30/07/2016 05:48 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Nửa triệu du khách, hàng chục nguyên thủ và sự chú ý của truyền thông thế giới, khó có nơi nào mà mối lo khủng bố lớn như ở một kỳ Thế vận hội.
Nhưng liệu bấy nhiêu có là đủ?
Mối nguy những con sói đơn độc
Richard Ford, một chuyên gia chống khủng bố của FBI đã về hưu hiện sống tại Brazil, nói trong khi chính quyền nước này rất tích cực trong việc đảm bảo an ninh cho các VĐV và sân thi đấu, ông lo ngại rằng nhà chức trách chưa lường hết mối đe dọa từ những kẻ hành động đơn độc. Ford dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Brazil Alexandre de Moraes, đã làm nhiều người ngạc nhiên tuần trước khi khẳng định nguy cơ khủng bố ở Brazil là “gần như bằng không” và mối lo lớn hơn là tội phạm đường phố. Chỉ một ngày sau, cảnh sát liên bang Brazil do Moraes chỉ đạo đã bắt giữ 10 người quốc tịch Brazil bị cáo buộc thuộc một nhóm có cảm tình với IS và tuyên bố trung thành với tổ chức này trên internet.
“Thật ngây thơ nếu nghĩ rằng rủi ro khủng bố là tối thiểu”, Ford nói. Ông là người có kinh nghiệm về an ninh ở vài kỳ Olympic rồi. “Trong năm qua, rủi ro tấn công khủng bố đã tăng ở khắp mọi nơi”. Từng có những bài học xương máu trong quá khứ về khủng bố ở Thệ vận hội, nổi tiếng nhất là vụ Munich 1972 khi 11 VĐV người Israel và 1 cảnh sát bị một nhóm người Palestine cực đoan bắt cóc rồi sát hại. Còn tại Olympic Atlanta 1996, một quả bom tự tạo đã khiến 1 người thiệt mạng và 111 người bị thương.
Lo tội phạm hơn khủng bố
Nhiều lỗ hổng trong việc đảm bảo trật tự ở Brazil là rất khó vá víu. Đường biên giới dài và vắng vẻ của nước này với 10 quốc gia khác trong khu vực từ lâu đã là nơi hoành hành của những kẻ buôn lậu vũ khí và ma túy. Súng trường, thuốc nổ và các loại vũ khí khác vẫn là rất dễ kiếm trong các khu ổ chuột tại Rio. Năm ngoái, một băng cướp thậm chí đã lấy trộm nguyên một xe tải chở một tấn thuốc nổ!
Brazil thật ra không xa lạ các sự kiện thể thao lớn. Họ vừa tổ chức World Cup rất thành công mới 2 năm trước. Mỗi năm nước này cũng đón hàng triệu du khách tới tham dự kỳ lễ hội Carnival thường niên. Nhưng khủng bố hầu như chưa bao giờ là vấn đề tại quốc gia lớn nhất Nam Mỹ. “Tôi chẳng hiểu khủng bố là gì. Tôi chỉ lo lắng về tội phạm đường phố”, Fernanda Rocha, một dược sĩ ở Rio, nói. “Tôi chẳng biết phải làm sao để đối phó với khủng bố”. Dự kiến sẽ có 85.000 binh sĩ quân đội và cảnh sát được triển khai khắp Rio trong kỳ Olympic, gấp đôi so với lực lượng an ninh ở London 2012, không chỉ tập trung vào các sân thể thao, mà cả những nơi công cộng tập trung đông người khác.
“Họ có cảnh sát sẵn sàng và được huấn luyện để ngăn cản những cuộc tấn công phối hợp, quy mô lớn”, Bobby Chacon, một cựu nhân viên FBI từng hỗ trợ an ninh cho Olympic Athens 2004, nói. “Nhưng có rất nhiều cách khác để làm hại mọi người, và không có gì là đảm bảo 100%”.
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất