05/05/2012 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - Cuộc thi gây chú ý trên truyền hình Vietnam’s Got Talent đang đi đến hồi kết với sự “thống trị” của các “tài năng” âm nhạc (9/14 tiết mục) mà chiếm 1/3 số đó là những thí sinh ở độ tuổi thiếu nhi. Các em nhỏ ngay từ khi xuất hiện trên sân khấu vòng loại đã giành được nhiều cảm tình của khán giả và những lời khen hào phóng của ban giám khảo. Trong số các em có ai sẽ trở thành tài năng âm nhạc thật sự, chưa ai khẳng định hay tiên đoán được. Nhưng nhìn vào chặng đường của các em ở cuộc thi này, có thể thấy không ít lời khen có nguy cơ biến các em thành những người khổng lồ bằng giấy.
>> Bạn có thể bình luận bài viết này trên http://www.facebook.com/baothethaovanhoa
>> Đọc các bài viết về Vietnam's Got Talent tại đây
Từ vòng loại sân khấu, Vietnam’s Got Talent (VGT) đã thu hút được nhiều thí sinh nhỏ tuổi tham gia bằng những tiết mục hát. Qua vòng bán kết, các em bị loại dần và đến chung kết chỉ còn lại 3 em, đó là Nguyễn Thị Thanh Trúc, Vũ Song Vũ và Vũ Đình Tri Giao.
Nguyễn Thị Thanh Trúc từng đoạt ngôi vị quán quân trong cuộc thi hát trên truyền hình dành cho thiếu nhi Đồ Rê Mí năm 2010. Giọng hát của Thanh Trúc không có gì đặc biệt, khả năng của em chỉ ở mức hát đúng nốt, đúng nhịp và biết cách nhún nhảy, tạo dáng. Không chỉ thế, em còn rất biết cách giao đãi với giám khảo. Có thể nói, khi ở trên sân khấu, Thanh Trúc dạn dĩ, thiện nghệ và chuyên nghiệp nhất trong số 3 thí sinh nhỏ tuổi. Điều đó dễ lý giải khi em đã từng kinh qua một cuộc thi dài hơi theo hình thức truyền hình thực tế với sự trợ giúp từ một ban bệ gồm nhiều thành phần để em có thêm vốn liếng từ lĩnh vực thanh nhạc, kỹ năng biểu diễn, phục trang đến kỹ năng giao lưu sân khấu.
Vũ Song Vũ trước khi đến với cuộc thi này đã từng “gây sốt” trên Youtube với bản thu bài hát My Heart Will Go On. Cậu bé, lúc đó mới 9 tuổi, đã gây ấn tượng bằng việc phát âm tiếng Anh chuẩn ở mức độ tương đối, hát có hồn và lên cao rất trong, ngọt. Ở phần comment, Vũ đã nhận được những lời nhận xét đầy hào hứng: “em là tương lai sáng sủa của nền âm nhạc Việt Nam”, “em sẽ là Justin Bieber của Việt Nam” hay “em sẽ làm thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn”… Thế nhưng, bất cứ ai có kiến thức về phòng thu đều biết sự trong, ngọt ở những đoạn lên cao đó là do có sự can thiệp của phần mềm nắn nốt Auto tune. Và khi Vũ xuất hiện trên sân khấu của VGT cũng với My Heart Will Go On, không còn sự hỗ trợ của kỹ thuật phòng thu, cái ngọt, độ ngân nga luyến láy, sự trong vắt khi lên cao như khi nghe trên Youtube không còn, thay vào đó là sự vất vả để “leo” lên được đúng cung quãng của bài hát. Với phần trình diễn bài hát Bà tôi rồi Ông tôi của Vũ cũng tương tự, em luôn ở tình trạng phải gánh một vật nặng 8kg trong khi sức em chỉ vừa với gánh nặng 5kg.
Ngây thơ, rụt rè nhất là Vũ Đình Tri Giao, có thể nói trong 3 thí sinh nhỏ tuổi, cô bé này có năng khiếu và sự cảm nhận âm nhạc cao hơn. Nếu Thanh Trúc và Song Vũ luôn ý thức rằng các em ra sân khấu hát để thi thố thì ở Tri Giao dường như việc hát được đặt lên trên hết. Em hát giống như một đứa trẻ đang say mê chơi một món đồ chơi mà nó yêu thích, không quan tâm đến bất cứ điều gì xung quanh. Năng khiếu của Tri Giao không chỉ là hát chuẩn tiếng Anh, nhiều cảm xúc mà còn ở kỹ thuật hát đáng nể. Với You Raise Me Up và nhất là When You Believe, những ca khúc gần với thể loại âm nhạc academy (kinh viện) được pop hóa và hầu như là có chuyển điệu trong bài từng được trình bày bởi những giọng ca đẳng cấp trên thế giới, với các ca sĩ chuyên nghiệp khi thể hiện lại cũng tương đối “xương xẩu” thì Tri Giao đã làm được.3 thí sinh 3 kiểu phong cách rất khác biệt nhưng điểm chung nhất của cả 3 là các em đều chọn những bài hát không dành cho lứa tuổi của mình mà toàn chọn bài của người lớn để thể hiện. Điều này không khó hiểu, bởi cứ nhìn vào sự tung hô của khán giả, của BGK và báo chí thì sẽ thấy rằng, cũng như nhiều lĩnh vực khác, xã hội đang đi theo xu hướng làm gì cũng muốn tìm đến sự “đao to búa lớn” chứ không tìm đến sự phù hợp với bản thân mình, không muốn thừa nhận sự việc theo đúng tính năng vốn có của nó. Các em được tung hô là “thần đồng”, là “phi thường” khi chúng, những đứa trẻ với thể chất chỉ phù hợp để hát những bài hát có nội dung dễ hiểu, quãng ngắn, âm vực hẹp lại có thể hát được những bài dành cho người lớn với quãng rộng, nội dung phức tạp và cần phải vận dụng kỹ thuật mới hát được. Phải chăng đó là cách duy nhất để khẳng định “tài năng”?
Giải mã những lời khen
Ca sĩ, giảng viên thanh nhạc Lan Anh: Đừng khen quá lời Hát như các em rất đáng được động viên, khen ngợi và khích lệ nhưng sự động viên khen ngợi đó nên dừng ở mức độ phù hợp, vừa phải với những gì các em có chứ đừng làm quá lên. Trong nhiều buổi diễn mà tôi tham gia, có những em ở các CLB thiếu nhi biểu diễn các tiết mục khá hay, phong cách tốt, rất tự nhiên và nghệ sĩ. Tuy thế, đến lứa tuổi trưởng thành có hát được nữa không lại là vấn đề khác. Tôi đã giảng dạy trong trường một thời gian, kinh nghiệm cho thấy trong quá trình rèn luyện có những trường hợp sinh viên vừa vào học đã có thành tích rất tốt, thi luôn được điểm cao nhất nhưng lại không phát triển được. Ngược lại có những em lúc mới vào khả năng chỉ vừa phải nhưng trong quá trình học lại phát triển rất tốt. Thường thì sau khi dạy thì, chất giọng của nam thay đổi nhiều hơn nữ. Và nói chung, ngoài vấn đề năng khiếu còn phụ thuộc vào sự phát triển tự nhiên, quá trình học tập, sự cảm thụ… sẽ có rất nhiều biến đổi. |
Trong trường hợp BGK VGT mùa đầu tiên, có thể đơn cử:
Với tiết mục Con còmà bé Thanh Trúc phải “gang cổ” ra để “gào” cho đúng nốt, hoàn toàn dùng sức để hát những đoạn cao trào, cựu người mẫu Thúy Hạnh nhận xét: “Con làm cô rất bất ngờ, cô yêu hình ảnh của con, con rất tuyệt!”; NSƯT Thành Lộc nói: “Thanh Trúc như một con cá nhỏ bé lội ngược dòng để thi với những người lớn hơn mình rất nhiều…, cháu hát như một ca sĩ chuyên nghiệp và chú nghĩ chú Tùng Dương sẽ đi kiếm cháu để kết hợp thành một cặp đôi hoàn hảo”; còn nhạc sĩ Huy Tuấn, vị giám khảo chuyên môn duy nhất trong BGK, khen ngợi rằng: “Chú đã chứng kiến nhiều ca sĩ chuyên nghiệp đứng trên sân khấu với dàn nhạc hùng hậu gồm các nhạc công hàng đầu của TP.HCM, họ đã bị nuốt chửng vào trong dàn nhạc đó, còn cháu hôm nay, cháu đã đè hết tất cả mọi người ở đây!”.
Những nhận xét “bay bổng” kiểu này dễ làm công chúng phấn khích, vô hình trung trở thành sự định hướng cho công chúng. Điều này không chỉ gây ảo tưởng cho các em mà cho cả người lớn. Chưa kể, khi phấn khích, nhạc sĩ còn khiến công chúng hiểu sai về một thể loại âm nhạc, chẳng hạn khi anh nhận xét phần thi của nhóm Mộc ở đêm bán kết 5 rằng: “Đây mới thực sự là acapella, tức là nó trọn vẹn từ hòa bè, trình diễn, đội hình…!”. Thực ra, acapella là loại hình nghệ thuật mà sự cảm thụ của công chúng chỉ cần ở đôi tai (hòa thanh, tiết tấu, âm sắc hoàn toàn bằng giọng người mà không cần bất cứ một nhạc cụ nào) chứ không nhất thiết phải có đội hình, biểu diễn, trang phục…, những thứ cần thưởng thức bằng mắt (ngoại trừ sự sáng tạo, làm mới sau này của các nhóm nhạc, điển hình là Voca People mà nhóm Mộc đã học theo). Hay mới đây trong đêm chung kết 2, để khen thí sinh hát nhạc kịch Nguyễn Hương Thảo, nghệ sĩ Thành Lộc đem sân khấu Broadway ra so sánh rằng có những vở sân khấu nhạc kịch danh tiếng số một thế giới này phải tập những 2 năm, mà ở đây Hương Thảo chỉ tập có 2 tuần (!)- một so sánh rất khập khiễng dễ làm khán giả Việt Nam, những người chưa có cơ hội thưởng thức một vở nhạc kịch Broadway thực thụ, hiểu không đúng về thể loại sân khấu này và ảo tưởng ở tài năng “vượt trội Broadway” của thí sinh Việt Nam!
Và những tấm gương “tày liếp”
Thế giới không thiếu những hiện tượng thần đồng âm nhạc đã tắt tiếng ngay từ khi chưa qua tuổi thiếu niên, điển hình là Robertino Loretti ở những năm 1960. Cậu bé được phát hiện khi mới 10 tuổi, 13 tuổi đã có băng đĩa được phát hành khắp toàn cầu và lưu diễn ở nhiều nơi trên thế giới, có những buổi diễn thu hút tới gần 50.000 khán giả. Nhiều khán giả Việt Nam thế hệ trước chắc hẳn chưa quên những bài hát ghi dấu tên tuổi Robertino như Mamma hay O Sole Mio. Thế nhưng chỉ 1 năm sau đó, giọng hát của cậu hoàn toàn biến mất và sự nghiệp ca hát của Robertino chấm dứt vĩnh viễn.
Ở Việt Nam, có thể kế tới trường hợp bé Xuân Mai. Ở tuổi lên 2, Xuân Mai đã biết hát rất đúng nhịp, biết ngân nga và vào đúng nhạc. Được hậu thuẫn bởi ông bầu chính là bố đẻ của mình, với công nghệ tổ chức biểu diễn và lăng-xê khá chuyên nghiệp vào lúc đó, Xuân Mai đã nổi tiếng khắp cả nước. Tuy nhiên, với chất giọng mảnh, không có cá tính đó, khi bước vào tuổi thiếu niên, không còn sự ngây thơ đáng yêu nữa, Xuân Mai nhanh chóng đi vào quên lãng để bây giờ biến mất hẳn trên thị trường ca nhạc dù album Con cò bé bé của cô hiện vẫn còn được trẻ con khắp hang cùng ngõ hẻm mê mẩn.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất