23/02/2022 15:04 GMT+7 | Tin tức 24h
(giaidauscholar.com) - Chiều 22/2, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, nước ta ghi nhận 55.879 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua. Con số này cũng như các ca F0 trong trường học tăng tại không ít địa phương khiến người dân, các bậc phụ huynh lo lắng.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Y tế, tính đến chiều 22/2, tại Việt Nam đã có gần 192 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm, số người tử vong do dịch trong một ngày qua giảm xuống còn 77 ca, số bệnh nhân nặng đang được điều trị chỉ là 3.434 người.
Điều này cho thấy quyết định của Chính phủ cho học sinh trở lại trường học một cách thận trọng và mở cửa thị trường du lịch có kiểm soát đã được tính toán kỹ lưỡng.
* Mở cửa lại trường học và du lịch có an toàn?
Từ tháng 10/2021, Việt Nam đã bắt đầu thay đổi chiến lược chống dịch COVID-19, từ bỏ phương châm “Zero COVID” để chuyển sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Sự xuất hiện của biến chủng Delta, sau này là biến chủng Omicron khiến cho việc đóng cửa biên giới, cách ly nghiêm ngặt người bệnh và người tiếp xúc gần, phong tỏa chặt cả vùng dịch rộng lớn… trở nên kém hiệu quả, nếu không nói là vô nghĩa. Việc “đóng băng” các hoạt động kinh tế - xã hội - giáo dục kéo theo nhiều hệ lụy và không thể kéo dài mãi trong khi dịch COVID-19 chưa biết bao giờ mới kết thúc.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 21/2, có 59 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp; tất cả 63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học trực tiếp.
Trước đó, ngày 17/2, tại Trụ sở Chính phủ đã diễn ra cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá tình hình mở cửa trường học của các địa phương. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc mở cửa lại trường học là yêu cầu bức thiết, khi trẻ ở nhà lâu sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường, không chỉ chậm chương trình học văn hóa, kiến thức, mà còn tác động rất lâu dài đến sự phát triển của các cháu.
Cũng trong ngày 21/2, thông tin về các kế hoạch và công tác chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch của Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, toàn ngành du lịch đã sẵn sàng và chuẩn bị tốt nhất để từ ngày 15/3 du lịch Việt Nam chính thức mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới.
Việc khôi phục các chuyến bay thương mại, không hạn chế các chuyến bay quốc tế là điều kiện để phục hồi du lịch. Việc cấp thị thực là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển quốc tế như trước khi dịch bệnh. Việt Nam đã công nhận "Hộ chiếu vaccine", giấy chứng nhận tiêm chủng của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Việc mở cửa trở lại trường học và du lịch trên quy mô toàn quốc dựa vào tình trạng miễn dịch cộng đồng ở Việt Nam đã đạt mức cao.
Dự kiến, đến ngày 30/3, Việt Nam sẽ hoàn thành mũi vaccine COVID-19 thứ 3 cho tất cả người dân thuộc diện được tiêm. Còn tính đến chiều 22/2 đã có gần 192 triệu liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Số vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên tính đến ngày 21/2 là 174.706.656 liều, trong đó mũi 1 là 70.774.494 liều; mũi 2 là 68.631.897 liều; mũi bổ sung là 13.400.975 liều và mũi 3 là 21.899.290 liều. Cả nước có 59 tỉnh, thành phố đạt độ bao phủ mũi 2 vaccine hơn 90%; chỉ còn 4 địa phương đạt độ bao phủ mũi 2 dưới 90%.
Việc tăng tỷ lệ người được tiêm vaccine mũi bổ sung (còn gọi là mũi 3) làm thay đổi hẳn bức tranh dịch tễ ở nước ta. Tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tử vong sau khi được tiêm mũi thứ 3 là rất thấp.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, mặc dù có số người mắc COVID-19 mới nhiều nhất cả nước trong những ngày qua, song số ca chuyển nặng của thành phố chỉ khoảng 5%. Vào thời điểm tháng 10/2021, khi độ bao phủ vaccine mũi bổ sung còn thấp, số ca chuyển nặng chiếm khoảng 11%. Tại Hà Nội các chỉ số quan trọng nhất hiện nay để đánh giá cấp độ dịch là số ca chuyển nặng, tử vong và khả năng đáp ứng điều trị chứ không phải số lượng F0.
Tiến sĩ Thu Anh, chuyên gia về dịch tễ học, cho biết: Việt Nam đang ở đỉnh cao của miễn dịch cộng đồng, có độ phủ vaccine lớn, số lượng ca bệnh tuy lớn nhưng với triệu chứng nhẹ nên vẫn đạt được ngưỡng an toàn. Theo bà, nếu đã tiêm mà còn "ngồi yên", không dám mở rộng cửa đón khách du lịch thì “lãng phí vaccine".
Điều đáng nói là mở cửa du lịch góp phần quan trọng để khôi phục kinh tế. Trong khi đó, việc bế quan tỏa cảng cũng không ngăn chặn được sự lây nhiễm COVID-19.
Trong hai tháng qua Việt Nam đón hơn 8.500 khách du lịch quốc tế nhưng chỉ có 27 ca mắc COVID-19 (một trường hợp phải điều trị tại cơ sở y tế, số còn lại không có triệu chứng và có kết quả âm tính sau 3-5 ngày, không gây lây nhiễm ra cộng đồng).
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết: Việc mở cửa du lịch là vấn đề sống còn đối với khôi phục du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung, bởi vì du lịch là sự khởi đầu, ảnh hưởng tới hàng loạt ngành kinh tế khác, du lịch tan vỡ kéo theo các ngành khác, như cung ứng dịch vụ.
Theo ông, nước ta đã tổ chức thí điểm mở cửa du lịch tại những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao, có năng lực y tế tốt. Đến nay, tình thế hoàn toàn khác khi toàn quốc được phủ vaccine và có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19. Khi ngành du lịch chính thức hoạt động trở lại (chứ không còn là thí điểm) thì sẽ có ngay ít nhất 7.800 doanh nghiệp sẵn sàng ký quỹ, đăng ký đón khách quốc tế.
Nhiều chuyên gia về du lịch cho rằng Việt Nam nên sớm mở cửa đón khách bởi vì hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã có phương án khôi phục hoạt động du lịch quốc tế.
Năm 2019 Thủ đô Hà Nội đã đón 7 triệu lượt khách nước ngoài. Sở Du lịch Hà Nội cho rằng thời điểm ngày 1/4 là phù hợp để các doanh nghiệp lữ hành có cơ hội “tái khởi động”. Thành phố đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 đạt 99,8%, mũi 2 đạt 99,5%.
Tỉnh Hà Giang cũng đang có văn bản xin phép đón khách quốc tế. Sau 2 tháng mở cửa địa phương đã thu hút hơn 365.000 lượt khách nội địa, công suất phòng đạt 80-100% và không có vấn đề phát sinh về dịch.
Tỉnh Khánh Hòa, một trong 7 địa phương đã được chọn thí điểm đón khách quốc tế, sẵn sàng cho việc mở cửa thực sự. Tỉnh đã đón 28 chuyến bay, 7.000 khách nước ngoài. Độ bao phủ vaccine của Khánh Hòa đạt 92,3% mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên và đang tiến hành tiêm mũi 3.
* Châu Âu mở cửa
Tại châu Âu biến thể Omicron đang lây nhiễm nhanh, song nhiều quốc gia trong khu vực đang nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 16/2 cho biết, nước này sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 theo lộ trình 3 bước. Theo đó, trong bước đầu tiên, các cuộc gặp gỡ cá nhân với những người đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và đã khỏi bệnh sẽ không bị giới hạn số người tham dự. Các cửa hàng bán lẻ dỡ bỏ mọi kiểm soát về y tế (không cần chứng minh đã tiêm vaccine hay phải có giấy xét nghiệm âm tính), song vẫn phải đeo khẩu trang.
Trong giai đoạn thứ hai, bắt đầu từ ngày 4/3, số người được tham gia các sự kiện ngoài trời tối đa tăng lên 25.000 người, trong khi các hộp đêm và các sự kiện lớn (như thể thao) sẽ mở cửa cho những người đã tiêm 3 mũi vaccine hoặc những người đã tiêm 2 mũi vaccine (hoặc đã khỏi) có xét nghiệm âm tính. Ở giai đoạn thứ 3, từ ngày 20/3, mọi biện pháp hạn chế lớn đều sẽ được dỡ bỏ nếu tình hình ở các bệnh viện cho phép. Bên cạnh đó, quy định làm việc tại nhà cũng sẽ được bãi bỏ.
Đức là một trong số nước áp đặt những biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt nhất châu Âu, đồng thời cũng chậm hơn nhiều nước khác trong việc nới lỏng các hạn chế. Trước Đức, nhiều nước châu Âu khác như Đan Mạch, Thuỵ Sĩ và Áo thông báo sẽ sớm dỡ bỏ hầu hết các hạn chế.
Ngày 16/2, Thủ tướng Áo Karl Nehammer thông báo, nước này sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế còn lại liên quan đến đại dịch COVID-19 vào ngày 5/3, bao gồm việc bỏ yêu cầu các quán bar và nhà hàng đóng cửa trước nửa đêm và cho phép các câu lạc bộ đêm mở cửa trở lại.
Từ ngày 17/2, Thụy Sĩ hủy bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và trình các giấy chứng nhận liên quan đến COVID-19 tại các cửa hàng, nhà hàng, địa điểm văn hóa, nơi công cộng và tại các sự kiện. Quy định đeo khẩu trang tại nơi làm việc và khuyến nghị làm việc từ xa cũng được dỡ bỏ. Như vậy, người dân Thụy Sĩ sẽ chỉ còn phải tuân thủ quy định tự cách ly trong 5 ngày nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, cùng với quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, các quy định này dự kiến chỉ kéo dài đến cuối tháng 3.
Hà Lan trở lại chế độ bình thường mới với việc dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng, chống sự lây lan của đại dịch COVID-19. Phát biểu ngày 15/2 trong một cuộc họp báo ở thành phố La Haye, Bộ trưởng Y tế, Phúc lợi và Thể thao Hà Lan Ernst Kuipers nêu rõ Chính phủ sẽ cho phép đất nước mở cửa trở lại sau hơn hai năm nỗ lực bảo vệ người dân và chống chọi với đại dịch COVID-19. Ông nhấn mạnh, Hà Lan đang ở trong một giai đoạn mới, phù hợp với cơ chế bình thường mới.
Chính phủ Hà Lan dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo 3 giai đoạn. Bắt đầu từ ngày 18/2, tất cả các cơ sở dịch vụ, giải trí trong nước sẽ được phép mở cửa trở lại đến 1h sáng. Từ ngày 25/2, các cơ sở này sẽ hoạt động theo giờ giấc thông thường.
Na Uy cũng đã dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế trong tháng này, bao gồm bắt buộc làm việc từ xa, giới hạn phục vụ rượu và lệnh cấm các môn thể thao. Thụy Điển ngày 9/2 cũng bỏ gần hết quy định phòng dịch.
Đan Mạch đang thử nghiệm tiếp cận với đại dịch COVID-19 một cách táo bạo, thậm chí được đánh giá là khá mạo hiểm. Dù số ca mắc mới liên tục tăng, quốc gia này vẫn dỡ bỏ tất cả hạn chế phòng dịch khi có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Chính phủ nước này tuyên bố rằng kể từ ngày 1/2, dịch COVID-19 không còn được coi là một mối đe doạ nghiêm trọng và các biện pháp phòng dịch trên các phương tiện giao thông công cộng bị dỡ bỏ.
Đan Mạch là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu áp đặt lệnh đóng cửa vào năm 2020, ngay cả khi nước này không nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Việc linh hoạt áp dụng và dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ Đan Mạch được người dân ủng hộ. Hiện tại, số ca tử vong và nhập viện đang tăng chậm hơn nhiều so với các ca mắc. Số bệnh nhân nặng cũng ở mức thấp nhất trong nhiều tháng. Đã có khoảng 81% dân số Đan Mạch được tiêm chủng đầy đủ và 62% đã hoàn thành một mũi vaccine tăng cường.
Các nhà phân tích nhận định, kinh nghiệm của Đan Mạch có thể báo trước tương lai rằng nhiều quốc gia có đủ khả năng sống chung với COVID-19 khi có tỷ lệ tiêm chủng cao, năng lực xét nghiệm khổng lồ và hạ tầng dữ liệu y tế mạnh.
Trần Quang Vinh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất