các “cao đồ” nổi tiếng của ông ATuấn khá đông đảo, nhưng nổi bật nhất là Nguyễn Hữu Việt “vua ếch” Hải Phòng vô địch liên tiếp SEA Games 23, 24, 25 đến Đỗ Huy Long “Vua ngửa” Hà Nội đã từng phá kỷ lục trẻ châu Á năm 2005. Họ là những học trò mà ông Đặng Anh Tuấn dồn hết tâm sức.
HLV Đặng Anh Tuấn coi Ánh Viên như con ruột của mình
Chỉ tiếc là những Đỗ Huy Long, Nguyễn Hữu Việt và nhiều người khác không đủ nghị lực để vượt khỏi tầm khu vực dù tài năng, tố chất của họ là không thể phủ nhận. Đặc biệt là Đỗ Huy Long – người mà ông Đặng Anh Tuấn vô cùng yêu quý và tin tưởng. Sau thất bại tại SEA Games 20015, chỉ dành được HCB và không đạt được thông số kỹ thuật mong muốn, không chỉ Huy Long mà chính ông Đặng Anh Tuấn cũng đã không thể gượng dậy nổi, ông bật khóc trên bể bơi – điều mà hiếm có HLV nào dám thể hiện. Có vậy mới biết, người đàn ông, HLV nổi tiếng khắc nghiệt này “mỏng manh” đến thế nào. Học trò thất bại buồn một, thầy đau đớn gấp 10.
Thất bại khi học trò sớm buông không làm ông Tuấn mất đi tham vọng tìm được một người học trò “chân truyền”: Dám hy sinh, nghe chỉ đạo tuyệt đối. Cuối cùng, sau hơn 10 năm làm HLV đội tuyển quốc gia, ông mới tìm thấy người học trò đó – Nguyễn Thị Ánh Viên.
Thầy khó, trò mừng
Chẳng có thầy trò nào lại “ngược đời” như ông Đặng Anh Tuấn và Ánh Viên. Thầy càng khó tính, càng đòi hỏi cao, trò càng kiên quyết tập luyện. Ánh Viên từng tâm sự: “Dù phải khóc trong nước (thầy không thấy) em cũng tập đến khi thầy hài lòng mới thôi. Thầy càng khó em càng quyết tâm. Trong "từ điển" của em, THÀNH CÔNG không phải là HCV này nọ mà đơn giản là hoàn thành mọi yêu cầu đặt ra của thầy. Em sợ nhất không phải là lúc thầy quát mắng mà là khi thầy không thèm nói gì hết, mặc kệ em thích làm gì thì làm.”
Ông Đặng Anh Tuấn cho biết, đó chính là chìa khóa của sự thành công dài lâu và vững bền của Ánh Viên. Bởi ngoài đường bơi và HLV, Ánh Viên không quan tâm đến bất kỳ đối thủ hay người nào bên cạnh. Nếu nhiều VĐV để ý rằng đồ bơi của các VĐV hàng đầu “xịn” quá chừng, trông mình như “ăn mày” với đồng phục chỉ có một chiếc áo khoác Động Lực còn họ thì như vua chúa với Adidas, Nike tài trợ từ đầu tới chân: tất, găng tay, mù, băng lau mồ hôi, trang phục tập luyện, trang phục khoác ngoài, giữ ấm, đồ lót…, họ có người chăm sóc sức khỏe, có bếp riêng đi cùng, vân vân... thì Ánh Viên và ông Đặng Anh Tuấn hoàn toàn không quan tâm, không có chút ảnh hưởng nào về tâm lý kiểu tự ti hay choáng ngợp cả. Thậm chí, cô gái rất đỗi ngây thơ này còn nói: “Thầy em bảo, họ vậy mình thắng mới bảnh chứ. Mình thắng họ, mình còn đẹp hơn họ nữa kìa.”
Người viết còn nhớ, khi gặp ông tại Olympic Bắc Kinh 2008, HLV Đặng Anh Tuấn chăm sóc và huấn luyện Nguyễn Hữu Việt – lúc đó Việt đang ở đỉnh cao phong độ, nhưng lại không tự tin chút nào. Ông Đặng Anh Tuấn đã buồn bã nói: “Khó mà vượt qua vòng 1 lắm. Đó là điều không tưởng. Nhưng anh mong là Việt sẽ phá được kỷ lục SEA Games hoặc quốc gia. Thể thao quan trọng nhất là liên tục vượt qua chính mình. Các VĐV của Việt Nam hay “khớp” trước các đối thủ khác lắm.” Quả nhiên, Hữu Việt bị loại ngay từ vòng 1 và chẳng để lại bất kỳ dấu ấn nào của mình trên đấu trường tuyệt vời đó.
HLV Đặng Anh Tuấn tiếc nuối vì gặp Ánh Viên muộn
Chiều VĐV hơn chiều bản thân
Tâm huyết của một người thầy dồn cả lên vai một cô gái bé nhỏ, người đã lọt vào mắt xanh của ông vào thời điểm chưa quá muộn mằn nhưng cũng chưa phải là sớm.
HLV Đặng Anh Tuấn cho biết: “Ở hồ bơi trung tâm thể thao của Quân khu 9, tôi thấy Ánh Viên đang tập luyện kỹ thuật. Kỹ thuật sai bét cả nhưng độ nổi tuyệt vời. Độ nổi nước của Ánh Viên có thể đạt tới thời gian 35 giây, trong khi các em còn lại chỉ từ 7-10 giây. Giống như một người ca sĩ chưa từng được đào tạo bài bản nhưng trời ban cho giọng hát độc đáo vậy. Tôi tiếc, giá mà gặp Viên sớm hơn, đưa Viên đi tập huấn sớm như Schooling (6 tuổi đi Mỹ tập luyện) thì…”
Vậy là đã gần 6 năm, HLV Đặng Anh Tuấn sát cánh cùng Ánh Viên. Ngoài 10 giờ huấn luyện mỗi ngày thì ông Tuấn sắm mọi vai người thân của Ánh Viên. Từ giấc ngủ, miếng ăn, thay đổi sinh lý đặc thù của người con gái, chăm sóc phục hồi thể lực, kể chuyện đêm khuya, làm chị Thanh Tâm, dạy dỗ văn hóa, định hướng hiểu biết xã hội….ông Đặng Anh Tuấn phải kham hết. Với ông, Ánh Viên còn được chăm sóc hơn chính cả bản thân mình.
Đêm đêm, trên đất Mỹ, khi cô học trò đã ngủ thì anh cặm cụi soạn giáo án tập luyện, tính toán cho phong độ của Ánh Viên phải làm sao đạt đỉnh cao nhất ở từng giải đấu. Nhưng quan trọng hơn cả, đó là vòng bảo hộ mà ông Tuấn đặt bao quanh Ánh Viên một cách vô hình. Đến nay, cô bé được bảo vệ hoàn hảo nhưng vẫn trưởng thành một cách đáng tự hào.
Ông Tuấn cho biết: “Ở Mỹ, Viên chưa thể có thời gian nhiều để đi chơi, tham quan, siêu thị gì cả. Tôi thường bảo, Nhà nước cho con sang đây để tập luyện, thi đấu, làm rạng danh Tổ quốc trong tương lai. Giờ con đang như cái búp non, chỉ trồng trong nhà kính, ấm áp, chỉ việc lớn thôi. Khi con đủ lớn, thầy sẽ cho con ra nắng, gió”.
Là một HLV giỏi, lại rút kinh nghiệm từ rất nhiều “cao đồ” trước đây, ông Tuấn không chỉ đặt nặng vấn đề huấn luyện và tâm lý thi đấu. Mà tư duy về nghề nghiệp, về sự chuyên nghiệp của ông cũng được cô học trò thấm nhuần. Ông tâm sự: “Ánh Viên là người có ý chí thép, tôi rất hãnh diện khi Ánh Viên có nhận thức rất cao về nghề của mình. Tôi tin chắc Ánh Viên sẽ trở thành một VĐV tầm cỡ quốc tế. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn chứng minh với rất nhiều người rằng, HLV Việt Nam cũng có thể đào tạo ra những VĐV đẳng cấp quốc tế. Đối với tôi, toàn bộ hy vọng và niềm tin là dành cho Ánh Viên. Mục đích cuối cùng mà tôi mong muốn là VĐV của mình phải đứng trên bục nhận huy chương ở giải thế giới và Olympic"
Tin là ông thầy đầy tham vọng và tâm huyết này sẽ làm được điều đó!
Như Hoa
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất