Olympic Rio 2016: Michael Phelps đã trở nên bất tử

20/08/2016 11:17 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Để nhường chỗ cho trận địa điền kinh, môn bơi tại Olympic Rio de Janeiro đã kết thúc với rất nhiều câu chuyện hấp dẫn mà có lẽ nhiều năm sau này người ta vẫn phải kể lại. Có lẽ đây là môn thi đáng nhớ nhất tại Olympic kỳ này. Chỉ riêng chuyện về những "nguồn cảm hứng", cũng đã đầy ắp trên đường đua xanh tại Rio rồi.

Huyền thoại Phelps... liệu đã kết thúc?

Suốt 120 năm tồn tại, trải dài qua 3 thế kỷ khác nhau, phong trào Olympic hiện đại vẫn đang thách đố 44 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Đấy là những nơi từng dự Olympic nhưng chưa bao giờ có HCV. Thêm 62 quốc gia và vùng lãnh thổ khác từng có HCV Olympic, nhưng với số lượng tổng cộng trong toàn bộ lịch sử thấp hơn con số 23.

Vâng, 23 chiếc HCV Olympic! Một mình Michael Phelps sở hữu số HCV nhiều hơn thành tích tổng cộng của hàng trăm quốc gia khác nhau trên đấu trường Olympic. Ngoài Phelps, không có bất kỳ VĐV nào, thuộc bất cứ môn thể thao nào, có tổng cộng nhiều hơn 9 HCV Olympic xưa nay.

Nói về Rio 2016, trước tiên phải nói về huyền thoại Phelps, tay bơi vĩ đại đã tuyên bố "dừng cuộc chơi" sau khi lấy thêm 5 HCV trong lần cuối cùng dự Olympic. Nhưng nói về Phelps, người ta không thể chỉ nói về những con số lạnh lùng dù quá vĩ đại. Sẽ còn bao nhiêu cô bé, cậu bé, vừa theo dõi Olympic lần đầu tiên trong đời, sau này sẽ lại trở thành người hùng nhờ nguồn cảm hứng bất tận từ Michael Phelps? Bí ẩn ở chỗ, bất kể sự khẳng định của chính Phelps, mẹ và hôn thê của anh lại bảo: không thể nói trước rằng Phelps có lại viết tiếp câu chuyện về mình tại Olympic sắp tới hay không!


Câu chuyện về Michael Phelps sẽ kết thúc ở Olympic Rio 2016?

Chỉ riêng ở Mỹ, số VĐV có thẻ ở các CLB bơi lội đã tăng lên 7% sau khi Phelps chinh phục bể bơi tại Athens 2004, tăng thêm 11% sau Bắc Kinh 2008, rồi lại tăng thêm 13% sau London 2012. Năm ngoái, người ta cho biết có khoảng 337.000 VĐV tập luyện tại các CLB bơi lội trên khắp nước Mỹ. Trước khi ngôi sao Phelps xuất hiện, con số ấy là 221.000!

Cũng chẳng riêng gì ở Mỹ. Ngôi sao James Guy trong đội tuyển bơi lội Anh cho biết, Michael Phelps chính là nguồn cảm hứng của anh từ khi còn bé. "Với tôi, đấy là người hùng. Tôi muốn một ngày nào đó mình cũng sẽ được người ta nhớ đến, như tôi từng nhớ đến người hùng Phelps cách đây nhiều năm". Khi Guy và đồng đội đoạt HCB cự ly tiếp sức 4x200m tự do nam tại Rio, anh hào hứng phát biểu: "Thế là mỹ mãn, chúng tôi chỉ thua đúng Michael Phelps và đội bơi của anh ta".

Từ Schooling đến Ledecky

Nhưng, tuyệt vời hơn hẳn nhiên phải là câu chuyện về Joseph Schooling - tay bơi 21 tuổi người Singapore từng hãnh diện chụp hình với Phelps cách nay 8 năm. Cậu bé hét toáng "Michael Phelps kìa, Michael Phelps kìa", rồi chạy theo quyết xin chụp bức ảnh chung với người hùng.

Bây giờ, Schooling trở thành VĐV đầu tiên trong lịch sử Singapore đoạt HCV Olympic. Vô địch đã đành, anh còn có thêm kỷ lục Olympic và kỷ lục châu Á. Schooling thắng... Phelps ở cự ly 100m bướm - và đấy là chiếc HCB duy nhất của Phelps tại Rio 2016 (5 chiếc còn lại là HCV). "Phần lớn nguyên nhân của thành công này đến từ Michael. Anh ta là nguồn cảm hứng khiến tôi thích bơi lội hơn, muốn thành công hơn", Schooling hào hứng kể lại cái ngày mà anh sững sờ đến nỗi không thể mở miệng chỉ vì được chụp hình chung với thần tượng Michael Phelps.


Joseph Schooling (phải) chụp chung với thần tượng Michael Phelps năm 2008

Bây giờ, Schooling đã là cả một lịch sử của nền thể thao nhỏ bé Singapore. Thế còn siêu cường thể thao Mỹ? Họ đang có một Katie Ledecky sáng chói. Mới 15 tuổi, Ledecky đã rời khỏi London 2012 với chiếc HCV Olympic đầu tiên trong đời. Khi ấy, cô bé là thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn thể thao Mỹ. Bây giờ, Ledecky chia tay Rio 2016 với 4 HCV và 2 KLTG. Cô là tay bơi đầu tiên trong gần nửa thế kỷ nay (từ sau Mexico 1968) toàn thắng ở 3 cự ly 200m, 400m, 800m tự do trên đấu trường Olympic. Cô là người phụ nữ thứ 3 trong lịch sử thể thao Mỹ chia tay đấu trường Olympic với 4 chiếc HCV bơi lội. Amy Van Dyken từng làm được như thế tại Atlanta 1996. Còn kỳ tích của Missy Franklin thì đã diễn ra cách nay hơn 100 năm!

Tóm lại, ở tuổi 19, Ledecky chính là ngôi sao số 1 thế giới hiện nay trong làng bơi nữ, là một hiện tượng bơi lội. Và nói tóm lại, "hiện tượng Ledecky", giống như Joseph Schooling, cũng đã vươn lên nhờ nguồn cảm hứng bất tận từ thần tượng Michael Phelps. Ledecky cũng đã hãnh diện với bức ảnh chụp cùng Phelps, khi còn là cô bé 9 tuổi.

Đấy là chỉ mới điểm qua hàng ngũ ngôi sao. Còn biết bao nhiêu VĐV khác đang có niềm vui tranh tài ở Rio 2016 nhờ "muốn được như Phelps" khi còn là một cô bé, cậu bé đang tập bơi nhiều năm trước?

Còn có nguồn cảm hứng khác

Tại Olympic Sydney 2000, có một tay bơi bỗng nhiên nổi tiếng không phải vì bơi nhanh mà là... bơi chậm. Người ta vỗ tay vang dội trên khắp khán đài để cổ vũ Eric Moussambani. Cuối cùng, anh đã vượt qua thành tích cá nhân tốt nhất đồng thời phá kỷ lục quốc gia ở cự ly 100m tự do. Chỉ có điều, kỷ lục 1'52"72 của Moussambani là lâu gấp đôi so với người về nhất trong cự ly thi đấu của mình và lâu hơn cả KLTG ở cự ly 200m! Moussambani là VĐV người Guinea Xích Đạo. Đấy là một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất trong lịch sử Olympic. Nhưng vấn đề từ câu chuyện ấy lại là cả một đề tài quan trọng trong cuộc sống, chứ không chỉ là câu chuyện đáng nhớ. Vì sao người da đen (như Moussambani) thường không giỏi bơi?


Eric Moussambani

Đấy là bí ẩn, là cả một đề tài khoa học xã hội lớn, liên quan đến cả tập tính của người châu Phi từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước, chứ không chỉ là chuyện xã hội trong thời kỳ hiện đại. Nỗi sợ "thủy tề" khiến người châu Phi ám ảnh mỗi khi xuống nước? Sau này, có những câu chuyện về sự cấm đoán, không cho phép người da đen xuất hiện ở bể bơi, như một hình thức kỳ thị. Vân vân và vân vân. Nhưng tóm lại, chuyện người da đen không giỏi, thậm chí không biết bơi là một sự thật rõ ràng. Đâu là ngôi sao bơi lội da đen mà bạn từng biết?

Vâng, đấy là câu hỏi "trước đây". Tại Rio 2016, Simone Manuel đã trở thành nữ VĐV người Mỹ gốc Phi đầu tiên đoạt HCV cá nhân trong môn bơi ở trận địa Olympic. Thôi không câu nệ vấn đề chủng tộc, hãy nói rõ hơn: đấy là nữ VĐV da đen đầu tiên từng vô địch Olympic trong một nội dung cá nhân. Đấy là lịch sử, dĩ nhiên. Nhưng đấy còn là một nguồn cảm hứng vô bờ bến, có thể sẽ làm thay đổi xã hội - chẳng khác gì nguồn cảm hứng mà Michael Phelps đem lại cho Joseph Schooling hoặc Katie Ledecky. Một cuộc nghiên cứu vào năm 2010 cho thấy 70% trẻ em người Mỹ gốc Phi hầu như không biết bơi.


Simone Manuel đã trở thành nữ da màu đầu tiên đoạt HCV Olympic

Chiếc HCV 100m tự do nữ của Simone Manuel sẽ làm cho trẻ em da đen thích bơi và chịu khó học bơi? Khoan nói chuyện tranh chấp huy chương hoặc trở thành người hùng Olympic sau này, đấy chắc chắn sẽ là câu chuyện mang tính sống còn. Simone khi ấy sẽ có công cứu sống nhiều trẻ em da đen, theo đúng nghĩa đen. Một cuộc thống kê trong năm 2014 cho thấy: tỷ lệ trẻ em da đen chết đuối ở Mỹ cao gấp 5,5 lần so với trẻ em da trắng.

TÂN GIA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm