02/11/2020 12:28 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Ba tuần sau khi lần thứ 13 vô địch Roland Garros, Rafael Nadal sẽ trở lại thủ đô nước Pháp để tìm kiếm chức vô địch lần đầu tiên ở giải Paris Masters để cân bằng kỷ lục 36 danh hiệu Masters 1000 mà Novak Djokovic đang nắm giữ.
Có một điều kỳ lạ là trong khi thống trị ở Roland Garros thì Nadal lại cực kỳ vô duyên tại Paris Masters. Phải chăng mặt sân khác biệt (đánh sân cứng, chứ không phải đất nện) là lý do duy nhất khiến Rafa không thành công ở giải đấu này?
Khi Paris là nỗi ám ảnh
Trong hệ thống Masters 1000, có ba giải đấu mà Nadal chưa từng vô địch là Miami Masters, Thượng Hải Masters, và Paris Masters. Nhưng ở Miami Masters thì ít ra Rafa còn vào chung kết tới 5 lần, Thượng Hải cũng vào 2 lần, trong khi ở Paris Masters thì anh vào chung kết duy nhất 1 lần vào năm 2007 - năm đầu tiên anh tham dự (thua David Nalbandian 4-6, 0-6).
Những lần sau đó thì sao? Năm 2008, Nadal rút lui ở tứ kết sau khi thua đàn anh Nikolay Davydenko 1-6 trong set đầu tiên. Hai lần sau đó (2009, 2013), Nadal đều lọt vào bán kết, nhưng đều thua chỉ sau hai set trước Novak Djokovic và David Ferrer. Năm 2015, Nadal thua Stan Wawrinka ở tứ kết sau hai loạt tie-break, còn trong hai lần gần nhất dự giải, anh đều lần lượt rút lui vì chấn thương (tứ kết 2017 và bán kết 2019). Nếu không tính hai lần rút lui gần đây là những trận thua thì trong 7 lần tham dự Paris Masters, thành tích của Nadal là 19 thắng – 5 thua.
Vì sao Nadal lại thi đấu kém cỏi ở Paris Masters đến vậy? Như đã nhắc ở trên, đây là mặt sân cứng, chứ không phải đất nện sở trường của anh như ở Roland Garros. Nhưng đó chỉ là một phần. Lý do thứ hai nằm ở thời điểm diễn ra giải đấu nằm ở gần cuối mùa, khi thể lực của Nadal không còn sung mãn nữa, và khi ấy việc thi đấu trên mặt sân cứng có thể tiềm ẩn nguy cơ chấn thương đầu gối mà anh đã quá quen thuộc. Việc Nadal phải rút lui ở 3/7 lần tham dự là minh chứng.
Lần đầu cho Rafa?
Ba tuần trước, ở một Roland Garros rất khác so với mọi lần, từ mặt sân nảy thấp hơn cho đến khí hậu lạnh hơn do tổ chức muộn hơn 4 tháng, Nadal vẫn vô địch cực kỳ thuyết phục khi không để thua một set nào, trong đó có chiến thắng 3-0 trước kình địch Novak Djokovic ở chung kết. Đó được xem như nền tảng thuận lợi về phong độ và tâm lý cho Rafa trước khi dự Paris Masters. Chính anh cũng thừa nhận rằng mình đang rất tự tin nhờ chiến tích ở Roland Garros vừa qua.
Nhưng còn một nguyên nhân khác khiến Nadal trở thành ứng cử viên số một cho chức vô địch Paris Masters 2020: Các đối thủ lớn nhất của anh đều vắng mặt. Đương kim vô địch Novak Djokovic quyết định không bảo vệ chức vô địch ở Paris Masters, và mới đây đã bị Lorenzo Sonego loại ở tứ kết Vienna Open – giải đấu thuộc hệ thống ATP 500. Roger Federer thì nghỉ hết năm chờ bình phục chấn thương đầu gối. Ngay cả Dominic Thiem cũng quyết định rút lui sau khi gặp vấn đề sức khỏe ở trận thua Andrey Rublev tại Vienna. Stefanos Tsitsipas, Alexander Zverev, Daniil Medvedev, Rublev, và Diego Schwartzman đều là những tay vợt giỏi, nhưng rõ ràng chưa thể tiệm cận đẳng cấp của Big Three.
Là hạt giống số một của giải, Nadal chỉ phải thi đấu từ vòng hai, gặp người thắng trong cặp đấu giữa Filip Krajinovic và Feliciano Lopez. Trước vòng tứ kết, anh có thể gặp Borna Coric, trong khi đối thủ tiềm tàng ở tứ kết là David Goffin hoặc Pablo Carreno Busta. Ở nhánh đấu ngay dưới anh, Alexander Zverev và Andrey Rublev nhiều khả năng sẽ cạnh tranh nhau tấm vé vào bán kết.
Trong khi đó, do Thiem rút lui, nên Tsitsipas được đôn lên hạt giống hai, và có thể sẽ gặp Nadal ở chung kết. Tất nhiên trước đó, tay vợt người Hy Lạp sẽ phải vượt qua những đối thủ đáng gờm như Marin Cilic/Auger-Aliasime ở vòng 3, Milos Ranic ở tứ kết, và đặc biệt là Daniil Medvedev ở bán kết.
Nadal thường không có nhiều động lực khi tham dự Paris Masters, nhưng lần này có lẽ là khác. Chỉ cần thắng trận mở màn, anh sẽ trở thành tay vợt thứ 4 trong lịch sử đạt mốc 1.000 trận thắng trong sự nghiệp, sau Jimmy Connors (1.274), Roger Federer (1.242), và Ivan Lendl (1.068). Nhưng đương nhiên, Rafa sẽ nhắm ngôi vương, để cân bằng kỷ lục 36 danh hiệu Masters 1000 mà Djokovic đang nắm giữ.
Paris Masters: Sân chơi của Djokovic Nếu như Nadal thống trị Roland Garros thì Djokovic làm mưa làm gió tại Paris Masters với vô số kỷ lục. Nổi bật nhất dĩ nhiên là kỷ lục 5 lần vô địch, bỏ xa Boris Becker, Marat Safin (3), Pete Sampras, Andre Agassi, Brian Gottfried. Tom Okker (2). Anh cũng là tay vợt duy nhất bảo vệ thành công được ngôi vô địch Paris Masters. Ngoài ra, Djokovic còn đang giữ một loạt kỷ lục, bao gồm chơi nhiều trận chung kết nhất (6), vô địch liên tiếp và chơi chung kết liên tiếp nhiều nhất (3 lần – 2013, 2014, 2015), thi đấu nhiều trận nhất (45), thắng nhiều trận nhất (37), thắng liên tiếp nhiều nhất (17 trận). Chỉ có 1 kỷ lục không thuộc về Djokovic là tham dự nhiều giải nhất (16 lần – Fernando Verdasco). |
Phương Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất