Thể thao Việt Nam thiệt thòi lớn nếu Ánh Viên giải nghệ

09/10/2021 16:52 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com)- Việc “Cô gái vàng” Nguyễn Thị Ánh Viên tuyên bố giải nghệ sẽ khiến thể thao Việt Nam thiệt thòi lớn, trước mắt ở SEA Games 31 dự kiến sẽ diễn ra trên sân nhà vào tháng 5 năm sau.

Ánh Viên và bài học về sự lãng phí tài năng

Ánh Viên và bài học về sự lãng phí tài năng

Thất bại của Ánh Viên trong hành trình tìm kiếm suất tham dự và phần thi đấu tại Olympic Tokyo đã đặt ra nhiều vấn đề mà các nhà chuyên môn phải sớm giải đáp. Khoản đầu tư rất lớn cho kình ngư này trong nhiều năm qua không đem lại hiệu quả ở những sân chơi lớn.

Hiện tại, Ánh Viên vẫn đang là kình ngư số 1 Việt Nam. Không chỉ xuất sắc trong nước, Ánh Viên còn là VĐV nức danh trong khu vực Đông Nam Á với 25 HCV trên đường đua xanh sau 3 kỳ Đại hội liên tiếp gần nhất, gây tiếng vang cho thể thao nước nhà.

Ánh Viên dù không có thành tích tốt nhất ở SEA Games 30 khi chỉ có 6 HCV thay vì 8 HCV ở 2 lần Đại hội trước đó, nhưng cô gái 25 tuổi vẫn là người xuất sắc nhất SEA Games 30, cùng với kình ngư Zheng Wen của Singapore.

Ánh Viên giải nghệ sẽ khiến thể thao Việt Nam mất đi một "mỏ vàng" ở SEA Games. Ảnh: TT
Ánh Viên giải nghệ sẽ khiến thể thao Việt Nam mất đi một "mỏ vàng" ở SEA Games. Ảnh: TT

Việc Ánh Viên bất ngờ xin giải nghệ vào đầu tháng 10 này là nguyện vọng của cá nhân cô gái gốc Cần Thơ. Ánh Viên không còn nhiều động lực phấn đấu và 2 năm gần nhất, cô cũng không có được những điều kiện tốt để nâng cao thành tích.

Từ năm 2012 đến 2019, Ánh Viên đã được đầu tư trọng điểm từ Tổng cục TDTT với ngân sách lên đến 30 tỷ đồng, điều chưa từng có trong lịch sử nền thể thao. Tuy nhiên, Ánh Viên không thể một lần vượt qua chính mình ở đấu trường Olympic. Đây cũng là sân chơi Ánh Viên khao khát chinh phục để mang lại niềm vui cho CĐV Việt Nam.

Ánh Viên với khát khao cầu tiến và nỗ lực không ngừng để chinh phục bản thân và cô gái thuộc đoàn thể thao Quân đội cũng muốn mình không phí hoài niềm tin từ người khác. Ánh Viên chấp nhận đánh đổi tuổi trẻ của mình để sống với đam mê trên đường đua xanh.

Bạn bè cô có rất ít và tiếp xúc với VĐV 25 tuổi này, nhiều người sẽ cảm nhận hết những thiệt thòi của cô. Sự rụt rè trong giao tiếp và thiếu những điều kiện va chạm như bạn bè đồng lứa khiến Ánh Viên có những cảm xúc đôi khi rất ngây thơ.

Đó chính là lý do cô sẵn sàng khóc nấc khi lên bục nhận HCV SEA Games 30, bởi Ánh Viên đã tuột mất một HCV mà mình có thể giành được như SEA Games 28 và 29. Ánh Viên tự thu mình vào “vỏ ốc” khi đối diện với áp lực thành tích nặng nề bởi sự đầu tư lớn từ Tổng cục TDTT.

Những bình luận tiêu cực về “cô gái vàng” không thể vươn ra biển lớn, chinh phục những HCV tầm cỡ Asiad hay Olympic mà quẩn quanh đua tài ở khu vực Đông Nam Á cũng khiến Ánh Viên tổn thương.

Kình ngư số 1 Việt Nam đã sống chung với áp lực năm này qua năm khác và năm ngoái, chính Ánh Viên lần đầu tiên quyết định viết đơn xin giải nghệ. Tuy nhiên, cô đã đổi ý sau khi nghe lãnh đạo ngành thuyết phục và tiếp tục tập luyện để tranh tài ở Olympic tháng 7 vừa qua.

Rồi khi thành tích tiếp tục tụt dốc trong kỳ Thế vận hội tại Nhật Bản, Ánh Viên lại cảm thấy không hài lòng về chính mình. Cô gái gốc Cần Thơ suy sụp, mất động lực phấn đấu và lần thứ 2 viết ra ý định xin giải nghệ.

Cha của Ánh Viên là ông Nguyễn Văn Tác cũng đã được nghe về tâm sự của con mình. Ông ủng hộ Ánh Viên vì ở tuổi 25, Ánh Viên đã cống hiến cả thanh xuân cho đường bơi. Ánh Viên muốn nghỉ ngơi để học tập tại TP.HCM, dành nhiều thời gian cho gia đình và nhường cơ hội cho các VĐV trẻ nối tiếp mình.

Hiện tại, lãnh đạo ngành thể thao tiếp nhận đơn xin nghỉ của Ánh Viên nhưng vẫn muốn cô suy nghĩ lại. Ánh Viên nếu không thi đấu sẽ là thiệt thòi trong việc cạnh tranh huy chương của đoàn thể thao Việt Nam tại các sân chơi quốc tế, trước mắt là SEA Games 31 diễn ra ở sân nhà vào tháng 5/2022.

Ánh Viên ở 3 kỳ Đại hội gần nhất đã giúp đoàn thể thao Việt Nam có tới 25 HCV, liên tục có mặt trong TOP 3.

Tại SEA Games 30, 6 HCV và 2 HCB của Ánh Viên đã giúp đoàn thể thao Việt Nam xếp thứ 2 chung cuộc, chỉ sau chủ nhà Philippines và xếp trên đoàn thứ 3 là Thái Lan đúng 6 HCV. Nếu vắng Ánh Viên, bơi lội Việt Nam có thể dễ dàng bị Thái Lan vượt qua và danh hiệu VĐV xuất sắc nhất SEA Games cũng sẽ không thuộc về Việt Nam.

Về phần những CĐV phàn nàn về thành tích của Ánh Viên không ấn tượng trên những đấu trường tầm cỡ thế giới như Olympic, có thể họ sẽ nghĩ lại với đóng góp của Ánh Viên cho thể thao Việt Nam ở đấu trường khu vực hay châu Á vốn vừa sức hơn với VĐV Việt Nam.

Lý do là bởi để có một nhà vô địch Olympic hay thậm chí là có huy chương ở Thế vận hội, ngoài tài năng thiên bẩm còn là một sự đầu tư khổng lồ mà số tiền 30 tỷ đồng trải dài trong 8 năm không hề là lớn cho một VĐV đỉnh cao.

Bình Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm