Inbee Park vô địch Olympic: Golf nữ châu Á tiếp tục thống trị

28/08/2016 06:33 GMT+7 | Golf

(giaidauscholar.com)- Tại Rio 2016, sau 4 vòng tranh tài gay cấn, Inbee Park đã thi đấu xuất thần để đứng lên bục cao nhất tại Olympic nội dung golf nữ. “Được đứng ở đây, đại diện cho Hàn Quốc là điều đặc biệt. Đó là vinh dự lớn đối với tôi”, Park chia sẻ trước lúc quốc ca Hàn Quốc vang lên.

Ở Olympic Rio, ngoài Park, Hàn Quốc còn có 3 golf thủ tranh tài trong tuần cuối cùng, chiếm số lượng cao nhất trong số các quốc gia có đại diện tham dự. Không chỉ có vậy, giành HCB là Lydia Ko, một tay golf cũng được sinh ra tại Hàn Quốc dù nay quốc tịch New Zealand. HCĐ thuộc về tay golf Shanshan Feng của Trung Quốc. Người đứng thứ tư thậm chí cũng là golfer Nhật Bản.

Chiến thắng của họ là minh chứng rõ ràng hơn nữa cho xu hướng mới của làng golf thế giới: sự trỗi dậy của các tay golf nữ tới từ châu Á.

Làn sóng thống trị của golf thủ châu Á tại các giải major manh nha cách đây 18 năm khi Se Ri Pak đưa môn golf trở nên nổi tiếng tại đất nước Hàn Quốc bằng hai chiến thắng major liên tiếp ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp thi đấu ở LPGA Tour. Chiến thắng của Se Ri Pak đã tạo động lực giúp thế hệ những cô gái trẻ bắt đầu vác gậy ra sân tập.

Các bậc phụ huynh cũng nhìn thấy golf là con đường mới có thể đưa con cái họ tới thành công, ngoài việc học hành. Do vậy, họ thường hướng con gái theo nghiệp golf từ khi còn nhỏ và hy sinh hết mình cho những gì họ theo đuổi. Thường thì các gia đình này có điều kiện về kinh tế để hỗ trợ đam mê của con. Nó khác với chặng đường của các golf thủ nữ ở Mỹ, vốn coi golf là môn thể thao có thể giúp họ giành học bổng vào các trường đại học.



Các golfers nữ châu Á đang có vị thế vững chắc

Một lý do khác làm nên thành công của golf thủ châu Á chính là sự nỗ lực của họ trong tập luyện. Theo HLV John Kang, hiện đang làm cho tổ chức Bann Lynch Golf (Australia), một trong những yếu tố chính mang lại sự thành công của golf thủ châu Á là đạo đức nghề nghiệp của họ. Họ là những người đầu tiên tới sân tập và rời khỏi đó cuối cùng. “Tập luyện, tập luyện thật chăm chỉ”, đó là bí quyết số 1 của những tay golf này. Chưa kể ở họ còn có sự kiên nhẫn, quyết tâm đến cùng để theo đuổi mục tiêu.

Người châu Á cứu LPGA?

Những tay golf châu Á thống trị các giải thưởng của LPGA. Không chỉ có vậy, LPGA còn được “cứu” bởi châu Á thông qua các hợp đồng tài trợ.

Năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế càn quét qua làng golf khiến LPGA chịu tác động không nhỏ. Số lượng giải đấu dần ít đi và các khoản thưởng cũng bị thu hẹp. Từ 24 sự kiện vào năm 2008, LPGA bị rút ngắn còn 12 sự kiện cho tới trước mùa giải 2011. Nhưng nhờ sự đầu tư của 7 tập đoàn châu Á, LPGA năm đó đã phục hồi ấn tượng vào năm 2011, đưa số lượng giải lên con số 23. Bây giờ, trong 33 sự kiện chính thức của LPGA, có tới 14 công ty hoặc tổ chức ở châu Á là nhà tài trợ.

Ông Jon Podany, giám đốc tiếp thị của LPGA cho biết: “Bây giờ, tài chính của chúng tôi rất ổn định. Doanh thu của chúng tôi đã tăng 60% hoặc hơn so với thời kỳ khủng hoảng”. Cũng theo Podany, thỏa thuận bản quyền truyền hình với đối tác Hàn Quốc là nguồn thu chính của LPGA.

Lotte, JTBC, Kia, All Nippon Airways, Swinging Skirts và Yokohama… tất cả đều là các công ty có trụ sở tại châu Á nhưng tài trợ cho các sự kiện của LPGA diễn ra tại Mỹ. Lotte là một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Hàn Quốc và Nhật Bản, JTBC là mạng lưới truyền hình Hàn Quốc, Kia là nhà sản xuất xe hơi Hàn Quốc , ANA là hãng hàng không Nhật Bản và Swinging Skirts là một tổ chức golf của Đài Loan.

Mike Wan- Ủy viên của LPGA, thừa nhận rằng sự đầu tư mạnh mẽ từ những tập đoàn kinh tế lớn của châu Á đã giúp LGPA tồn tại và phát triển mà không quá lo về những ảnh hưởng của nền kinh tế Mỹ. “Bây giờ, nếu có trục trặc với kinh tế Mỹ, sự cản trở đối với LPGA là không đáng ngại như những năm 2008, 2009”.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm