Phòng chống đuối nước ở trẻ em: Đừng chỉ “hô khẩu hiệu”

17/05/2019 05:57 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Việc phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em đã được nhiều bộ ngành phối hợp thực hiện từ nhiều năm qua, thậm chí đã trở thành một trong những nội dung đặc biệt trong “Chương trình phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, giai đoạn 2016 - 2020” mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành theo Quyết định 234 QĐ/TTg ngày 05/02/2016.

Triển khai Chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ tại 8 tỉnh

Triển khai Chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ tại 8 tỉnh

Ngày 26/6, Bộ LĐ – TB&XH đã phối hợp cùng các cơ quan quốc tế tổ chức Chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam nhằm giảm thiểu tỉ lệ trẻ tử vong do đuối nước.

Dù vậy, số lượng vụ đuối nước ở trẻ em xảy ra và số lượng các em nhỏ tử vong do đuối nước hàng năm vẫn là các con số hết sức đáng lo ngại. Hơn lúc nào hết, các nhà chuyên môn cần có những giải pháp căn cơ, hiệu quả để giảm thiểu các tai nạn đuối nước khi mùa hè đã đến rất gần.

Đuối nước ở mọi nơi

Ngày 08/02/2019, một nhóm gồm 8 em học sinh lớp 9 của trường Trung học cơ sở Nguyễn Duy Hiệu xã Bình Định Bắc, Bình Định Nam của huyện Bình Thăng, tỉnh Quảng Nam rủ nhau xuống biển Bình Minh tắm không may bị đuối nước khiến 6 em chết đuối.

Ngày 21/03/2019, 10 em học sinh của trường Tiểu học và THCS Hữu Nghị tỉnh Hòa Bình trong lúc chơi đùa ở khu vực bãi cát Thịnh Minh ven sông Đà (đoạn qua phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) không may bị đuối nước khiến 8 em nhỏ tử vong.

Ngày 14/04/2019, một nhóm 3 học sinh là Nguyễn Anh Khôi (học sinh lớp 3A3), Nguyễn Đăng Khôi (học sinh lớp 1A1, Trường tiểu học số 1 thị trấn Phú Túc, em ruột của Anh Khôi) và Hoàng Công Huân (học sinh lớp 2, Trường tiểu học Nguyễn Tất Thành, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, Gia Lai) rủ nhau ra hồ nước của gia đình em Huân câu cá. Vì trời nắng nóng nên các em đã xuống ao tắm, nhưng cả 3 em đều không biết bơi nên đã đuối nước và tử vong.

Ngày 06/05/2019, một nhóm học sinh của Trường THCS Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá) rủ nhau ra sông Mã tắm. Tuy nhiên, lúc xuống sông tắm, do trượt chân vào vùng nước sâu, 4 học sinh đã bị nước cuốn mất tích và đều tử vong.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ trong số rất nhiều các vụ tai nạn đuối nước thương tâm cướp đi tính mạng của các em nhỏ trong lứa tuổi học sinh mỗi ngày ở khắp các địa phương trên toàn quốc. Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, trong giai đoạn 2010-2015, trung bình mỗi năm có trên 3.000 thanh, thiếu nhi tử vong do đuối nước.

Con số này dù đã giảm xuống 1.995 em vào năm 2017 và 782 em (của 42/63 tỉnh thành) trong 6 tháng đầu năm 2018, nhưng Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có số lượng em nhỏ tử vong do đuối nước cao nhất Đông Nam Á và gấp 10 lần so với các nước phát triển. Đơn cử tính theo thống kê 6 tháng đầu năm 2018, trung bình trên toàn quốc, cứ mỗi 6 tiếng lại có 1 em nhỏ bị đuối nước và đây là con số cực kỳ đáng lo ngại.

Trách nhiệm thuộc về người lớn và cộng đồng

Đất nước ta, với địa hình có bờ biển dài 3.200km, có trên 2.300 sông, kênh, rạch và số lượng ao, hồ gần như không thể thống kê tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về tai nạn đuối nước ở thành thị lẫn nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa… Nói một cách khác, hầu hết các em học sinh ở bất cứ đâu đều sống trong môi trường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước và việc trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng phòng tránh đuối nước là cực kỳ cần thiết.

Theo phân tích trong các báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước là do trẻ em chưa biết bơi và thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng phòng chống đuối nước. Do thiếu sự giám sát của người lớn khi các em sống trong môi trường thiếu an toàn, do thiên tai bão lũ và do một vài nguyên nhân khác như chưa thực hiện đúng quy định khi tham gia giao thông đường thủy…..

Nhìn vào các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước thường xuyên xảy ra có trách nhiệm rất lớn của người lớn và của cộng đồng. Rất nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra ngay cả đối với những em biết bơi, thậm chí bơi tốt và điều đó cho thấy, việc biết bơi có chăng chỉ làm giảm thiểu nguy cơ, quan trọng nhất, các em cần được trang bị kiến thức và kỹ năng phòng chống đuối nước. Các em cần nhận thức được các mối nguy hiểm rình rập từ môi trường nước để tránh xa các khu vực nguy hiểm. Cần có kỹ năng xử lý khi bản thân hoặc bạn bè rơi vào tình huống nguy hiểm ở môi trường nước.

Tất cả những điều này không phải quá khó khăn để phổ cập, để trang bị cho các em nhưng thực tế cho thấy, dường như nó chưa được quan tâm đúng mức trong gia đình, nhà trường và xã hội.

Cần giải pháp đột phá

Số liệu thống kê cho thấy, số lượng trẻ em tử vong hàng năm do đuối nước ở Việt Nam dù đã giảm trong các năm gần đây song tốc độ giảm chậm và không giảm được nhiều về số lượng. Điều này xuất phát từ việc các bộ ngành thiếu giải pháp hiệu quả và có tính đột phá trong việc triển khai thực hiện các chương trình phòng chống đuối nước.

Từ sự thiếu đồng bộ trong việc trang bị kiến thức về phòng, chống đuối nước trong các nhà trường. Từ sự thiếu quan tâm, giám sát, quản lý học sinh của gia đình, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng sông nước, vùng tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn đuối nước.

Vì lý do này, trước hết đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp đột phá để thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy của người lớn, của cộng đồng về phòng, chống tai nạn đuối nước để tạo nên tác động trực tiếp đối với các em nhỏ trong cuộc sống thường ngày.

Kể từ năm 2019, phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em đã trở thành “Cuộc vận động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước” với mục đích, nhằm thay đổi nhận thức của người lớn và cộng đồng, từ đó tạo nên tác động tích cực lên các em nhỏ về việc phòng, chống đuối nước.

Cuộc vận động này dự kiến được triển khai ở toàn bộ các tỉnh, thành phố, sau đó tiếp tục được nhân rộng ra các đơn vị cơ sở trên toàn quốc với nhiều biện pháp cụ thể như tập huấn đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên cứu hộ, tổ chức dạy bơi cho trẻ em, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về đuối nước, tổ chức giải đấu, hội thi cứu đuối cho các em học sinh tham gia... Dù vậy, nó rất cần được triển khai một cách đồng bộ, thiết thực và hiệu quả chứ không chỉ đơn thuần là hình thức.

Bơi 25m và nổi 90 giây để phòng chống đuối nước

Trong hầu hết các chương trình dạy bơi cho các em nhỏ nhằm phòng chống tai nạn đuối nước, một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra là giúp các em biết cách “bơi sống sót” - tự bơi được 25m và nổi trên mặt nước trong vòng 90 giây - sau khi hoàn thành khóa học. Khó khăn lớn nhất trong việc dạy bơi cho các em hiện nay là hầu hết cấp cơ sở đều thiếu bể bơi, thiếu cơ sở vật chất và thiếu HLV. Bên cạnh đó, với nhiều gia đình, nhận thức về việc cho các em tập bơi cũng chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức bên cạnh việc học văn hóa.

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm