29/06/2015 11:27 GMT+7 | Đọc - Xem
(giaidauscholar.com) - Giới nghệ sĩ ở Sài Gòn thường ngủ dậy rất muộn, ấy vậy mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á hẹn tôi 7h30 sáng gặp anh. Đúng giờ, tôi có mặt tại nhà Nguyễn Á, cũng là văn phòng làm việc của anh tại Quận Bình Thạnh. Chừng 5 phút sau Nguyễn Á từ xa chạy đến với quần cộc áo ba lỗ. Anh nói mới đi tập thể hình về.
Nguyễn Á có thể hình của một vận động viên chuyên nghiệp, dù anh đã gần tuổi năm mươi. Từ năm 15 tuổi đến nay, mỗi sáng anh dành khoảng một giờ đồng hồ để tập môn thể hình. Nguyễn Á vào chuyện với phóng viên Thể thao & Văn hóa: “Mình chưa hề hút thuốc, không rượu bia. Trái cây là món ăn nhiều nhất. Tập thể hình thường xuyên khiến mình rất khỏe. Không khỏe thì không thể làm việc theo cường độ cao được”.
Họ sống như thế, mình sống thế nào?
Nguyễn Á bắt đầu cầm máy năm 22 tuổi, thời gian nhanh như chớp mắt, đến nay anh có 25 năm liên tục sống với nghề này. Nói đến Nguyễn Á, rất nhiều đôi uyên ương ở Sài Gòn trước khi tổ chức tiệc mừng, đều nhớ đến anh vì anh là người giúp họ lưu lại những khoảnh khắc đẹp rực rỡ trước khi sống đời vợ chồng. Ngoài chụp ảnh cưới, Nguyễn Á còn chụp ảnh quảng cáo, ảnh in lịch...
Tất cả những việc làm này đều phục vụ cho cuộc mưu sinh hàng ngày, để rồi sau đó anh hướng ống kính của mình về phía rộng lớn hơn. Như Nguyễn Á từng tâm sự trên Thể thao & Văn hóa, rằng: “Chụp ảnh cưới mang lại niềm vui cho một vài cá nhân cụ thể, còn chụp ảnh như hiện nay giúp tôn vinh được cả cộng đồng”.
Cuộc triển lãm ảnh “tôn vinh cả cộng đồng” đầu tiên của Nguyễn Á diễn ra vào năm 2008 khi anh ghi lại những khoảnh khắc của “Thanh niên tình nguyện mùa Hè xanh”. Năm 2009, Nguyễn Á triển lãm ảnh “Họ đã sống như thế” và các tác phẩm trong triển lãm này được NXB Trẻ in thành sách. Đến nay, sách ảnh “Họ đã sống như thế” đã tái bản với nhiều hình ảnh mới, con người mới được bổ sung. “Họ đã sống như thế” ghi nhận sự nỗ lực vươn lên của những người trẻ không gặp may mắn trong cuộc đời.
“Họ đã sống như thế” đem lại cho người xem nhiều cảm xúc, hơn thế là bài học vượt qua nghịch cảnh để vui sống cuộc đời. Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc, cho rằng: “Làm gì có thế giới của những người khuyết tật, cũng không có thế giới của những người lành lặn. Người xem cảm thấy rùng mình: sự khuyết tật tâm hồn mới đáng sợ. Những bức ảnh của Nguyễn Á đã làm cho người xem phải chiêm nghiệm về chính bản thân mình và cuộc sống”. Còn nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - nhân vật trong “Em Ký đi học” được học ở sách giáo khoa về tấm gương vượt qua nghịch cảnh, cho rằng: “Cảm ơn Nguyễn Á đã cho cuộc sống chúng tôi niềm tin lớn vào chính mình”.
“Họ đã sống như thế” là bộ ảnh về những người khuyết tật vượt qua số phận khắc nghiệt để sống yêu đời; nhưng hơn thế, bộ ảnh này đã lay động được rất nhiều người về lẽ sống, khi hàng ngày chúng ta, nhất là nhiều bạn trẻ đang chạy theo những giá trị ảo mà rời xa giá trị đích thực của chính mình. Bộ ảnh này khiến người xem tự đặt câu hỏi: “Họ - những người khuyết tật đã sống như thế, còn chúng ta - những người lành lặn đang sống thế nào?”.
Không nhận tài trợ để chủ động sáng tạo
Năm 2012, Nguyễn Á triển lãm và xuất bản sách ảnh Tâm và tài họ là ai? (tập 1, NXB Trẻ). Bộ ảnh này ghi lại chân dung, công việc và đời thường của rất nhiều người nổi tiếng đã cống hiến cả cuộc đời vì tổ quốc và dân tộc ta. Nói đến những nhân vật trong Tâm và tài họ là ai?, gần như tất cả mọi người đều biết; song qua những hình ảnh được Nguyễn Á bố cục như một câu chuyện, chúng ta thấy những tài danh của nước Việt thật gần gũi, giản dị so với những điều lớn lao mà họ đã làm.
Nguyễn Á, cho biết: “Sách Tâm và tài họ là ai? mới in chỉ 3 năm, vậy mà khoảng 20 nhân vật trong sách đã không còn trên cõi đời này nữa. Mới đây thêm một người vừa có tâm vừa có tài như thế đã vĩnh biệt chúng ta: Giáo sư Trần Văn Khê. Tôi muốn thông qua hình ảnh để khắc họa và tôn vinh những con người đã phụng sự Tổ quốc bằng công việc họ làm hàng ngày. Và hơn thế, để các bạn trẻ nhìn vào họ như những tấm gương nhằm phấn đấu cho bản thân”.
Không dừng lại ở sự tôn vinh những cá nhân, Nguyễn Á đã 5 lần đi Trường Sa ghi lại những công việc của các chiến sĩ và ngư dân. Năm 2014, bộ ảnh và sách ảnh Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo Việt Nam của anh được triển lãm tại Nhà văn hóa Thanh Niên (TP.HCM). Xem bộ ảnh này của Nguyễn Á, dễ dàng nhận ra tất cả mọi người dù nổi tiếng hay thầm lặng, đều được anh tôn vinh nếu họ đã và đang làm những việc có ích cho bản thân và cộng đồng.
Các tập sách ảnh của Nguyễn Á đều nặng ký cả về hình thức và nội dung. Đặc biệt, Nguyễn Á tự bỏ tiền túi đầu tư làm các cuốn sách ảnh này chứ không xin tài trợ, dù mối quan hệ của anh và ý nghĩa công việc anh làm, xin tài trợ không phải là chuyện khó. Tôi hỏi: “Chắc anh là đại gia nên mới không cần tài trợ?”. Nguyễn Á cười tươi: “Tôi là đại gia của công việc với niềm đam mê không ngừng, cảm xúc luôn dâng trào nhưng tiền thì không có nhiều. Khi muốn thực hiện một bộ ảnh nào đó theo đúng ý tưởng của mình, nếu không có tiền thì tôi đến ngân hàng vay để làm cho bằng được. Chẳng hạn như bộ ảnh và sách ảnh Nick Vujicic & Những ngày ở Việt Nam, khi tôi vác máy theo các sự kiện của Nick, nhiều đồng nghiệp nghĩ tôi được tài trợ bởi ban tổ chức. Sự thật thì, tôi bỏ tiền túi từ đi lại, ăn ở cho đến khi triển lãm và in sách. Tất cả các cuốn sách của tôi không có bất cứ logo tài trợ nào hết”.
Vào tháng 9 năm nay, Nguyễn Á sẽ triển lãm ảnh về nghệ thuật đờn ca tài tử được anh thực hiện từ tỉnh Ninh Thuận đến Mũi Cà Mau. Tôi hỏi: “Đờn ca tài tử mà cũng vào nhiếp ảnh được sao?”. Nguyễn Á khẳng định: “Được chứ. Khi quan tâm đến đờn ca tài tử, tôi không chỉ thấy đó là một ban nhạc, mà còn thấy được không gian rộng lớn của một cộng đồng cần được tôn vinh bằng một bộ ảnh thay vì chỉ có những ảnh đơn lẻ”.
Thanh Kiều
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất