Chiến lược ứng phó khẩn cấp với dịch Covid-19 của Việt Nam là vô cùng mạnh mẽ và đang đi đúng hướng

10/09/2021 22:13 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài trên toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã có những giải pháp ứng phó khẩn cấp với đại dịch.

Trưởng đại diện WHO: Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng nghỉ

Trưởng đại diện WHO: Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng nghỉ

Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng nghỉ, làm việc ngày đêm để có thể cung cấp đủ vaccine ngừa COVID-19 cho người dân, trong bối cảnh rất nhiều quốc gia đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn vaccine.

Chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 địa phương sáng 29/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ: "Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên".

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Tiến sỹ Kidong Park về quan điểm của WHO về sống chung với đại dịch COVID-19, những khuyến nghị cho Việt Nam, cũng như đánh giá của WHO về biện pháp phòng dịch trong thời gian qua.

*Phóng viên: Quan điểm của WHO về việc chung sống an toàn với đại dịch COVID-19 là gì? Việt Nam cần thực hiện những bước cụ thể nào để thích nghi với cuộc sống trong bối cảnh đại dịch một cách an toàn, thưa Tiến sỹ?

Tiến sỹ Kidong Park: Thế giới đã và đang chống chọi quyết liệt với đại dịch này trong suốt 20 tháng qua. Tại Việt Nam, việc chúng ta hành động sớm và mạnh mẽ vào năm 2020 đã ngăn chặn được SARS-CoV-2; tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch trong 4, 5 tháng qua. Việt Nam đã và đang áp dụng cách tiếp cận toàn xã hội để hạn chế lây truyền và cứu mạng người dân.

Một điều rất rõ ràng là virus sẽ không biến mất trên phạm vi toàn cầu - ít nhất là không phải trong tương lai gần, mà sẽ tiếp tục lây lan và gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Việc này sẽ để lại những hệ quả về tài chính trong ngắn và dài hạn. Cùng với đó, chúng ta đã có thêm kiến thức về virus như: Đặc điểm của virus và nhóm những người có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn. Chúng ta cũng có trong tay các công cụ hiệu quả để chống lại virus – các biện pháp 5K và vaccine. Với những yếu tố này, WHO có thể đưa ra một vài kịch bản dự báo cho tương lai.

Kịch bản thứ nhất là khi chúng ta có thể sống chung với virus, hay còn gọi là “bình thường mới”. Chúng ta giảm thiểu các nguy cơ do virus gây ra bằng cách tối ưu hóa việc tiêm chủng và các biện pháp phòng ngừa khác; đồng thời ứng phó với dịch bệnh bằng các biện pháp ngắn hạn, có mục tiêu. Điều này không có nghĩa là từ bỏ việc kiểm soát virus. Chúng ta tập trung vào việc cố gắng hạn chế sự lây lan, bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Bằng cách đó, giảm thiểu tác động đến sức khỏe và xã hội từ các đợt bùng phát.

Kịch bản thứ hai là khi các biến thể nguy hiểm hơn có thể phát triển. Các biến thể này thậm chí có khả lây lan dễ dàng hơn, gây ra bệnh nặng hơn hoặc kháng lại các loại vaccine hiện có. Đây là kịch bản chúng ta đều muốn tránh nếu có thể.

Kịch bản nào trong số hai viễn cảnh này sẽ trở thành sự thật tùy thuộc vào hành động của mỗi cá nhân và tất cả chúng ta trong những tuần và tháng sắp tới. Sức mạnh định hình đường đi sắp tới của đại dịch vì thế nằm trong tay chúng ta. Chính phủ nên cân nhắc một số điều chỉnh để định hướng kịch bản đại dịch theo hướng thuận lợi hơn.

Đầu tiên là việc tiến hành tiêm chủng cho những nhóm người được ưu tiên, đặc biệt là nhân viên y tế, người cao tuổi, những người có bệnh nền và sau đó là đến cả cộng đồng càng nhanh càng tốt. bên cạnh đó, cần ưu tiên tiêm chủng cho các khu vực có hệ thống y tế tương đối mỏng và điều kiện yếu kém hơn; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp 5K tại gia đình, trường học, công sở… Cùng với đó là các biện pháp phòng ngừa cho cá nhân và biện pháp y tế công cộng để làm giảm sự lây truyền, ngay cả khi một số biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Đồng thời, tăng cường hơn nữa năng lực của hệ thống y tế để quản lý tốt hơn các bệnh nhân COVID-19 nặng, đồng thời đưa ra lộ trình chăm sóc phù hợp nhằm tránh quá tải bệnh viện với các ca bệnh nhẹ và trung bình.

Chú thích ảnh
 Ông Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam. Ảnh: Trần Minh

Việc sử dụng tổng hợp những biện pháp trên chính là chìa khóa cho giảm thiểu lây lan và khả năng biến đổi thành các biến thể nguy hiểm hơn của virus. Chính phủ, với sự ủng hộ, chung tay của người dân, cần làm tất cả những gì có thể để tránh kịch bản số hai xảy ra trong tương lai.

* WHO đánh giá thế nào về vaccine và thuốc điều trị COVID-19 do Việt Nam sản xuất, thưa Tiến sỹ?

- Tôi được biết một số loại vaccine ngừa COVID-19 đang được phát triển bởi các nhà sản xuất tại Việt Nam. Một số vaccine đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. WHO đã hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực của Cơ quan quản lý quốc gia về vaccine (NRA). Việt Nam đã được WHO chứng nhận là hoàn thiện cấp độ 3 vào năm 2020, là cấp độ cao thứ hai trong chương trình đánh giá NRA của WHO. Điều này có nghĩa là NRA của Việt Nam có đủ năng lực hướng dẫn các nhà sản xuất vaccine và đánh giá hiệu quả, độ an toàn và chất lượng của vaccine.

Tôi xin nhấn mạnh rằng việc phát triển vaccine mới là một nhiệm vụ khó khăn và đôi lúc, có thể không thành công. Cách tốt nhất để hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển vaccine trong nước là để Cơ quan quản lý quốc gia về vaccine và đơn vị phát triển vaccine thực hiện theo quy trình khoa học, không bỏ qua bất kỳ bước thiết yếu nào để đảm bảo tính hiệu quả, sự an toàn và chất lượng của vaccine.

* WHO đánh giá như thế nào về các biện pháp phòng, chống và kiểm soát COVID-19 của Việt Nam trong thời gian qua? Việt Nam cần làm gì trong thời gian tới, thưa Tiến sỹ?

- Tình hình bùng phát dịch tại Việt Nam đang rất phức tạp và khó khăn, với số ca mắc lên đến hơn nửa triệu người kể từ đầu tháng 9/2021. Chúng ta vẫn tiếp tục báo cáo số ca mắc và tử vong cao được ghi nhận hàng ngày trong những tuần qua, chủ yếu đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Đây là tình trạng đáng quan ngại và là dấu hiệu của nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Một số cơ sở y tế ở các tỉnh bùng phát dịch bệnh đang quá tải. Hệ thống y tế chịu áp lực rất lớn và các nhân viên y tế đang làm việc không ngừng nghỉ.

Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức thực hiện các biện pháp, huy động các nguồn lực để chống lại đại dịch, đặc biệt là việc hỗ trợ các tỉnh đang là điểm nóng. Chúng ta đã thấy nguồn nhân lực và các chuyên gia đã và đang được cử đến để hỗ trợ cho các tỉnh cần tiếp sức. Phương thức tiếp cận toàn xã hội đang được chỉ đạo thực hiện bởi cơ quan cao nhất của Chính phủ với Thủ tướng Chính phủ hiện là Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19. Điều này thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát tình hình bùng phát dịch.

Vẫn còn rất nhiều nhiệm vụ phía trước cần phải thực hiện và những tuần tới là thời điểm quan trọng đối với Việt Nam. WHO tin tưởng rằng chiến lược ứng phó khẩn cấp vì sức khỏe cộng đồng trong kiểm soát bùng phát dịch COVID-19 hiện nay của Việt Nam là vô cùng mạnh mẽ và đang đi đúng hướng.

Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ.

Nguyễn Thu Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm